Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2016

Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhất từ TPP

Đó là ý kiến đánh giá của giới kinh doanh và nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước. Tuy nhiên bên cạnh những cơ hội mới, doanh nghiệp Việt sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn, đặc biệt là trong lĩnh vực dệt may và chăn nuôi.
 
Ngày 5/10, sau hơn 5 ngày làm việc thâu đêm, Bộ trưởng Thương mại 12 nước tham gia TPP gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam tuyên bố kết thúc thành công quá trình đàm phán để đi đến một thỏa thuận mang tính lịch sử.
 
Hiệp định được đánh giá là công trình của thế kỷ XXI với kỳ vọng tạo ra một tiêu chuẩn, khuôn khổ cơ bản cho quá trình hội nhập khu vực, thậm chí của cả thế giới. So với các Hiệp định thương mại tự do khác, TPP có tham vọng, toàn diện và sâu rộng hơn hẳn.
 
Theo Eurasia Group, Việt Nam là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất với TPP. Nó giúp đẩy GDP của nước này tăng 11% trong năm 2025; Xuất khẩu tăng 28% khi các công ty bắt đầu rời nhà máy đến đây do giá nhân công rẻ.
 
Giảm thuế nhập khẩu vào Mỹ và Nhật Bản sẽ có lợi cho những nhà sản xuất quần áo của Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam cũng sẽ đối mặt với những quy định ngặt nghèo hơn về nguồn gốc nguyên vật liệu sản xuất.
 
det may
 
TPP là cơ hội để nhiều ngành sản xuất VN làm lại từ đầu
 
Hải sản của Việt Nam cũng được hưởng lợi nhiều từ việc loại bỏ các khoản thuế nhập khẩu tôm, mực, cá ngừ.
 
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám Đốc ngân hàng HSBC Việt Nam nhận định,  Hiệp Định TPP sẽ tạo áp lực tích cực để việt Nam đổi mới, trở thành nền kinh tế hiệu quả và cạnh tranh hơn.  Và Việt Nam sẽ hưởng lợi lớn từ TPP do nhu cầu ngày càng gia tăng đối với hàng hóa dệt may và giày dép.  Nghiên cứu của HSBC cũng chỉ ra rằng TPP có khả năng tăng thu nhập quốc dân của Việt Nam thêm 10% vào năm 2020.
 
"Phần còn lại phụ thuộc vào chính Việt Nam để có thể thực sự hưởng lợi từ hiệp định này. Tôi tin tưởng vững chắc rằng TPP sẽ tạo áp lực tích cực để đất nước đổi mới nhanh chóng và đưa Việt Nam thành một nền kinh tế hiệu quả và mang tính cạnh tranh hơn", ông Hải nhấn mạnh.
 
Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần tôn Hoa Sen, trong hội thảo về Kết nối cung cầu hàng Việt được tổ chức tại TP.HCM vào cuối tháng 9 vừa qua, cho biết công ty ông đã đầu tư để đón đầu TPP xuất hàng thành phẩm sang Mỹ sau khi hiệp định được ký kết. Đại diện Công ty cổ phần sợi Thế Kỷ cũng kỳ vọng TPP sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho các DN lĩnh vực sợi, dệt may do giá thành các mặt hàng này của VN khá cạnh tranh so với 12 quốc gia tham gia TPP.
 
Thông tin từ Tập đoàn dệt may VN (Vinatex) cho thấy đơn vị này liên doanh với một số nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đã đầu tư lên đến 8.000 tỉ đồng để xây dựng vùng nguyên phụ liệu đón đầu TPP. Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, với việc gia nhập TPP, xuất khẩu VN sẽ tăng thêm 28% vào năm 2025 và GDP sẽ tăng thêm 10,5% so với không gia nhập. 
 
Gia nhập TPP sẽ giúp Việt Nam hút vốn đầu tư từ nước ngoài, khi đó tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân. Đây là một điều rất đáng mừng cho người lao động. 
 
Ông Adam Sitkof - Đại diện cho tiếng nói của nhà đầu tư quốc tế, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam cho hay TPP hoàn tất là điểm đáng mừng cho các công ty Mỹ và Việt Nam nói chung và nhà đầu tư, công nhân, nông dân và người tiêu dùng nói riêng. 
 
"TPP là hiệp định cực kỳ quan trọng với các mối quan hệ kinh tế song phương nói chung và quan hệ Việt - Mỹ nói riêng. TPP sẽ thay đổi môi trường kinh doanh Việt Nam, cung cấp những cơ hội mới để giúp Việt Nam thực hiện chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa và toàn cầu hóa", vị này nhấn mạnh. 
 
Bên cạnh những tác động tích cực đến nền kinh tế, thể chế và xã hội thì TPP cũng tạo ra những “cơn sóng lớn” cho ngành chăn nuôi Việt. Cũng theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, chăn nuôi hiện là ngành gặp nhiều khó khăn nhất khi cam kết TPP có hiệu lực.
 
Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV VISSAN, phân tích: 85% chăn nuôi hiện nay là nhỏ lẻ, chỉ có 15% chăn nuôi công nghiệp. VN có đàn heo nái 4,5 triệu con, đứng hàng thứ 3 trên thế giới nhưng sản lượng thịt hạng 15 - 16. Cụ thể bình quân thế giới một đầu heo nái cho 30 con heo thịt/năm, còn VN chỉ cho 21 con. Năng suất quá thấp đã đẩy giá thành thịt heo tăng cao nên rất khó cạnh tranh hậu TPP. Chưa kể, mặt bằng giá thành sản xuất của VN cũng cao hơn mức trung bình của thế giới là 25%.
 
Ngoài ra ngành chăn nuôi còn  lo sợ thịt ngoại sẽ áp đảo thịt nội.  Bởi vì khi chưa vào TPP chúng ta đã có những hiệp ước với Úc và New Zealand về nông nghiệp. Hiện thuế suất đối với thú sống vào VN bằng 0%, thịt còn 15 - 20%. “Với mức thuế bằng 0%, bò Úc sống đã nhanh chóng tràn vào VN. Với lộ trình này của TPP, thuế suất của mặt hàng thịt sẽ tiếp tục giảm và thịt ngoại giá rẻ sẽ thâm nhập thị trường VN dễ hơn. Việc chúng ta chưa truy suất nguồn gốc, chưa sản xuất theo chuỗi giá trị, chưa có chỉ dẫn địa lý…cũng là một khó khăn lớn khi cạnh tranh với thịt ngoại…"
 
Tuy nhiên, trước những khó khăn thách thức của TPP giới doanh nghiệp vẫn tỏ ra lạc quan và coi đây là cơ hội để thay đổi những yếu kém và làm lại từ đầu.  Để làm được điều đó cần sự nỗ lực của các doanh nhân, doanh nghiệp và sự hỗ trợ của Chính phủ, đặc biệt là đối với ngành chăn nuôi và may mặc. 
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét