Nếu có dịp ngang qua vùng trũng Hải Lăng, bạn hãy một lần đặt chân đến xã Hải Phong (xã Hải Hòa cũ), huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị) để tìm hiểu mọi thứ về… chuột đồng và thử cảm giác thưởng thức những món thịt chuột trứ danh nơi này!
Mưu sinh nhờ… chuột đồng!
Là địa phương có diện tích sản xuất lúa thuộc loại lớn ở vựa lúa huyện Hải Lăng, để đảm bảo vụ mùa bội thu, từ lâu chính quyền địa phương và người dân xã Hải Phong đã xem phong trào diệt chuột là phần việc rất quan trọng trước, trong vào sau mỗi vụ canh tác lúa.
Cũng từ phong trào diệt chuột đồng bảo vệ mùa màng có từ lâu đời đó mà loài vật này cũng được người dân tận dụng chế biến thành những món ăn trong gia đình hoặc món lai rai ưa thích. Anh Nguyễn Hữu Phụng, người dân làng Hưng Nhơn chuyên hành nghề săn bắt chuột làm kế mưu sinh với thâm niên hơn 7 năm nay nói rằng, đã nghe các bậc cao niên kể là năm xưa việc diệt chuột được coi trọng để bảo vệ ruộng lúa hiệu quả bên cạnh các yếu tố cần thiết khác là “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”.
“Các cụ kể rằng ngoài việc diệt chuột ngăn phá hoại mùa màng thì chuột cũng là nguồn thức ăn có giá trị trong những năm tháng đói kém. Và tôi cũng không biết tự bao giờ, món thịt chuột trở thành đặc sản của người dân làng tôi và nhiều làng khác lân cận”, anh Phụng nói.
Trước đây gia đình anh Phụng chủ yếu canh tác nông nghiệp, nhưng từ 7 năm nay vợ chồng anh chuyển hẳn sang nghề săn bắt chuột đồng làm kế mưu sinh chính. Anh Phụng cho biết, thời gian đầu hành nghề, vợ chồng anh chủ yếu săn bắt chuột ở những khu vực ruộng lúa, kênh mương thủy lợi loanh quanh trong xã.
Nhưng mấy năm trở lại đây anh và nhiều đồng nghiệp khác thường phải đi nhiều cánh đồng xa hơn ở khắp trong tỉnh và cả ở những cánh đồng tận tỉnh Thừa Thiên - Huế. Việc săn bắt chuột chủ yếu sử dụng bẫy thủ công hoặc dùng một số loại chế phẩm sinh học.
Mùa săn bắt chuột cao điểm thường diễn ra vào mùa cày đất đồng, lúa trổ đồng, sau khi gặt và đặc biệt là vào mùa lũ. Bởi đây cũng là thời điểm mà theo cánh săn chuột và người dân bật mí là chuột đồng béo và thịt ngon nhất.
“Mỗi đêm hành nghề bình quân vợ chồng tôi săn bắt được từ 50 -70 kg chuột, đặc biệt đợt tháng 7/2019, có thời điểm vợ chồng tôi bắt được 3 lồng đầy chuột với hơn 500 con, đạt trọng lượng tầm 150 kg. Vào mùa cao điểm săn bắt chuột đồng, vợ chồng tôi kiếm được bạc triệu là bình thường… Đây là nghề tôi cảm thấy ưng bụng, vì vừa tạo được thu nhập cho gia đình, vừa chung sức bảo vệ mùa màng cho nông dân”, anh Phụng nói. |
Chuột đồng sau khi săn bắt được bày bán ở chợ Hải Hòa, thường được bán cho khách hàng khi đã lột da làm sạch nội tạng, với giá bình quân 100.000 đồng/kg (từ 10-15 con/kg). Theo anh Phụng, lúc nào trong tủ lạnh của gia đình anh cũng trữ sẵn vài chục kg thịt chuột đồng đã được làm sạch để bán cho khách khi đột xuất.
Vợ chồng anh cũng thường xuyên nhận được những đơn hàng thịt chuột đồng lên đến vài chục kg/đợt từ khách là con em, người dân của làng Hưng Nhơn đang làm nghề sơn tít ở tận Lạng Sơn, Sơn La, Lào Cai hoặc từ người làng đang sinh sống làm việc ở các tỉnh phía Nam. Mỗi lần như thế vợ chồng anh tập trung gom chuột đồng, làm sạch ướp đá và gửi đi…
Hiện nay, tại xã Hải Hòa có khoảng trên dưới 10 người chuyên hành nghề săn bắt chuột, lấy nghề làm kế mưu sinh. Ví như ở thôn Hưng Nhơn có vợ chồng anh Phụng, anh Trần Văn Ninh; thôn An Thơ có anh Hoàng; thôn Phú Kinh có anh Tấn…
“Hàng chuột” chợ Hải Hòa
Khi nhắc đến Hải Hòa, nhiều người biết đây là mảnh đất màu mỡ, ruộng lúa phì nhiêu, là vùng lúa lớn với những vụ mùa bội thu của huyện Hải Lăng. Vùng đất này còn thường được ví như “Miền Tây của Hải Lăng”, “Đồng bằng Sông Cửu Long thu nhỏ” với những “ốc đảo” đặc trưng nổi lên giữa mênh mông đồng nước vào mùa lũ thường gọi là “Càng”; là vùng sông nước với một lượng lớn tôm cá và các sản vật của đồng quê phong phú...
Ngày nay, khi xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu tiêu dùng của người dân trong vùng ngày càng lớn hơn nên chợ Hải Hòa đã ra đời và dần sầm uất. Cũng như bao ngôi chợ khác trên mọi miền đất nước, chợ Hải Hòa cũng bán buôn các nhu yếu phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, sự độc đáo của khu chợ quê này được biết đến là bởi ở đây thường diễn ra cảnh mua bán chuột đồng như một món hàng hóa bình thường, mà người dân hay gọi là những “phiên chợ chuột đồng”, “chợ chuột Hải Hòa”!
Anh Nguyễn Như Khoa, trưởng thôn Hưng Nhơn cho biết, nằm cạnh khu vực chính của chợ Hải Hòa là nơi bày bán các đặc sản của đồng quê địa phương. Trong đó, thứ không thể thiếu và đã trở thành đặc trưng riêng đó là: Hàng chuột!
Thông thường, chợ chuột ở Hải Hòa được mở bán rộ nhất là từ tháng 7-11 âm lịch, bởi theo người dân thì đây là thời gian sau vụ lúa nên thịt chuột ngon và béo nhất. Người mua chuột đồng được trực tiếp chọn những con mình thích, được người bán làm ngay tại chỗ để mang về chế biến món ăn.
Chuột được bán tính đơn vị bằng số lượng: 1 con nhỏ khoảng 5.000 đồng, 1 con lớn có giá từ 8.000- 10.000 đồng hoặc tính bằng ki-lô-gam, tùy theo yêu cầu của khách hàng.
“Ở đây, cánh đàn ông thường chủ yếu mua thịt chuột về làm các món nhậu. Trong khi đó các bà nội trợ mua thịt chuột về chế biến thành món ăn bình thường như những món thịt heo, thịt bò để làm thức ăn trong bữa ăn hằng ngày. Đặc biệt, rất nhiều con em xa quê mỗi lần về quê nhất định phải làm bữa thịt chuột cho đã cơn thèm!
“Tầm từ tháng 7 âm lịch trở đi, chợ chuột vào mùa mua bán sôi động nhất. Dù chuột đồng được bán rất nhiều vào thời điểm đó nhưng bán rất nhanh, tầm 9 - 10 giờ sáng là hết. Đến mùa chuột đồng chợ Hải Hòa rất nhộn nhịp. Hầu như gia đình nào cũng tranh thủ ra chợ mua về chế biến món ăn, hoặc gửi đi cho người thân ở khắp nơi”, chị Trần Thị Phượng - chuyên buôn bán chuột đồng ở chợ Hải Hòa - cho biết.
Những người mua bán chuột cũng chính là những người làm chuột đồng thiện nghệ, chỉ trong vài phút họ đã có thể lột vỏ, mổ nội tạng và làm sạch mỗi con chuột theo yêu cầu của khách.
“Theo chúng tôi ước tính, thời điểm chợ chuột nhiều nhất bày bán từ 12-15 lồng loại lớn với tổng trọng lượng lên đến vài tạ thịt chuột đồng. Tính theo giá bình thường thì số tiền thu được từ chuột đồng ở phiên chợ đông nhất cũng lên đến hơn chục triệu đồng. Thật sự là có nhiều lúc những người người bán gà, vịt, thịt heo… nhìn sức mua thịt chuột mà không khỏi sốt ruột xen lẫn sự ghen tị”, anh Nguyễn Như Khoa, trưởng thôn Hưng Nhơn cho hay.
“Đặc sản” xứ đồng
Mấy năm trước có dịp vào thôn Hội Điền, xã Hải Hòa cũ làm việc, tôi đã được mấy chị hội viên phụ nữ thôn thết đãi món thịt chuột tại một quán nằm sát cầu Hòa Viện đoạn giáp ranh giữa xã Hải Hòa với huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Thoạt nghe món thịt chuột thật sự cũng hơi ớn! Khi tận mắt chứng kiến chị chủ quán chế biến, nhìn món thịt chuột trông khá hấp dẫn sau khi được nêm nếm gia vị, kết hợp với một số loại rau…Biết tôi còn e dè, “chuyên gia” săn chuột Nguyễn Hữu Phụng bật cười: “Do ăn chưa quen đó thôi, chứ ăn được rồi thì ghiền lúc nào chẳng hay, ví như ăn sầu riêng vậy thôi!”.
Bởi sành ăn thịt chuột đồng nên hầu hết người dân tại địa phương rất thành thạo chế biến các món ăn từ con vật này. Anh Phụng kể, chuột đồng sau khi bắt bẫy được làm sạch, ướp gia vị, nhất là sả để khử mùi. Các chú chuột béo tròn sau khi được sơ chế thì có thể làm nhiều món. Một là mang thui trên lửa rơm, để mỡ chảy xèo xèo. Sau đó phần thân được chặt nhỏ, cho các loại gia vị như mắm, muối (vừa phải), hạt tiêu, riềng, gừng, sả, đem trộn đều rồi cho ít nước vào bắc bếp đun sôi, phải nấu cho thật nhừ. Sau đó múc ra bát để nguội (như nấu thịt lợn đông) và từ từ thưởng thức.
Hoặc theo anh Phụng, thì thú vui nữa là khi bắt được chuột ở ruộng lúa, ruộng cói, những tay “sành nhậu” liền làm thịt ngay tại chỗ. Chuột sau khi làm sạch được tẩm gia vị, bên ngoài bọc lá ré, lá chuối... Sau đó dùng xiên sắt xiên thịt chuột rồi cắm đứng các que sắt trên bờ rộng, bờ sông và phủ rơm rạ châm lửa đốt để nướng chuột.
Có nơi sau khi bọc các loại lá thơm, người ta lấy đất bó vào bên ngoài của bọc lá rồi chất rơm rạ lên để đốt, khi bó “đất chuột” đã bị nứt ra thì lúc ấy là thịt chuột đã được nướng chín. Để cảm nhận hết vị ngon của món thịt chuột nướng vừa thơm, vừa ngậy, còn gì khoan khoái hơn khi ngồi giữa đồng quê gió mơn man thổi, sóng lúa rì rào, nâng ly lai rai trò chuyện.
Không chỉ có món thịt chuột nướng bằng rơm rạ, mà các tay sành ăn còn chế biến món thịt chuột “sau khi đã tẩm gia vị” - đem nướng trên than củi ăn đến đâu thấy đến đó. Đặc biệt, thời gian gần đây nổi lên món “chuột nướng lu” (“lu” ở đây là vỏ lon bò húc) rất “hot”, được giới sành ăn chuột ưa chuộng vì có vị thơm ngon khác biệt!
Có vùng quê còn dùng lá ré để ép thịt chuột, ăn món này rất ngon miệng và thơm vì có nhiều gia vị. Đầu tiên người ta làm sạch chuột, rồi cho vào nồi luộc qua, sau đó bỏ ra rổ rá để cho khô, rồi cho vào than củi nướng, đến khi chín thịt thì trải một tàu lá chuối - trên đó để sẵn các loại lá: ré, gừng, riềng, chanh, sả giã hoặc thái nhỏ, sau đó cho thịt chuột cả con vào và cuốn tàu lá chuối lại - dùng lạt bó tròn như bó giò.
Tiếp đó “giò chuột” được ép chặt bởi hai thanh tre. Loại thịt chuột ép lá ré (sau khi để nguội) có hương vị rất đặc biệt, ăn vừa thơm, vừa giòn, được nhiều người ưa thích.
"Nghe nói ngày xưa chỉ có nhà giàu, hoặc những tay chơi hạng sang thì mới chế biến món thịt chuột ép lá ré này để mời khách quý. Mỗi món đối với người dân ở đây có những cách chế biến, biến tấu khác nhau… nhưng khi đã ghiền rồi thì chẳng thể nào quên”, anh Phụng dí dỏm quả quyết với tôi. |
(Theo Báo Quảng Trị/ Dân Việt)