"Cân não" trước khi nghỉ việc: Làm thế nào để ra đi trong êm thấm và lịch sự?
Nếu bạn đã quyết tâm tìm một chân trời mới, đừng để những yếu tố sự ổn định của công việc cũ hay những lời níu kéo muộn màng của sếp làm lung lay.
Nghỉ việc cũng cần có sự can đảm, rất nhiều là đằng khác
Bỏ việc cũng giống như dấn thân vào một cuộc chơi đầy rủi ro. Nó cũng giống như khi bị lạc trên sa mạc, bạn cứ đi mãi trong vô vọng mà chẳng biết ốc đảo đích đến của mình ở đâu. Những lúc như vậy, quyết tâm nghỉ việc của bạn sẽ bị lung lay bởi tính ổn định mà công việc hiện tại mang lại cũng như những lời hứa hẹn về lợi ích mà bạn có được nếu gắn bó với công việc. Thứ bạn cần lúc này là một cái đầu tỉnh táo để không bị đánh lừa bởi cám dỗ.
Theo chuyên gia tuyển dụng Oliver Cooke, giám đốc Công ty tuyển dụng toàn cầu Selby Jennings đặt tại Nam Mỹ, nếu đã có quyết tâm bỏ việc thì hãy dứt khoát thực hiện. Nếu không, bạn đã có nước đi sai lầm nhất trong sự nghiệp của mình.
“Nếu bạn là một nhân viên giỏi, rất có khả năng người ta sẽ cố giữ bạn lại bằng cách mặc cả quyền lợi. Vì vậy, bạn nên có tinh thần vững vàng cho việc này. Nếu họ nghĩ bạn xứng đáng với mức lương cao hơn, tại sao họ không trả cho bạn như vậy ngay từ đầu mà phải chờ đến khi bạn nghỉ việc?”, Oliver Cooke chia sẻ.
Lời hứa hẹn về quyền lợi khiến bạn thấy mình giống như người nắm đằng chuôi. “Nhưng thực tế điều này cho thấy người ta không hề coi trọng bạn trong suốt quá trình làm việc và họ chỉ đang nghĩ trong ngắn hạn khi cố tình giữ chân bạn”, Cooke khẳng định, hơn nữa, nhà tuyển dụng sẽ luôn tính đến chi phí và rủi ro khi tuyển nhân sự thay thế để xem xét quyết định nghỉ việc của bạn.
Theo Cooke, một khi niềm tin giữa bạn và sếp đã rạn nứt, đặc biệt nếu bạn là một cá nhân đáng gờm, họ sẽ coi bạn và những đóng góp của bạn cho công ty như một mối nguy. Vì thế, nếu bạn quyết định quay lại sau khi đã xin nghỉ, họ sẽ dần tìm những thông tin cần thiết - thứ cho họ lợi thế thương thuyết để chờ cơ hội đuổi cổ bạn – mối đe dọa của họ sau này.
“Chúng tôi đã gặp rất nhiều trường hợp sếp và nhân viên cố gắng hợp tác trong tình trạng không còn tin tưởng lẫn nhau. Và thường thì, kết cục của người nhân viên đó là lang thang kiếm việc trên thị trường lao động sau khoảng 6 đến 12 tháng trở về vị trí cũ,” Cooke chia sẻ.
Cooke cho rằng đồng ý ở lại sau khi đã xin nghỉ chỉ là một giải pháp trì hoãn tạm thời: “Vị trí làm việc hay lương thưởng không thể thay đổi những thứ bạn ghét về công việc của mình. Nội dung công việc, sếp hay những thứ tương tự như vậy mới có liên quan trực tiếp đến sự thỏa mãn công việc của bạn”.
Đừng gặp mặt trực tiếp để xin nghỉ việc nếu bạn vẫn còn phân vân
Điều này không đồng nghĩa với việc xem nhẹ quyết định nghỉ việc của mình.
Trong lực lượng lao động ngày nay, đặc biệt với những người trẻ tuổi, tồn tại thói quen khá xấu là nghỉ việc như cơm bữa. Cooke khuyên rằng nên nhảy việc từ 3 đến 5 năm một lần. Nhưng một khi đã quyết định đâm lao thì phải theo lao, ông khẳng định.
Một trong những sai lầm lớn nhất mọi người vẫn mắc phải khi xin nghỉ việc là thương thuyết mặt đối mặt trong khi chính bản thân mình cũng chưa chắc chắn về việc có nên nghỉ hay không.
“Nếu sếp nhận ra sự ngập ngừng của bạn, anh ta sẽ cố gây áp lực để bạn ở lại. Đây chính là điểm kết thúc của mọi cuộc thương lượng. Nếu người tuyển dụng nhận ra bạn chưa sẵn sàng để dứt áo ra đi, bằng mọi cách, anh ta sẽ gây ảnh hưởng lên bạn. Việc phân vân chỉ làm quyết định nghỉ việc trở nên khó khăn hơn", Cooke nói.
Để tránh tình huống này, Cooke đề xuất mang nộp đơn xin nghỉ việc tại thời điểm thông báo cho người tuyển dụng. Bằng cách này, bạn có thể tránh không phải đối mặt với những cuộc thương lượng kéo dài và đẩy nhanh tiến độ.
“Bạn luôn luôn nên có sẵn một lá đơn, đó là điều tốt nhất bạn có thể chuẩn bị để bỏ việc. Hơn nữa, lá đơn đó còn mang tính chất chính thức hóa sự từ chức của bạn”, Cooke khẳng định. Việc này cực kỳ có hiệu quả tại Mỹ, nơi luật pháp cho phép nhân sự nghỉ việc tự do theo mong muốn của bản thân, không cần lý do hay thông báo trước.
Một lá đơn xin nghỉ việc nên có hình thức như thế nào?
Dù không có quy chuẩn cụ thể nhưng đơn xin nghỉ việc bao giờ cũng phải nêu rõ những nội dung bạn chủ đích thông báo tới người quản lý.
Cooke khuyên rằng một đơn xin nghỉ việc nên được viết ngắn gọn, trang trọng, đi kèm với lời cảm ơn tới sếp vì đã giúp đỡ bạn trong thời gian vừa qua và cũng không quên nhấn mạnh rằng bạn đã tìm được lối đi mới cho sự nghiệp của mình. “Bạn có thể nói rằng mình sẵn sàng giúp đỡ trong thời gian chuyển giao”, Cooke thêm vào, “nhưng hãy nhớ khẳng định rằng mình sẽ chuyển giao công việc nhanh nhất có thể.”
Dù tính chân thực luôn được khuyến khích nhưng nội dung đơn nên khéo léo để tránh xung đột không cần thiết với sếp. Khen chê gì thì bạn cũng nên để lại cho cuộc phỏng vấn nghỉ việc được tiến hành bởi chuyên viên Phòng nhân sự.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét