Cơn đại dịch tả lợn châu Phi càn quét thời gian qua ở thủ phủ lợn Đồng Nai đã xóa trắng hầu hết đàn lợn của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Vì vậy, dù đến nay giá lợn trên thị trường lên tới hơn 70 nghìn đồng/kg, nhưng người chăn nuôi không dám tái đàn.
Ông Trần Sởi, hộ chăn nuôi ở xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc) lý giải, nếu bình thường giá lợn hơi ở mức 40 ngàn đồng/kg thì người chăn nuôi đã có lãi nhiều. Tuy nhiên, hiện nay, giá đã lên trên 70 ngàn đồng/kg, người chăn nuôi vẫn không dám đầu tư. Theo ông Sở một phần nguyên nhân là dân đã mất vốn qua đợt dịch vừa rồi, phần khác thì lợn giống tăng quá cao. “Nhưng quan trọng là mầm dịch bệnh tả lợn châu Phi vẫn hiện diện khắp nơi”- ông Sởi nói.
Ông Nguyễn Diệp, một thương lái ở xã Gia Kiệm, huyện Xuân Lộc, cho biết, bình thường mỗi ngày ông mua gom đưa về TPHCM hàng trăm con, nhưng mấy tháng nay không còn lợn để mua. Theo ông Diệp, lượng lợn có trên thị trường phần lớn là của các trang trại nuôi gia công cho các công ty nước ngoài, không phải thương lái nào cũng có thể tiếp cận nguồn này.
Thống Nhất là huyện có đàn lợn lớn nhất ở tỉnh Đồng Nai nhưng theo ông Ngô Thanh Tùng, Trưởng phòng Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn huyện này hiện tại số hộ chăn nuôi giảm mạnh. Tổng đàn lợn của huyện còn 157 ngàn con, chỉ bằng 38% tổng đàn so với hồi đầu năm. Trong đó, chăn nuôi nhỏ lẻ giảm mạnh, chỉ còn khoảng 37 ngàn con. Giá lợn tăng cao nhưng người chăn nuôi khó tái đàn ngay vì không có nguồn lợn giống do đàn nái đã giảm mạnh.
Tái đàn phải phù hợp thực tế
Trong khi đó, ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Nai, khuyến cáo, tuy dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã giảm lây lan trong thời gian gần đây, do người chăn nuôi tập trung chăm sóc đàn lợn, áp dụng tốt các giải pháp an toàn sinh học để bảo vệ. Tuy nhiên, các địa phương không nên chủ quan mà phải tiếp tục tập trung phòng dịch để bảo vệ. Ông Vinh cho rằng, việc tái đàn phải phù hợp tình hình thực tế tại địa phương, xác định những cơ sở chăn nuôi lớn đảm bảo thực hiện quy trình an toàn sinh học, những vùng không bị dịch, đủ điều kiện đảm bảo thực hiện các biện pháp an toàn sinh học thì có thể tái đàn, trong đó chú trọng chất lượng, nguồn gốc con giống sạch bệnh.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai Trần Văn Quang cho rằng, trong điều kiện dịch tả vẫn diễn biến phức tạp hiện nay, chỉ các doanh nghiệp (DN) mới có điều kiện cơ sở vật chất và nguồn lực để thực hiện nghiêm ngặt các giải pháp an toàn sinh học để tái đàn. "Hiện tại, chỉ các DN, cơ sở chăn nuôi lớn mới thực hiện tái đàn, tăng đàn”, ông Quang nhận định và khuyến cáo: “Với chăn nuôi nhỏ lẻ, ngay cả ở các vùng đã công bố hết dịch cũng phải đảm bảo thực hiện đầy đủ các giải pháp an toàn sinh học thì mới được phép tái đàn” .
Theo ông Quang, chưa bao giờ hiệu quả đầu tư các trại chăn nuôi theo quy trình khép kín, công nghệ hiện đại, đảm bảo an toàn sinh học lại chứng minh lợi thế cạnh tranh trong giai đoạn dịch ASF. Bởi vậy, người chăn nuôi cần sắp xếp lại quy trình chăn nuôi mới cạnh tranh được trên thị trường.
Nói về kế hoạch đầu tư đàn lợn trong thời gian tới, ông Võ Văn Chánh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng, các DN ngành chăn nuôi phải nỗ lực tham gia tái đàn lợn để đảm bảo nguồn cung cho thị trường. Trong đó, tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện hỗ trợ cho những DN liên kết, hỗ trợ người chăn nuôi đầu tư phát triển đàn lợn theo hướng bền vững, vừa góp phần giải quyết vấn đề đảm bảo nguồn thực phẩm cho thị trường, vừa giúp ổn định đời sống của người chăn nuôi.
Đã hỗ trợ trên 420 tỷ đồng
Đến nay, trên 90% xã, thị trấn toàn tỉnh Đồng Nai đã bị dịch tả lợn châu Phi (ASF) với 5,3 ngàn hộ chăn nuôi bị thiệt hại. Tổng số lợn phải tiêu hủy gần 442,5 ngàn con. Tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, tổng đàn lợn giảm hơn 50%. Các huyện, thành phố đã hỗ trợ kinh phí cho 3.352 cơ sở chăn nuôi bị thiệt hại do dịch ASF với kinh phí khoảng 429,8 tỷ đồng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét