Chiều 21/7, theo Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, từ đêm 20/7 đến chiều 21/7, nhiều tỉnh miền núi phía Bắc có mưa vừa, có nơi mưa to, phổ biến từ 30-60mm.
Đặc biệt, tại Hà Giang mưa rất to với cường suất lớn, tổng lượng mưa từ 0h-14h ngày 21/7 tại thành phố Hà Giang tới 378mm, Đạo Đức (Vị Xuyên) 395mm, Cao Bồ (Vị Xuyên) 401mm, Thuận Hòa (Vị Xuyên) 290mm.
Xuồng máy đi trên đường phố Hà Giang ngày 21/7 - Ảnh: CTV
Mưa lớn gây sạt lở, lũ lên cao trên các sông suối và làm 5 người chết, trong đó 3 người do sạt lở đất, 2 người bị lũ cuốn trôi.
Cụ thể, 2 mẹ con cùng gia đình chị Lý Già Tin (44 tuổi) và con là Lý Thị Ơn (15 tuổi) ở thôn Cóc Nắm xã Bản Nhùng, huyện Hoàng Su Phì bị đát đá vùi lấp. Hiện lực lượng chức năng địa phương đã tìm thấy xác cả 2 mẹ con trong buổi sáng nay.
Một trường hợp khác cũng bị tử vong do sạt lở đất là Nguyễn Tú Minh Ánh (13 tuổi) ở tổ 9, xã Phương Độ, thành phố Hà Giang.
Có 2 người bị lũ cuốn trôi là cháu Trịnh An Vy (2 tuổi), tại thôn Vĩnh Ngọc, xã Tân Quang (huyện Bắc Quang) và anh Nông Văn Chiến (27 tuổi) thôn Nà Sáng, xã Minh Sơn (huyện Bắc M) lái xe qua tràn bị lũ cuốn.
Mưa to gây ngập sâu ở TP Hà Giang - Ảnh: CTV
Mưa lũ cũng khiến gần 60 sập, hư hại, gần 530 nhà bị ngập, trên 215 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại. Có 2 nhà máy thủy điện (Thái An, huyện Quản Bạ và Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên) bị đất đá sạt lở, vùi lấp toàn hộ hệ thống máy móc.
Hiện một số khu vực ở thành phố Hà Giang, tuyến đường giao đi Vị Xuyên bị sạt lở, ngập sâu. Hà Giang đã huy động các lực lượng tìm kiếm các nạn nhân bị sạt lở, thăm hỏi, động viên gia đình bị nạn, hỗ trợ cứu chữa người bị thương.
Địa phương cũng tổ ổ chức sơ tán 20 người dân tại các hộ bị ngập sâu của phường Đinh Tiên Hoàng (thành phố Hà Giang).
Theo ông Đinh Văn Hòa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Đường bộ 1.8 - Cục Quản lý Đường bộ (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), theo tính toán sơ bộ, khối lượng đất đá sạt lở, sụt khoảng hàng nghìn mét khối, vùi lấp hoàn toàn mặt đường khiến các phương tiện lưu thông trên tuyến Quốc lộ 2 từ Hà Giang đi Tuyên Quang, Hà Nội và ngược lại đều bị ách tắc nhiều giờ từ đêm 20/7 đến chiều 21/7".
Hiện Chi cục Quản lý Đường bộ 1.8 đang phối hợp với các đơn vị thi công đưa các phương tiện, máy móc khẩn trương xử lý khu vực sạt lở. Dự tính việc hót sạt, sụt sẽ còn kéo dài vì trời vẫn còn mưa, khối lượng sụt và sạt lở lớn. Nếu thời tiết không mưa, dự kiến đến khoảng 20 giờ ngày 21/7 các phương tiện mới có thể lưu thông trở lại.
Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Hà Giang yêu cầu các nhà máy thủy điện khi xả lũ phải thông báo trước
Sở Công Thương Hà Giang cũng đã kiểm tra tình hình thực hiện quy chế phối hợp cung cấp thông tin vận hành đón, xả lũ các nhà máy thủy điện trên Sông Miện, Sông Lô. Hiện Nhà máy thủy điện Sông Lô 2, và Sông Lô 4 đã mở toàn bộ các cửa xả.
Ban chỉ uy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Hà Giang cũng yêu cầu các nhà máy thủy điện khi xả lũ, thông báo và cảnh báo đến chính quyền và người dân khu vực hạ du các nhà máy để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.
Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cũng yêu cầu Hà Giang chủ động sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao, đặc biệt là khu vực nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở đất, lũ quét.
Kiểm tra, rà soát các điều kiện vận hành xả lũ, phương án đảm bảo an toàn đập và hạ du, đặc biệt là với các hồ thủy điện nhỏ và hồ thủy lợi xung yếu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét