Những tổ ong to như chiếc nón lá cùng những con ong vằn vện đen vàng từng là nỗi khiếp đảm của nhiều người đi làm nương rẫy thì nay lại được nhiều người nuôi ngay tại vườn nhà, mang về thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng.
Chỉ vào hàng trăm tổ ong treo la liệt khắp vườn, anh Nguyễn Đăng Cường sinh năm 1999, trú tại xã Tây Thành (Yên Thành, Nghệ An) cho biết, năm nay nhà anh nuôi khoảng 150 tổ ong vò vẽ và là năm thứ 4 anh bắt tay vào nuôi ong lấy “thịt”.
Sinh ra ở vùng rừng núi nên từ nhỏ anh Cường đã cùng lũ bạn cùng trang lứa đi tìm tổ ong về bán. Năm này qua năm khác, ngày càng nhiều người biết đến giá trị của tổ ong vò vẽ này.
Trước đây, người dân thường lấy nhộng để làm thức ăn hàng ngày và bán cho một số hộ dân tại địa phương nhưng những năm gần đây, thương lái Trung Quốc bắt đầu tìm mua với giá cao khiến người dân đổ xô đi bắt.
Người đi bắt ong ngày càng nhiều mà ong trên rừng đến mùa thu hoạch ngày một ít đi khiến anh Cường nảy ra sáng kiến tìm bắt những tổ ong còn nhỏ mang về treo nuôi ở vườn nhà.
Để có ong nuôi, anh Cường lặn lội khắp các khu rừng trong và ngoài huyện để tìm ong. Những tổ ong bằng cái chén, cái bát ăn cơm được anh cắt về nuôi, treo ở dưới tán cây bưởi, cây cam hoặc làm “nhà” cho chúng dưới tán keo quanh vườn.
Anh Cường cho hay, ong vò vẽ rất dễ nuôi bởi không cần cho ăn uống gì mà chúng tự đi kiếm mồi. Từ ngày nuôi ong, những vườn cây ăn trái xung quanh nhà anh Cường cũng ít bị sâu bệnh hơn. Chỉ sau 2-3 tháng, tổ ong đã to như chiếc nón lá, nặng từ 2-3kg, cho thu hoạch từ 1-1,5kg nhộng.
Đến mùa thu hoạch, thương lái tìm mua tận nhà, có bao nhiêu cũng hết. Nếu bán cả tổ thì họ mua với giá từ 160-220.000 đồng/kg, nếu tách lấy nhộng bán thì có giá từ 350-500.000 đồng/kg, tùy loại. Với số lượng khoảng trên dưới 150 tổ, dự kiến mùa ong năm nay anh Cường thu về khoảng trên 50 triệu đồng.
Theo anh Cường, trước đây, muốn tìm tổ ong phải có kinh nghiệm lần theo đường đi của ong thợ. Vào sáng sớm, nhìn theo những con ong đi cắn vỏ cây bạch đàn hoặc thân cây mục về làm tổ. Buổi chiều mùa hè nóng nực, ở những khe nước hoặc nơi có nước suối chảy qua, ong thường đến lấy nước mang về.
“Trước đây, muốn bắt ong mang về cũng phải dùng lửa đốt hoặc gây mê bằng khói, lá sắn hay các loại cây rừng. Giờ có ống nhòm và đồ bảo hộ rồi nên tìm ong và bắt ong dễ hơn”, anh Cường cho hay.
Trung bình vào mùa ong, mỗi ngày, ngoài bắt những tổ ong nhỏ về nuôi, anh Cường còn bắt được 10-15kg tổ ong lớn, bán với giá 160.000 đồng/kg, chưa kể ong mật.
Để phát triển kinh tế từ loại ong này, hiện anh Cường cùng với nhóm bạn của mình đang tiến hành nuôi ong chúa qua mùa đông và nhân giống ong vò vẽ trong phòng kín.
Hơn 10 năm gắn bó với nghề tìm ong, rong ruổi khắp các cánh rừng từ miền Bắc vào miền Trung, anh Vũ Hà Thanh (trú tại phường Sông Cầu, TP Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn) cho biết, chủ yếu anh đi rừng tìm ong mật nhưng khoảng 4-5 năm trở lại đây nhiều người tìm mua nhộng ong để ăn với giá cao nên anh săn thêm ong “thịt”.
“Công việc săn ong của tôi không cố định 1 chỗ, nay ở tỉnh này mai lại tỉnh khác nên tôi chỉ nuôi khoảng 40 tổ ở nhà. Kể cả ong nuôi lẫn ong lấy từ rừng về đều có người mua ngay lập tức. Thậm chí với những lần đi rừng xa, vào Huế hay Quảng Bình, khi lấy được ong, chúng tôi chỉ cần gửi xe khách về cho thương lái rồi đi tiếp”, anh Thanh cho hay.
Đặc biệt, ong vò vẽ có thể sống được nhiều môi trường từ cao đến thấp, từ mái nhà đến tán cây, cột điện. Không cần cho ăn gì nhưng lớn rất nhanh, chỉ trong vòng 1 tháng là có thể to gấp chục lần tổ khi mới mang về.
Theo anh Thanh, lượng nhộng ong hiện nay chủ yếu thương lái mua để bán cho Trung Quốc làm thuốc, làm đồ ngâm rượu và thức ăn, chỉ 20% phục vụ nhu cầu trong nước.
“Ong vò vẽ có nọc rất độc, có thể gây tử vong nếu bị nhiều con đốt cùng một lúc. Vì vậy, người bắt ong phải sử dụng đồ bảo hộ thật cẩn thận, người nuôi ong cũng cần có kinh nghiệm để tránh việc bị đốt”, anh Thanh khuyến cáo.
(Theo Dân Việt)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét