30 địa phương có số thu trên 10.000 tỷ đồng
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng (ảnh Như Ý)
Tham luận tại Đại hội Đảng XIII (ngày 27/1), Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, một trong những khía cạnh quan trọng thể hiện sự thịnh vượng, phồn vinh của một quốc gia là sức mạnh của nền tài chính quốc gia; bao gồm cả tài chính Nhà nước, tài chính doanh nghiệp, tổ chức và tài chính dân cư; là nền tảng đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng phát triển kinh tế - xã hội.
Điểm lại những kết quả đạt được, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, trong 5 năm qua (2016- 2020) ngành đã chủ động điều hành ngân sách, động viên hợp lý thuế, phí và bao quát nghuồn thu, chống chuyển giá, công khai, minh bạch ngân sách; chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. “Dù đã giảm thuế theo các cam kết quốc tế, liên tục xóa bỏ phí, lệ phí, tổng thu ngân sách 5 năm vẫn đạt 6,9 triệu tỷ đồng, tương tứng 25% GDP vượt mục tiêu đặt ra”, ông Dũng nói.
Về ngân sách địa phương, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, đến năm 2020 có 30 địa phương quy mô thu trên 10.000 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với 2016.
Báo cáo về quản lý chi ngân sách, trong giai đoạn vừa qua ông Dũng cho biết, ngành Tài chính đã siết chặt chặt chi, tăng hiệu quả, cơ cấu lại nguồn chi. Theo đó đã bố trí chi đầu tư phát triển chiếm 29% tổng chi, giảm chi thường xuyên xuống 63% nhưng vẫn đảm bảo các mục tiêu an sinh xã hội, chi tiền lương.
Về nợ công, số liệu của Bộ Tài chính cho thấy đã giảm từ mức 63,7% GDP năm 2016 còn 55,8% GDP cuối năm 2020. Trong năm 2020, dù khó khăn thiên tai, dịch bệnh vẫn chủ động cân đối được ngân sách, miễn giảm thuế phí cho hàng trăm nghìn doanh nghiệp, trên 6 triệu người, hơn 130.000 tỷ đồng.
Tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn được đầu tư vào công trình trọng điểm
Đại hội thảo luận về các văn kiện (ảnh Như Ý)
Về giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết sẽ tập trung khơi thông và phân bổ các nguồn lực tài chính theo tín hiệu thị trường, ưu tiên thu hút vốn đầu tư nước ngoài tạo giá trị gia tăng cao, quản trị hiện đại, kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu, có tác động lan tỏa, kết nối chặt chẽ hữu cơ với khu vực kinh tế trong nước, đi đôi với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Về thể chế quản lý ngân sách nhà nước (NSNN), tập trung nghiên cứu, sửa đổi Luật NSNN, bảo đảm vai trò chủ đạo của NSTW; hoàn thiện cơ chế phân cấp, phân quyền, ủy quyền theo hướng Chính phủ quản lý các cân đối lớn, giữ vai trò định hướng phát triển chung cho cả nước. Xây dựng cơ chế quản lý tài chính ngân sách phù hợp với trình độ phát triển kinh tế của 5 đô thị trung tâm: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ.
Cùng với đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết sẽ khẩn trương hoàn thiện cơ chế cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nhất là vấn đề xác định giá trị quyền sử dụng đất, tài sản cố định, thương hiệu; tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, quản lý và sử dụng vốn nhà nước.
Đến năm 2025, hoàn thành việc sắp xếp lại khối doanh nghiệp nhà nước, tinh gọn số lượng, tập trung nguồn lực đầu tư nhà nước vào các doanh nghiệp nhà nước có vị trí quan trọng, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; cơ cấu lại, phát triển các doanh nghiệp này theo cơ chế thị trường, công nghệ hiện đại, quản trị tiên tiến, minh bạch, hoạt động hiệu quả, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế; xử lý cơ bản xong những yếu kém, thua lỗ, thất thoát của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hiện nay.
Đặc biệt, ông Dũng cho biết, tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước được quản lý tập trung và chỉ sử dụng cho cho đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia, bổ sung vốn điều lệ cho doanh nghiệp nhà nước then chốt quốc gia.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét