Ghi nhận của phóng viên trong ngày 5/2, người dân đã bắt đầu đổ đi mua sắm hàng Tết tại các chợ, siêu thị và trung tâm thương mại. Sản phẩm được chọn nhiều nhất là các mặt hàng thiết yếu như gạo, đường, dầu ăn, thịt cá…
Bà Chu Thị Thảo đến siêu thị Big C An Lạc (TPHCM) mua sắm nhiều thực phẩm chế biến lẫn tươi sống. Bà cho biết: “Tôi mua về ăn Tết, biếu người thân chứ không tích trữ phòng dịch. Do hạn chế đến nơi đông người nên tôi tranh thủ mua nhiều thứ mỗi lần ra siêu thị”. Theo bà, các sản phẩm bình ổn giá không nhiều biến động và có nhiều chương trình ưu đãi cho khách hàng mua sắm.
Người dân TPHCM mua sắm hàng tết.
Những ngày gần đây, công nhân Công ty Vissan “chạy hết công suất” để đủ lượng hàng cung ứng và dự trữ. Đơn vị này cũng khởi động lại các kịch bản ứng phó với dịch COVID-19, liên tục đưa hàng ra thị trường cũng như tăng cường cho các vùng dịch. Chẳng hạn, nhà máy Vissan tại Hà Nội đang tích cực đưa hàng về Bắc Ninh và Hải Dương, nơi có nhiều ca mắc COVID-19 và phải cách ly tập trung hàng ngàn người.
“Để tránh bị động, công ty tăng sản xuất, dự trữ mặt hàng xúc xích tiệt trùng, đồ hộp... Mọi năm, sau Tết, hàng dự trữ trong kho của Vissan có khoảng 180 tấn xúc xích tiệt trùng, nhưng năm nay sẽ tăng lên mức 300-350 tấn; đồ hộp cũng tăng dự trữ lên gần 3 triệu hộp” – ông Nguyễn Ngọc An, Tổng giám đốc Công ty Vissan cho biết.
Doanh nghiệp tăng sản xuất, dự trữ hàng hóa khi nhiều người dân TPHCM năm nay không về quê đón tết.
Khi dịch bùng mạnh tại nhiều địa phương thời điểm gần đây, ngoài cung cấp đủ lượng hàng cho dịp Tết nguyên đán 2021, nhiều DN còn tăng cường sản xuất, đảm bảo đủ hàng phòng trường hợp dịch diễn biến phức tạp, đồng thời không tăng giá sản phẩm.
“Chúng tôi cố gắng cung cấp ra thị trường nguồn hàng trứng gia cầm dồi dào, đầy đủ. DN cũng đã cam kết với Thành phố là 2 tháng cao điểm Tết sẽ không tăng giá. Trong 2 ngày giáp Tết cuối cùng, chúng tôi sẽ giảm giá để phục vụ cho những người thu nhập thấp và những người lãnh lương, thưởng trễ” - ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt chuyên về trứng gia cầm cho hay.
Ông Nguyễn Quốc Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty CP Bibica chia sẻ, mặc dù tình hình kinh tế chung vẫn gặp nhiều khó khăn, nhưng công ty vẫn lập kế hoạch để cung ứng ra thị trường 3.000 tấn sản phẩm bánh kẹo và không tăng giá: “Bibica chủ động đưa ra chính sách giữ bình ổn giá nên đa số mặt hàng có giá cả bằng so với Tết 2020” – ông Hoàng cho biết.
Ngành Công thương TPHCM khẳng định, không để xảy ra tình trạng khan hàng, tăng giá dịp tết Nguyên đán 2021.
Theo Sở Công thương TPHCM, trong trường hợp dịch bệnh COVID-19 có diễn biến phức tạp, lượng hàng hóa tham gia bình ổn thị trường sẽ được tăng cường, đảm bảo từ 35-50% nhu cầu thị trường. Đối với các chợ đầu mối, lượng hàng hóa nhập chợ bình quân trên 9.000 tấn/ngày, chủ yếu là các mặt hàng nông sản, rau củ quả, thịt gia súc, thủy hải sản. Dự kiến, vào thời điểm cận Tết, lượng hàng nhập về chợ tăng khoảng 80% so với ngày thường, lên đến 15.000-16.000 tấn/ngày.
“Để chuẩn bị nguồn hàng cung ứng từ nay đến Tết 2021, Sở Công thương TPHCM tiếp tục phối hợp với các đơn vị có ban ngành có liên quan để nắm chắc diễn biến thị trường, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa, giá cả, chấp hành quy định về điểm bán. Khuyến khích người dân đẩy mạnh hoạt động mua sắm trực tuyến…” - ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM chia sẻ.
Tại buổi làm việc với một số doanh nghiệp mới đây tại TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thị Thắng khẳng định, hàng hóa cung ứng cho thị trường tết rất dồi dào, phong phú, giá bán ổn định. Theo bà Phan Thị Thắng, nếu TPHCM kiểm soát được dịch bệnh như thời gian qua, dịch không lây lan ra cộng đồng thì TP sẽ là điểm đến du lịch, vui chơi giải trí an toàn của người dân các tỉnh lân cận nên sức mua có thể sẽ tăng cao trong những ngày tới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét