Thứ Bảy, 4 tháng 6, 2016

Người mua trực tuyến muốn giao hàng trong bao lâu


Gần một phần tư người dùng Internet ở Bắc Mỹ cho rằng, 3 ngày là khoảng thời gian chấp nhận được để sản phẩm giao đến tay người mua.
Tập đoàn tư vấn hàng đầu tại Mỹ AT Kearney vừa công bố kết quả nghiên cứu về thời gian thích hợp để một món hàng đặt mua trên mạng đến tận tay người dùng, nhất là những giao dịch không khẩn cấp.

nguoi-mua-muon-giao-hang-trong-vong-3-ngay
3 ngày được cho là thời gian thích hợp để một món hàng đặt mua trên mạng vận chuyển đến tay người tiêu dùng.

Theo đó, 24% số người sử dụng Internet ở Bắc Mỹ được hỏi cho rằng 3 ngày là thời gian hợp lý và đây cũng là câu trả lời được nhiều người đồng tình nhất trong cuộc khảo sát. Khoảng 9% đồng ý việc giao hàng trong 4 ngày và 16% nhất trí với tiến trình 5 ngày. 7% người cho rằng giao nhận trên 6 ngày vẫn ổn.

Tuy nhiên, 13% người dùng muốn nhận hàng ngay trong ngày và 12% không chấp nhận nếu vượt quá một ngày. Tỷ lệ khách hàng muốn có hàng trong vòng 2 ngày là 19%.

Trong một cuộc nghiên cứu khác do Bizrate Insights thực hiện, tỷ lệ người dùng coi trọng việc giao hàng trong ngày của năm 2015 giảm đáng kể so với năm trước. Giới trẻ là những người nóng lòng muốn có sản phẩm ngay lập tức, còn người cao tuổi ưu ái hơn về thời gian cho dịch vụ giao nhận.

Các chuyên gia nhận xét, giao hàng đang là vấn đề sống còn của thương mại điện tử. Việc đảm bảo thời gian ngắn nhất với mức phí thấp nhất luôn là bài toán đau đầu cho các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến.

Nếu đủ tiềm lực, doanh nghiệp có thể tự mình phát triển dịch vụ giao nhận để kiểm soát được thời gian, chi phí cũng như chất lượng hàng hóa. Còn khi không có kinh nghiệm về kho, vận chuyển, doanh nghiệp cần sử dụng dịch vụ của những đối tác uy tín, chuyên trên thị trường nhằm giảm thiểu rủi ro, đem đến sự hài lòng cho khách hàng.

Minh Trí

Thanh toán điện tử thúc đẩy tăng trưởng GDP Việt Nam

Việc gia tăng sử dụng thẻ tín dụng, ghi nợ và trả trước đóng góp 880 triệu USD vào tổng giá trị GDP Việt Nam giai đoạn 2011-2015. 
Đây là con số thống kê từ báo cáo "Ảnh hưởng của thanh toán điện tử đến sự tăng trưởng kinh tế" do Moody vừa công bố.

Nghiên cứu đã phân tích về tình hình thanh toán điện tử tại hơn 70 nền kinh tế trong vòng 4 năm qua. Sự tăng trưởng của phương thức thanh toán hiện đại này trung bình tạo 2,6 triệu việc làm mới mỗi năm, đóng góp 298 tỷ USD vào giá trị GDP, giúp mức chi tiêu gia đình cho hàng hóa và dịch vụ tăng bình quân 0,18% một năm.

Tại Việt Nam, các sản phẩm thanh toán điện tử như thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ hay thẻ trả trước ngày càng sử dụng phổ biến. Sự tăng trưởng tần suất sử dụng thẻ tạo ra khoảng 75.000 việc làm mỗi năm, đóng góp cho GDP nước nhà khoảng 880 triệu USD từ năm 2011-2015.

Trong các quốc gia khảo sát trong khu vực, Việt Nam là nước có chỉ số tăng trưởng GDP nhờ vào sự tăng trưởng của thanh toán điện tử cao thứ 2 (0,14%), chỉ đứng sau Thái Lan (0,19%) và xếp trên Singapore.

thanh-toan-dien-tu-thuc-dy-tang-truong-gdp-viet-nam
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng doanh thu từ thẻ tăng trung bình 2,3% trong giai đoạn 2011-2015, tỷ lệ sử dụng thẻ chiếm khoảng 0,4% trong tăng trưởng tiêu dùng. Việc gia tăng lượng người dùng thẻ tạo cú hích cho phát triển kinh tế. Tiêu biểu như Hungary đạt tăng trưởng GDP 0,25%, các tiểu vương quốc Ả Rập 0,23%, Chile 0,23%, Ba Lan 0,19% hay Australia 0,19%.

Tỷ lệ thất nghiệp giảm nhờ nhu cầu sử dụng thẻ tạo trung bình 2,6 triệu việc làm mỗi năm. Trung Quốc là nước có số lượng việc làm tăng nhiều nhất (427.000), kế đến là Ấn Độ (333.000).

Việc tăng cường dùng thẻ giúp tiêu dùng ở các thị trường mới nổi tăng khoảng 0,2% và ở các nước phát triển là 0,14%. Ảnh hưởng tích cực tương tự với GDP qua mức 0,08% cho các nền kinh tế phát triển và 0,11% tại các nước đang phát triển.

Với 1% tăng trưởng của thanh toán điện tử có thể mang đến giá trị gia tăng xấp xỉ 104 tỷ USD cho mức tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ mỗi năm tại 70 quốc gia. Nếu không xét thêm những yếu tố khác, dùng thẻ nhiều có thể giúp GDP tăng trưởng thêm trung bình 0,04% mỗi năm.

Ông Sean Preston - Giám đốc Visa tại Việt Nam, Lào và Campuchia cho biết kết quả nghiên cứu của Moody khẳng định lợi ích mà thanh toán điện tử mang đến cho nền kinh tế các nước. Tại Việt Nam, sự gia tăng dùng thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng có tác dụng tích cực đến thương mại điện tử. Năm qua mua sắm trực tuyến qua thẻ Visa đã tăng 47% và công ty tăng cường mở rộng mạng lưới chấp nhận thẻ để hỗ trợ người dùng thanh toán dễ dàng, an toàn và tiện lợi. 

Minh Trí

Mỗi lượng vàng tăng vài trăm nghìn đồng

Ngay từ khi mở cửa, mỗi lượng vàng đắt hơn 200.000 đồng nhưng đà tăng này vẫn không tương xứng với thế giới.

Lúc 8h20, tại Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, mỗi lượng vàng được mua bán ở 33,5-33,6 triệu đồng. Như vậy so với cuối ngày hôm qua, chiều mua vào đắt hơn 210.000 đồng trong khi bán ra cao hơn 230.000 đồng.

Tương tự tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, mỗi lượng vàng cũng tăng vài trăm nghìn đồng.

moi-luong-vang-tang-vai-tram-nghin-dong
Giá vàng trong nước hiện không còn cao hơn thế giới do đà tăng không tương xứng với quốc tế. 

Giá vàng SJC tăng mạnh nhờ những diễn biến bất ngờ vào phiên cuối tuần của quốc tế. Mỗi ounce vàng được chốt tuần ở 1.243,5 USD. Tuy nhiên, mức tăng  trong nước vẫn kém xa thế giới khi mỗi lượng vàng quy đổi của quốc tế tăng hơn 800.000 đồng còn vàng SJC chỉ thêm 200.000 đồng. Do đó, chênh lệch vàng nội ngoại được rút ngắn và giá vàng SJC gần như tương đồng giá với thế giới.

Trong hôm qua, vàng giao ngay chốt phiên tăng hơn 2,5%, vượt khỏi mốc 1.240 USD nhờ báo cáo việc làm của Mỹ được công bố. Báo cáo này cho biết, lượng việc làm mới được tạo ra của Mỹ trong tháng 5 thấp nhất trong vài năm trở lại đây, trái ngược với những dự báo lạc quan của giới chuyên gia.

Do đó, nhà đầu tư cũng thêm niềm tin rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng nếu muốn tăng lãi suất đôla Mỹ.

Thị trường vàng trong nước tuần này ghi nhận nhiều đợt tăng giảm nhưng chưa đạt đúng mức kỳ vọng của nhà đầu tư. Với các nhà đầu tư ở vị thế đã mua vào trước đó, họ kỳ vọng mức giá cao hơn để chốt lời. Ngược lại, các nhà đầu tư khác lại kiên trì ấp ủ thêm thời gian, chờ đà giảm sâu thêm để mua vào.

Trên thị trường ngoại hối, mỗi đôla Mỹ được các ngân hàng mua bán quanh 22.380-22.450 đồng.

Nguồn cung căn hộ tại Đà Nẵng tăng gần 50%

Nửa đầu năm 2016, thị trường chung cư tại Đà Nẵng đón nhận gần 1.000 căn hộ mới chào bán, tăng 44,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó các dự án trung cấp và bình dân chiếm 78,9% tổng nguồn cung, theo CBRE Việt Nam.
Theo đơn vị khảo sát này, giá chào bán của phân khúc chung cư cao cấp tại Đà Nẵng không đổi, vẫn giữ ở mức 1.623 USD một m2. Giá chào bán trung bình ở phân khúc trung cấp là 826 USD mỗi m2, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước. Phân khúc bình dân có giá trung bình là 656 USD một m2, giảm 7,7% vo với 12 tháng qua vì thị trường đón nhận thêm dự án tại Sơn Trà chào bán giá trung bình 600-700 USD mỗi m2.
Thống kê đến cuối tháng 5/2016, có khoảng 1.000 giao dịch bán ở thị trường căn hộ, tăng 74,6% so với cùng kỳ năm trước. Phân khúc bình dân ghi nhận số lượng căn bán nhiều nhất (chiếm 45,8%), tiếp theo là phân khúc trung cấp (36,3%) và cao cấp (17,9%). Phân khúc bình dân có tỷ lệ bán tăng từ 63,5% trong năm 2015 lên 87,6% đến quý II/2016.
CBRE cho biết thêm, trong khi 60% khách hàng Đà Nẵng chọn mua căn hộ trong trung tâm thành phố thì phần lớn khách hàng từ Hà Nội, TP HCM và những thành phố khác ở Việt Nam chọn mua những căn hộ ven biển.
Vũ Lê

HSBC: GDP quý II sẽ đạt 6,1%

Chỉ số Nhà quản trị mua hàng đạt mức cao, sản xuất công nghiệp lẫn xuất khẩu khá tốt... là những cơ sở khả quan cho việc GDP quý II tăng trưởng 6,1%, theo báo cáo vĩ mô, triển vọng thị trường tháng 6 của HSBC
Các chuyên gia HSBC cho biết, tăng trưởng kinh tế quý I mặc dù ở mức khá thấp nhưng những chỉ số gần đây cho thấy nền kinh tế Việt Nam có nhiều cải thiện. Theo đó, chỉ số nhà quản trị mua hàng - PMI trong tháng 5 đạt mức cao nhất trong 10 tháng qua, tăng từ 52,3 điểm trong tháng 4 lên 52,7 điểm.

Kinh tế cải thiện nhờ số lượng đơn hàng mới gia tăng mạnh, cho thấy hoạt động sản xuất vẫn có thể tiếp tục phát triển trong tháng 6. Cả sản xuất công nghiệp lẫn xuất khẩu vẫn không ngừng tăng trưởng trong quý II/2016.

hsbc-gdp-quy-ii-se-dat-6-1
Tăng trưởng GDP quý II được dự báo sẽ khả quan. 

Và theo HSBC, tuy tác động của hiện tượng thời tiết El Niño dai dẳng tiếp tục làm hạn chế quá trình sản xuất nông nghiệp, nhưng nhà băng này kỳ vọng GDP quý II/2016 sẽ tăng và đạt 6,1% so với cùng kỳ năm trước, đồng thời giữ nguyên dự báo GDP cả năm 2016 sẽ đạt mức 6,3%.

Nhất quán với mức dự báo này, các chuyên gia HSBC cũng bày tỏ lo ngại mục tiêu 6,7% của cơ quan quản lý Việt Nam là khó đạt được trong bối cảnh tăng trưởng quý I/2016 thể hiện không tốt cùng với những khó khăn của hoạt động xuất khẩu.

HSBC cho rằng, khi chính sách khuyến khích kinh tế càng lớn, sẽ phát sinh càng nhiều rủi ro vì các yếu tố hỗ trợ kinh tế vĩ mô vẫn còn khá mỏng. Chính sách tài khóa của Chính phủ vẫn còn hạn chế. Trong năm 2016, ngân hàng này dự đoán thâm hụt ngân sách một lần nữa bị nới rộng đến mức 6,6% trên GDP, dẫn đến tỷ lệ nợ công trên GDP đạt ngưỡng giới hạn do Quốc hội đề ra là 65%. 

HSBC phân tích, thâm hụt ngân sách tăng là do tỷ lệ nợ công của Việt Nam đã thực sự cao. Ước tính nợ công Việt Nam (bao gồm nợ nước ngoài và trong nước - đáng chú ý là của chính quyền trung ương và địa phương, cộng với bảo lãnh Chính phủ) đã tăng từ 59,6% năm 2014 lên 63,3% GDP vào cuối năm 2015. Vấn đề nợ ngày càng trầm trọng hơn do lạm phát chậm lại (ảnh hưởng đến GDP danh nghĩa) và đồng tiền Việt Nam mất giá (làm tăng giá trị nợ nước ngoài). 

Để cải cách tài chính, các chuyên gia của ngân hàng cho rằng, Việt Nam cần nỗ lực mở rộng cơ sở doanh thu và giảm thiểu chi tiêu hiện tại. Về tăng doanh thu, trước hết áp các biện pháp hành chính nhằm hạn chế trốn thuế, công bố các trường hợp gian lận thuế, và đơn giản hóa quá trình hoàn thuế VAT có thể giúp thu hẹp khoảng cách do cắt giảm thuế trên nhiều lĩnh vực và giảm thuế quan gây ra.

Về thực hiện chi tiêu công hiệu quả thì chú trọng điều chỉnh lương cơ bản cho toàn bộ nhân viên hợp lý, các chính sách dịch vụ dân sự hiệu quả và toàn diện phải thay thế việc hạn chế tuyển dụng. Ngoài ra phải điều chỉnh phương pháp kế toán phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. 

Tuy nhiên, những cải cách này không thể thực hiện một sớm một chiều. "Chúng tôi nghĩ tăng trưởng tuy chậm nhưng bền vững là điều cần hướng đến", HSBC khuyến nghị.

Lệ Chi

Giá vàng nhảy vọt

Báo cáo việc làm của Mỹ không lạc quan như dự báo ngay lập tức khiến mỗi ounce vàng nhảy vọt 30 USD, vượt mốc 1.240 USD.
gia-vang-nhay-vot
Giá vàng phục hồi mạnh vào phiên cuối tuần. Ảnh: AFP

Giá vàng vừa có một phiên tăng mạnh nhất tính theo ngày trong 7 tuần qua. Vàng giao ngay chốt ngày tăng 2,5% lên 1.243,5 USD. Vàng giao tháng 8 cũng tăng 2,5% lên 1.242,9 USD. Như vậy, từ mức dưới 1.200 USD đầu tuần, giá vàng đã phục hồi ngoạn mục.

Tuần này, nhờ những diễn biến ở phiên cuối, giá vàng tăng 2,3% sau khi từng có 4 tuần liên tiếp giảm giá vì những phát biểu của các quan chức Mỹ về khả năng tăng lãi suất ngay trong tháng 6, tháng 7.

Giá vàng tăng vọt nhờ báo cáo việc làm của Mỹ cho biết, tháng 5/2016, số việc làm được tạo ra tăng ít nhất trong hơn 5 năm qua. Với kết quả này, giới chuyên môn cho rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể phải cân nhắc lại về mong muốn tăng lãi suất USD sớm. Điều này ngay lập tức giúp cho giá vàng nhảy vọt.

Tuy nhiên, James Steel, chuyên gia kim loại của Chứng khoán HSBC ở New York cho rằng: "Việc giá vàng tăng lên chắc chắn do một loạt những yếu tố tổng hợp như lợi tức trái phiếu giảm mạnh, đồng đôla Mỹ đi xuống và những đợt giảm giá của chứng khoán. Nhưng trên thực tế, cả 3 yếu tố này đều bị ảnh hưởng do báo cáo việc làm của Mỹ không lạc quan như kỳ vọng trước đó.

Theo Reuters, nhu cầu vàng cầu châu Á - thị trường tiêu thụ vàng vật chất lớn nhất thế giới - tuần vừa rồi cũng giảm.

Ngân Hà 

Trang bìa 10 tỷ USD của Forbes

Forbes vừa công bố danh sách Những phụ nữ tự thân giàu nhất nước Mỹ. Và vì không thể quyết định ai sẽ xuất hiện trên trang bìa ấn phẩm này, họ đã chọn tới 9 cá nhân.

Đây được đánh giá là những nữ doanh nhân thành đạt nhất nước này, độ tuổi từ 32 đến 69. Tài sản tổng cộng của họ là 9,7 tỷ USD. Dưới đây là danh sách 9 người được chọn (theo thứ tự từ trái qua phải).

trang-bia-10-ty-usd-cua-forbes
Trang bìa cho danh sách Những phụ nữ tự thân giàu nhất thế giới của Forbes. Ảnh: Forbes

1. Sara Blakely

Tài sản: 1 tỷ USD

Sara Blakely là đồng sáng lập kiêm CEO hãng đồ lót Spanx. Từng là nhân viên kinh doanh máy fax, cô lập công ty ở tuổi 29 với toàn bộ 5.000 USD tiền tiết kiệm. Cô hiện vẫn giữ 100% công ty. Năm ngoái, cô còn đồng sở hữu đội bóng rổ Atlanta Hawks.

2. Sophia Amoruso

Tài sản: 280 triệu USD

Amoruso sáng lập website bán hàng thời trang trực tuyến - Nasty Gal năm 22 tuổi. Ban đầu, cô chủ yếu bán hàng phong cách cổ điển cho giới trẻ. Một năm sau, Nasty Gal đã trở thành đối thủ của H&M và ASOS. Forbes ước tính doanh thu của hãng đạt 300 triệu USD, gấp 3 so với năm 2012.

3. Diane Hendricks

Tài sản: 4,9 tỷ USD

Diane cùng chồng - Kenneth đồng sáng lập hãng bán buôn ABC Supply năm 1982. Hãng này đã tăng trưởng rất nhanh, nhờ hàng loạt thương vụ mua lại. Sau khi người chồng qua đời năm 2007, bà điều hành công ty một mình, từ chối mọi lời mời chào mua. Doanh thu hãng này năm 2015 là gần 6 tỷ USD.

4. Kathy Ireland

Tài sản: 360 triệu USD

Kathy Ireland từng là một siêu mẫu trước khi chuyển sang kinh doanh. Các sản phẩm mới nhất của cô là một dòng túi xách bán tại T.J. Maxx, đồ bày bàn bán tại Home Shopping Network và rất nhiều đồ nội thất văn phòng.

5. Meg Whitman

Tài sản: 2,1 tỷ USD

CEO HP đã lèo lái hãng máy tính này suốt 4 năm qua, thực hiện vụ chia tách HP hồi tháng 11/2015 và hiện lãnh đạo Hewlett Packard Enterprise - chuyên máy chủ, phần mềm với doanh thu 52 tỷ USD một năm. Bà từng là lãnh đạo tại Hasbro, Walt Disney và eBay.

6. Toni Ko

Tài sản: 260 triệu USD

Toni Ko từ Hàn Quốc tới Mỹ năm 13 tuổi. Ngoài giờ học, cô còn làm việc cho công ty của cha mẹ. Năm 1999, ở tuổi 25, cô nhận thấy khoảng trống trên thị trường mỹ phẩm chất lượng cao giá bình dân. Vì thế, với các mối quan hệ sẵn có trong ngành bán buôn và tiền vốn từ gia đình, cô đã mở NYX Cosmetics. Năm đầu, NYX Cosmetics đạt 4 triệu USD doanh thu. Năm 2014, cô bán thương hiệu này cho L’Oréal với giá 500 triệu USD. Đầu năm nay, Ko chuyển sang kinh doanh kính râm - Perverse Sunglasses.

7. Katrina Lake

Tài sản: 120 triệu USD

Katrina Lake tạo ra Stitch Fix - hãng bán lẻ trực tuyến chuyên chọn đồ cho khách dựa trên phân tích dữ liệu cá nhân và chuyên viên tư vấn phong cách. Năm ngoái, doanh thu của họ đạt 250 triệu USD.

8. Dorothy Herman

Tài sản: 270 triệu USD

Herman đồng sở hữu hãng môi giới bất động sản - Douglas Elliman, với số nhà bán ra trị giá tới 22 tỷ USD một năm và doanh thu 600 triệu USD. Hãng có hơn 6.000 nhân viên tại 85 văn phòng.

9. Liz Elting

Tài sản: 390 triệu USD

Liz Elting là đồng CEO của TransPerfect - một trong những hãng dịch thuật lớn nhất thế giới, với 505 triệu USD doanh thu và văn phòng tại hơn 90 thành phố. Cô lập công ty năm 1992 cùng Phil Shawe, khi còn học Đại học New York. Hiện công ty có 4.000 nhân viên với 11.000 khách hàng. Trong đó có AT&T, Google và Wal-Mart.

Hà Thu(theo Forbes)

Điện ảnh Việt và cuộc chiến giành miếng bánh trăm triệu USD

Khi thị trường điện ảnh Việt Nam chính thức cán mốc 100 triệu USD, việc chiếm thị phần cũng trở nên khốc liệt hơn, đặc biệt ở phân khúc rạp chiếu và phát hành. 

Trong khoảng 4-5 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng của thị trường điện ảnh Việt Nam đạt 35-40%. Theo đó, tổng doanh thu từ các phòng vé năm 2014 khoảng 83 triệu USD và đến năm 2015 đã là 105 triệu USD. Dự kiến mức tăng trong năm 2016 tiếp tục ở mức cao 25-30%.

Điều này khiến cho thị trường điện ảnh Việt trở thành "miếng bánh ngon", đặc biệt là với các nhà đầu tư nước ngoài. Riêng ở phân khúc rạp phim, hai tập đoàn đến từ Hàn Quốc gồm CGV và Lotte đang chiếm thế thượng phong.

Đứng đầu là CGV với 32 cụm rạp, tiếp đó là Lotte Cinema 25 cụm, BHD 6 cụm, Galaxy 6 cụm, Platinum Cineplex (sở hữu của Tập đoàn Multivision từ Indonesia) với 5 cụm rạp... Nếu tính đổ đồng tiền vé rạp, việc CGV chiếm 40% số phòng chiếu ở Việt Nam thì có thể chiếm đến 40% về mặt doanh thu. Đây là một con số rất lớn. 

Điều dễ dàng nhận thấy ở các rạp chiếu phim chiếm ưu thế thường là những cụm rạp có nguồn vốn đầu tư lớn. Đặc biệt, hệ thống CGV luôn có được lượng khán giả rất đông, vì nơi đây mỗi năm, lượng phim "bom tấn" nhập về không hề nhỏ. 

Việc này cũng dễ lý giải khi thị trường trong nước nói riêng và quốc tế nói chung được chi phối bởi 6 studio lớn (MPA) của Hiệp hội điện ảnh Mỹ. Các studio này là đại diện phát hành phim cho gần như toàn bộ thị trường thế giới. Phim các hãng lớn của Hollywood như: Disney, Sony, Paramount… đều thuộc quyền phát hành của 6 MPA này.

dien-anh-viet-va-cuoc-chien-gianh-mieng-banh-tram-trieu-usd

Hệ thống rạp kiêm nhà phát hành phim CGV bị khiếu nại áp đặt tỷ lệ ăn chia phim Việt không hợp lý với các đơn vị sản xuất, phát hành Việt Nam.

Do ưu thế là người tiên phong mở thị trường, hiện CGV đã đặt quan hệ và làm việc gần như độc quyền với 5 studio, và hiện tại là đơn vị được hai hãng phát hành phim lớn nhất Hollywood là United International Pictures và Buena Vista International ủy thác phát hành độc quyền tại Việt Nam. Điều đó có nghĩa là 90% phim Hollywood được nhập về Việt Nam thông qua họ. Sau khi được CGV mua lại, họ lại độc quyền nhập thêm những phim do CJE phát hành, những bộ phim có chất lượng tốt ở Hàn Quốc.

Trong số các hãng phim nội, chỉ Galaxy có thời gian tham gia thị trường tương đối lâu, may mắn sở hữu quan hệ với 1, 2 studio. Còn các nhà phát hành phim khác đều phải tìm kiếm nguồn phim từ những đơn vị ngoài MPA. Như vậy, sự chênh lệch của thị trường phát hành phim là rất lớn. CGV gần như thao túng việc phát hành phim ở Việt Nam.

Với lợi thế được độc quyền phát hành những bộ phim bom tấn, CGV tạo sức ảnh hưởng lớn lên tất cả các rạp phim còn lại, dù ít dù nhiều nó vẫn mang đến những lợi thế nhất định và các rạp khác nếu không muốn bị hất văng ra khỏi cuộc chơi khắc nghiệt phải chấp nhận thỏa thuận.

Nếu như ở thị trường thế giới, nhà phát hành phải là những đơn vị hoàn toàn độc lập so với những doanh nghiệp kinh doanh cụm rạp chiếu phim thì ở Việt Nam, do lịch sử hình thành, điều này không được phân biệt rõ ràng dẫn đến việc “ông vua rạp chiếu” cũng chính là “nữ hoàng phát hành”. Bởi, có cụm rạp là có lợi thế rất lớn trong cạnh tranh.

Do vậy, mới đây 8 nhà sản xuất và phát hành phim trong nước đã cùng gửi đơn khiếu nại đến Hội điện ảnh, khẳng định họ đang bị hệ thống rạp CGV chèn ép thông qua tỷ lệ ăn chia doanh thu phòng vé và hình thức chiếu phim ở rạp. Tám đơn vị gồm BHD, Galaxy, Skyline, Golden Media, Saigon Media, MVP, Early Risers và Công ty VAA. 

Đơn khiếu nại chung khẳng định: "Dựa vào tỷ lệ áp đảo thị trường về hệ thống cụm rạp, CGV đã và đang áp đặt tỷ lệ ăn chia bất hợp lý tại hệ thống rạp của mình. Phim Việt Nam do CGV phát hành tại hệ thống rạp khác có tỷ lệ ăn chia là 55/45 (CGV hưởng 55%). Còn với phim Việt Nam do các doanh nghiệp trong nước phát hành tại hệ thống CGV, tỉ lệ vẫn là 45/55 (nghĩa là nhà phát hành chỉ được hưởng 45%, CGV hưởng 55% doanh thu chiếu phim trong tuần đầu tiên, tỷ lệ hạ dần theo tuần)".

Cũng theo thư khiếu nại, sự chênh lệch này bất hợp lý và chưa từng xảy ra trên thế giới khi mà hệ thống rạp chiếu lại nhận được tỷ lệ ăn chia lớn hơn nhà sản xuất và phát hành phim.

Các doanh nghiệp điện ảnh khiếu nại cũng cáo buộc CGV có xu hướng chiếu các phim nước ngoài, đặc biệt là các phim do chính nước họ sản xuất với số lượng nhiều hơn, thời gian vào các khung giờ vàng lâu hơn... nên bày tỏ lo ngại CGV sẽ dần củng cố vai trò, tiến tới điều tiết và làm chủ thị trường điện ảnh Việt Nam.

Đáp lại những phản ứng này, CGV cho rằng thực tế phụ thuộc vào chất lượng phim, số lượng rạp và số lượng phòng chiếu của đơn vị phát hành mà CGV và bên liên quan cùng nhau xây dựng và thống nhất áp dụng tỷ lệ phân chia doanh thu phòng vé với từng đơn vị phát hành. CGV hoàn toàn không có sự phân biệt đối xử hoặc tạo điều kiện thuận lợi hơn cho bất kỳ công ty phát hành nào. Đơn vị chiếu phim có số lượng rạp và phòng chiếu cao hơn, giá vé cao hơn sẽ mang về lợi nhuận cao hơn cho nhà sản xuất mặc dù tỷ lệ phân chia có thể chênh lệch 5-10%. Bên cạnh đó, khi chiếu phim của các đơn vị phát hành khác tại rạp của CGV thì cũng luôn được hỗ trợ tiếp thị tích cực cho các bộ phim tại rạp của mình.

Ngoài ra, CGV còn lý giải rằng, họ đầu tư vào cơ sở hạ tầng, công nghệ nhiều hơn gấp 4-5 lần so với lợi nhuận đạt được tại thị trường Việt Nam. Không chỉ đầu tư cơ sở hạ tầng tại các thành phố lớn, đơn vị này còn tập trung phát triển hệ thống rạp tại các tỉnh, thành khác trong cả nước nhằm giới thiệu phim Việt tới nhiều hơn nữa khán giả ở các khu vực này.

Ông Lý Quốc Oai, Giám đốc hãng phim Nghiệp Thắng cho biết, trung bình, doanh thu mỗi phim công chiếu dao động trong khoảng tỉ lệ 50%. Với những phim bom tấn, con số cho đơn vị phát hành có thể lên đến 65% nhưng cũng có những phim chỉ đạt 45%.

Tuy nhiên, ông Oai cho biết thêm, đơn vị phát hành không được hưởng toàn bộ phần trăm của mình. Như trường hợp của Nghiệp Thắng, phải chia lại thêm 10 đến 12% trên tỷ lệ mình nhận được cho nhà phát hành phim của đơn vị sở hữu cụm rạp chiếu, xem như hình thức đồng phát hành mới có thể đưa phim mình vào các cụm rạp đấy.

"Ở đây phải xác định, phim của Nghiệp Thắng chiếu trên CGV, đơn vị này lấy danh nghĩa đồng phát hành nhưng thực chất không làm gì cả ngoài việc công chiếu. Bù lại, khi vào được những cụm rạp lớn thì doanh thu cũng được đảm bảo hơn", ông nói.

Trao đổi với VnExpress về vấn đề này, một chuyên gia trong ngành điện ảnh cho rằng, các nhà sản xuất và phát hành phim ở Việt Nam có thể đang bị chèn ép trên sân nhà, nhưng cũng phải chấp nhận vì cơ chế thị trường. "Họ có nhiều rạp, có lợi thế về nhập phim bom tấn... nên họ có quyền", ông nói và cũng nhìn nhận rằng, hiện nhiều phim Việt chất lượng vẫn còn yếu nên khó yêu cầu CGV chiếu trong khung giờ vàng.

Theo ông, cái cốt lõi là bản thân các doanh nghiệp nội phải tăng tiềm lực tài chính để hiện đại các rạp, nhà sản xuất thì cho ra những bộ phim giá trị. Song song đó, cần có các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước. 

Hoài Thu

Facebook chuẩn bị kế hoạch hậu Zuckerberg

Mạng xã hội lớn nhất thế giới đang đề nghị cổ đông bỏ phiếu cho đề xuất xóa bỏ quyền biểu quyết của CEO kiêm đồng sáng lập - Mark Zuckerberg nếu anh không còn lãnh đạo Facebook.

"Những quy định mới này sẽ đảm bảo chúng tôi không bị nhà sáng lập kiểm soát, sau khi anh ấy không còn đứng đầu công ty nữa", Facebook cho biết trong một báo cáo gửi Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC).

Theo đề xuất này, nếu Zuckerberg từ chức, hoặc bị sa thải, các cổ phiếu hạng B của anh sẽ được chuyển sang hạng A. Tức là quyền biểu quyết của anh với một cổ phiếu chỉ là 1, thay vì 10. Các điều khoản cũng sẽ ngăn tình trạng CEO sau này duy trì quyền kiểm soát công ty qua việc sở hữu cổ phiếu hạng B.

facebook-chun-bi-ke-hoach-hau-zuckerberg
Mark Zuckerberg sẽ không còn quyền kiểm soát công ty sau khi ra đi. Ảnh: Zeit

Zuckerberg hiện nắm 419 triệu cổ phiếu hạng B và 4 triệu cổ phiếu hạng A. Việc này giúp anh có tới 53,8% quyền bỏ phiếu. Tuy nhiên, nhờ nắm thêm số cổ phiếu hạng B mà đồng sáng lập Dustin Moskovitz ủy quyền, quyền bỏ phiếu của anh đã lên 60%.

Facebook cho biết việc tìm một CEO tốt thay thế Zuckerberg sẽ rất khó nếu anh vẫn còn cổ phiếu hạng B. Một lý do khác cho sự thay đổi là khuyến khích Zuckerberg gắn bó với công ty.

Hồi tháng 4, Facebook đề xuất phát hành loại cổ phiếu mới - hạng C, nhằm giúp Zuckerberg duy trì kiểm soát công ty trong nhiều năm tới. Nếu được chấp thuận, mỗi người sở hữu cổ phiếu hạng A và hạng B sẽ được tặng 2 cổ phiếu hạng C. Loại cổ phiếu này không có quyền biểu quyết.

Nó sẽ cho phép Zuckerberg không bị giảm quyền biểu quyết sau khi tặng cổ phiếu làm từ thiện. Dù vậy, các chuyên gia về quản trị doanh nghiệp vẫn cho rằng cấu trúc như vậy sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của các cổ đông bên ngoài.

Cổ đông Facebook sẽ bỏ phiếu về đề xuất này trong cuộc họp ngày 20/6.

Hà Thu (theo CNN)

Gia đình có trẻ nhỏ chuộng mua sắm online

23% gia đình chưa có trẻ nhỏ mua sắm online hàng tuần, trong khi con số này với những hộ đã có con lên tới 60%.

gia-dinh-co-tre-nho-chuong-mua-sam-online
Mua sắm onlline giúp những ông bố, bà mẹ tiết kiệm thời gian.

Một nghiên cứu về hành vi mua sắm trực tuyến của người Mỹ từ 2010 đến 2014 được công ty nghiên cứu thị trường Mintel thực hiện cho thấy, các gia đình khi có thêm con nhỏ sẽ gia tăng tỷ lệ mua sắm trực tuyến. 23% cặp vợ chồng chưa có con mua sắm online hàng tuần, nhưng tỷ lệ này tăng đến 40% với những gia đình có một con, 56% khi có hai con và 66% với những trường hợp có 3 con trở lên.

Giá trị trung bình cho mỗi đơn hàng cũng tăng với những gia đình có nhiều con - 78 USD cho cặp vợ chồng chưa có con và 123 USD khi họ có thêm một con nhỏ. Những gia đình có từ 3 con trở lên mua sắm trung bình 177 USD cho mỗi đơn hàng.

gia-dinh-co-tre-nho-chuong-mua-sam-online-1
Đi đến các cửa hàng truyền thống không chỉ mất thời gian mà còn khiến các bố mẹ dễ bị con đòi mua những món đồ không cần thiết.

Bên cạnh đó, những gia đình có con thường ưa chuộng dịch vụ tự động đặt lại đơn hàng. 22% hộ gia đình có 3 con trở lên cho biết ưa chuộng dịch vụ này của các website để không mất thời gian lựa chọn lần nữa với những món hàng thường dùng. Trong khi đó, chỉ 6% các cặp vợ chồng chưa có con duy trì thói quen này.

"Những ông bố bà mẹ có con thường là những người mua sắm online hàng tuần bởi hai lý do chính - nhu cầu đồ gia dụng nhiều hơn và có ít thời gian cho việc mua sắm hơn. Dịch vụ tự động đặt lại đơn hàng vừa thuận tiện, vừa có thể tiết kiệm một phần chi phí và giúp các bố mẹ không mất công đưa con mình đi đến các cửa hàng và thường bị chúng thuyết phục mua những món đồ không cần thiết", Hulkower - chuyên gia phân tích, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết.

Thu Ngân (theo Mintel)

Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2016

Phó thủ tướng: Dựa dẫm vào quen biết, doanh nghiệp không thể phát triển

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Chính phủ luôn đồng hành, không phân biệt đối xử và theo nguyên tắc thị trường, tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp phát triển.

Cuộc gặp gỡ giữa Phó thủ tướng Vương Đình Huệ và 100 doanh nhân trẻ xuất sắc sáng 3/6 diễn ra trong bối cảnh Chính phủ chọn năm 2016 là năm khởi nghiệp.

Đại diện Chính phủ cũng nêu quan điểm, Chính phủ luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp phát triển trên nguyên tắc theo thị trường, không phân biệt đối xử.

"Cả hệ thống phải chuyển động chứ không chỉ chuyển động ở trên. Phải tạo áp lực cho đội ngũ cán bộ công chức, ai làm không được thì để người khác làm, xử lý nghiêm cán bộ công chức vi phạm. Chính phủ không bao che cho cán bộ vi phạm, nhũng nhiễu", Phó thủ tướng khẳng định và cho biết, đến nay Nghị quyết 19 của Chính phủ về hỗ trợ các doanh nghiệp đã được triển khai tới năm thứ 3. Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ sẽ có nhiều tác động theo cả chiều dọc và chiều ngang, tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng nhất, thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.

"Chiều ngang là tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng nhất, thuận lợi nhất cho các thành phần kinh tế không phân biệt doanh nghiệp lớn hay bé, doanh nghiệp tư nhân hay nhà nước", Phó thủ tướng cắt nghĩa. Còn động lực theo chiều dọc, Chính phủ sẽ đưa ra chính sách cụ thể, chi tiết mà Luật Doanh nghiệp vừa và nhỏ đang được triển khai xây dựng là một ví dụ.

doanh-nghiep-khong-the-phat-trien-dua-vao-than-huupho-thu-tuong-chinh-phu-vuong-dinh-hue-nhan-manh-chinh-phu-luon-dong-hanh-va-tao-moi-dieu-kien-de-doanh-nghiep-phat-trien-nhung-doanh-nghiep-cung-phai-tu-minh-vuon-len-chu-khong-the-phat-trien-neu-chi-dua-vao-quan-he-than-huu
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, Chính phủ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp. Nhưng chính các doanh nghiệp cũng phải vươn lên, khẳng định mình, không nên phát triển dựa vào quan hệ thân hữu, quen biết. Ảnh: Nhật Bắc

Tuy nhiên, một lần nữa ông nhấn mạnh, các chính sách này chỉ hướng tới “người chiến thắng”, còn với số doanh nghiệp yếu, tự thị trường sẽ đào thải. Do đó, các doanh nghiệp phải đi lên bằng con đường chân chính, chứ không chỉ dựa vào quen biết, thân hữu.

“Doanh nghiệp đòi hỏi nhiều chính sách hỗ trợ ở Chính phủ, ngược lại Chính phủ cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải vươn lên. Doanh nghiệp phải phát triển bằng con đường chân chính, trên chính đôi chân của mình chứ không thể dựa vào quan hệ thân hữu, quen biết”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đồng thời đề nghị doanh nghiệp khi gặp vấn đề gì nếu có cơ hội hãy phản ánh thẳng lên Chính phủ, Thủ tướng. Quan điểm của Chính phủ là không bao che cho ai.

Tại cuộc gặp, ông Đỗ Huy Hiệu - Giám đốc Công ty TNHH DVH – Bransons (chuyên về lĩnh vực đào tạo) chia sẻ một trong những “nỗi khổ” mà các doanh nghiệp đang mắc hiện nay chính là thủ tục hành chính.

Ông Hiệu kể, muốn mở một khóa học đào tạo ngắn hạn kéo dài 2 ngày, doanh nghiệp phải xin giấy phép cách đó cả tháng trời. Nộp hồ sơ chậm 2 ngày cũng bị trả lại với "cái nhìn xéo, phủi tay" của cán bộ. “Không có lót tay thì không thể xong việc. Nhưng chúng tôi là doanh nghiệp nhỏ, đâu có nhiều tiền để lót nhiều cửa như vậy. Thậm chí, chúng tôi còn nhận được lời đề nghị thẳng của một công ty đại lý tư vấn, chi 15 triệu sẽ có ngay giấy phép”, Giám đốc Đỗ Huy Hiệu cho biết.

Dù là ngành được nêu gương đã có nhiều cải cách về thủ tục hành chính, song một lần nữa tại cuộc gặp các doanh nghiệp đề cập tới khá nhiều bất cập trong lĩnh vực thuế.

“Chính sách thuế đang làm khó và gây bất bình đẳng giữa doanh nghiệp”, ông Nguyễn Văn Hùng, Tổng giám đốc Công ty CP Giải pháp công nghệ CMC nói thẳng. Theo doanh nhân này, trong khi các doanh nghiệp FDI mở nhà máy tại các khu công nghiệp thì nhận được hết ưu đãi này tới ưu đãi khác về thuế, lãi suất… thì doanh nghiệp trong nước lại bị đứng ngoài cuộc.

CEO của Công ty CMC đề xuất Chính phủ cần nghiên cứu để sớm xoá bỏ những “hàng rào bất công”, tạo nên sự bất bình đẳng trong cạnh tranh này.

Cũng bức xúc về lĩnh vực thuế, ông Đỗ Hữu Hiệu tiếp lời, khi nhân viên kế toán đến cơ quan thuế nộp thuế thì nhận được câu nói “công ty đã thành lập 3 năm rồi mà sao giờ mới đến 'thăm' các anh chị à”.

“Thực sự tôi không hiểu từ 'thăm' ở đây có nghĩa là gì? Phải chăng là doanh nghiệp phải chi tiền cho cán bộ mới được việc?”, vị giám đốc đặt vấn đề và kiến nghị Chính phủ cần đưa ra chính sách thuế hợp lý để doanh nghiệp không còn gặp cảnh “gà mắc tóc” như vậy.

Ghi nhận và khẳng định những đóng góp của doanh nghiệp sẽ được tiếp thu nghiêm túc chứ không phải "nghe rồi để đấy", một lần nữa Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Chính phủ sẽ tạo cơ chế, thể chế để hỗ trợ tốt nhất quá trình khởi nghiệp của doanh nghiệp.

"Cả quốc gia khởi nghiệp chứ không chỉ sinh viên mới khởi nghiệp. Mục tiêu phấn đấu tới năm 2020 Việt Nam sẽ có một triệu doanh nghiệp, gấp 4 lần con số hiện nay", ông kỳ vọng.

Nguyễn Hoài

85% người mua bất động sản Đà Nẵng đến từ Hà Nội

5 tháng qua, các khách hàng từ Hà Nội và các tỉnh phía Bắc thống trị thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Đà Nẵng, chiếm 75-85% giao dịch thành công, theo CBRE Việt Nam

Đơn vị này vừa có báo cáo thị trường bất động sản Đà Nẵng quý II/2016, trong đó lấy bất động sản nghỉ dưỡng là điểm nhấn. Theo đó, trong nửa đầu năm 2016, căn hộ khách sạn (phục vụ du lịch nghỉ dưỡng) có sự tăng trưởng mạnh về nguồn cung với 2.436 căn từ 6 dự án, trong đó 89% là các căn hộ cao cấp dọc theo bờ biển từ các chủ đầu tư danh tiếng.

Tổng nguồn cung căn hộ khách sạn tăng lên 3.084 căn, trong đó phân khúc cao cấp chiếm tỷ trọng cao nhất 76%, tiếp theo là phân khúc trung cấp (16%) và phân khúc hạng sang (9%). Vào đầu quý III/2016, dự kiến sẽ có 2 dự án mới được chào bán, tăng thêm 800 sản phẩm cho thị trường này. Dự kiến 6 tháng cuối năm thị trường sẽ đón nhận thêm 1.629 căn hộ khách sạn nghỉ dưỡng từ 6 dự án, hầu hết là ở phân khúc trung cấp.

Về tốc độ bán hàng, tính tới cuối tháng 5/2016, CBRE ghi nhận những dự án được chào bán từ đầu năm đạt tỷ lệ bán trung bình 63%, trong khi những dự án mới chào bán trong tháng 5 tỷ lệ bán vẫn còn thấp. Khách mua từ Hà Nội và các tỉnh thành phía Bắc chiếm khoảng 75-85% trong số các giao dịch thành công và phần lớn yêu cầu tham gia chương trình cam kết cho thuê lại. 

85-nguoi-mua-bat-dong-san-da-nang-den-tu-ha-noi
Một dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng.

Do ảnh hưởng từ nguồn cung mới, so với quý IV/2015, giá bán trung bình của các dự án khách sạn nghỉ dưỡng ở phân khúc cao cấp giảm 4,8% và các dự án ở phân khúc trung cấp tăng nhẹ ở mức 0,4% trong khi giá của các dự án hạng sang không thay đổi. Các chủ đầu tư đưa ra các chương trình giảm giá nhẹ cho các khách mua sớm ở mức 3-5%.

Đối với thị trường biệt thự nghỉ dưỡng, không có nguồn cung mới được ghi nhận trong quý này. Tổng nguồn cung thị trường giữ nguyên với 788 căn từ 14 dự án. Vào đầu quý III/2016, thị trường sẽ chào đón 16 căn biệt thự mới từ dự án Nam An Residence giai đoạn II.

Tỷ lệ bán trung bình của thị trường biệt thự nghỉ dưỡng hạng sang và cao cấp trong quý I/2016 tăng lần lượt 5,9% và 9,4% so với IV/2015. Tương tự, nhiều giao dịch thành công đã giúp tăng tỷ lệ bán của phân khúc trung cấp 1,2% so với quý trước. Các dự án với cam kết lợi nhuận từ chương trình cam kết cho thuê sẽ hấp dẫn hơn đối với những khách mua tiềm năng vì khoản lợi nhuận đến từ chương trình cam kết cho thuê.

Giá chào bán của thị trường biệt thự nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng ghi nhận từ 250.000 USD đến 2 triệu USD mỗi căn, trong đó các căn có giá 500.000-900.000 USD chiếm 57%, tiếp theo là những căn có giá từ 900.000 USD đến 1 triệu USD (23%) và đắt hơn với giá 1,5 triệu USD mỗi căn (14%).

Vũ Lê

Du lịch biển miền Trung thiệt hại nặng vì cá chết

Thống kê của Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho thấy lượng khách quốc tế đến một số tỉnh miền Trung giảm 20-50% trong dịp cao điểm tháng 5.

Vụ Kinh tế Dịch vụ (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) vừa có báo cáo phát triển ngành dịch vụ tháng 5 và 5 tháng đầu năm, trong đó có đánh giá tình hình khách du lịch quốc tế.

Cơ quan này cho rằng trong tháng 5, dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 được xem là "thời điểm vàng" để các doanh nghiệp lữ hành tung ra sản phẩm mới thu hút khách du lịch, góp phần làm sôi động thị trường trong và ngoài nước. "Tuy nhiên, vào đầu tháng 5/2016, hiện tượng cá chết tại một số tỉnh miền Trung như: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị… đã có những ảnh hưởng tiêu cực đến ngành du lịch, đặc biệt đúng vào thời điểm nghỉ lễ", báo cáo viết.

Cụ thể, lượng khách quốc tế tới Quảng Bình trong tháng 5 đạt 82.000 lượt, giảm 44% so với cùng kỳ năm 2015. Nghệ An đón 22.000 lượt, giảm 20% so với cùng kỳ, Quảng Trị là 3.500 lượt, giảm hơn 50%. 

Trước đó từ giữa tháng 4, hiện tượng cá chết hàng loạt đã xảy ra dọc bờ biển miền Trung. Sau quá trình tìm hiểu, nguyên nhân của hiện tượng này đã được cơ quan quản lý và các nhà khoa học tìm ra, dự kiến công bố trong tháng 6 này.

Tính chung trong tháng 5, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 780.000 lượt, giảm 1,2% so với tháng trước. Các thị trường khách trọng điểm như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đang có sự sụt giảm 3,6%. Tổng lượng khách quốc tế 5 tháng tăng 20%, lên 4,03 triệu lượt. Trong đó khách châu Á chiếm tới 2,8 triệu lượt, châu Âu đạt 727.800 lượt.

Khách du lịch quốc đến Việt Nam trong 5 tháng đầu năm chủ yếu từ một số thị trường như: Hàn Quốc, Singapore, Mỹ, Nga… Mặc dù thị trường các nước Tây Âu (Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italia) được miễn thị thực nhưng lượng khách từ các nước này trong tháng 5 ước tăng không đáng kể so với trước đó.

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch hơn nữa trong 6 tháng cuối năm, Vụ Kinh tế Dịch vụ đề xuất cơ quan quản lý cần phối hợp với các doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến tại các thị trường trọng điểm, cải thiện môi trường du lịch, tăng sức hấp dẫn của sản phẩm.

Đối với chính sách miễn thị thực, báo cáo cho rằng cần đánh giá lại tác động, cân nhắc việc duy trì chính sách miễn thị thực với những nước thực sự có nguồn khách lớn, ổn định, có chính sách thị thực tương đối phù hợp với Việt Nam (Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga), tạm dừng miễn thị thực đối với một số nước để tận dụng nguồn thu cho ngân sách…

Bạch Dương

Taylor Swift là nữ triệu phú tự thân trẻ nhất Mỹ

Theo Forbes, nữ ca sĩ 27 tuổi hiện có 250 triệu USD và là người trẻ nhất trong danh sách Những phụ nữ tự thân giàu nhất nước Mỹ.

Tạp chí Forbes vừa công bố danh sách thường niên Những phụ nữ tự thân giàu nhất nước Mỹ. Dẫn đầu năm nay là Diane Hendricks của hãng bán buôn ABC Supply với 4,9 tỷ USD. Theo sau là nữ hoàng truyền hình Mỹ - Oprah Winfrey với 3,1 tỷ USD. Elizabeth Holmes - CEO kiêm đồng sáng lập hãng xét nghiệm Theranos năm ngoái đứng đầu danh sách này với 4,5 tỷ USD, thì năm nay đã bị điều chỉnh tài sản xuống 0, do công ty đang bị điều tra và định giá thấp.

Năm nay, danh sách có thêm 13 người mới, nâng tổng số lên 60. Trong đó có Taylor Swift (giữ vị trí 60), Jessica Alba (42) và Celine Dion (37). Trong danh sách, 25 người hiện sống tại California, 16 người sinh ra ngoài Mỹ (trong đó có Toni Ko - nhà sáng lập hãng mỹ phẩm NYX).

Người trẻ nhất năm nay là nữ ca sĩ Taylor Swift. Cô xếp thứ 60 với tài sản 250 triệu USD. Swift sinh năm 1989, từng giành 10 giải Grammy, giữ 5 kỷ lục Guinness và còn có một giải Emmy hạng mục "Chương trình tương tác xuất sắc nhất" cho "AMEX Unstaged: Taylor Swift Experience".

taylor-swift-la-nu-trieu-phu-tu-than-tre-nhat-my
Taylor Swift hiện có 250 triệu USD tài sản. Ảnh: Wikia

Cô cũng nhiều lần lọt danh sách của Forbes, như 30 under 30 (30 người trẻ nổi bật dưới 30 tuổi), hay 6 lần vào Celebrity 100 (100 người nổi tiếng quyền lực nhất thế giới). Phần lớn tài sản của cô năm ngoái đến từ tour lưu diễn toàn cầu "1989 World Tour".

Năm 2015, Swift còn nổi tiếng với việc bảo vệ quyền lợi của các nhạc sĩ trước làn sóng âm nhạc trực tuyến. Cô đã rút các bài hát của mình ra khỏi trang nghe nhạc Spotify vì cho rằng họ không trả thù lao xứng đáng cho các nghệ sĩ. Cô cũng quay lưng với dịch vụ âm nhạc trực tuyến của Apple vì cho rằng nghệ sỹ và các nhà sản xuất phải chịu thiệt trong ba tháng đầu thử nghiệm miễn phí trên Apple Music. Apple sau đó đã phải thay đổi chính sách này.

Để lọt vào danh sách của Forbes năm nay, các ứng viên cần có tối thiểu 250 triệu USD. Để tính ra giá trị tài sản, Forbes đánh giá các công ty tư nhân thông qua ý kiến của các chuyên gia bên ngoài, và so sánh với các đối thủ đại chúng có quy mô tương đương. Trong trường hợp những phụ nữ này thành lập công ty cùng chồng, Forbes sẽ chia đôi.

Giá cổ phiếu họ nắm giữ được tính đến ngày 13/5. Còn với các nghệ sĩ, Forbes dựa theo thu nhập. Những tài sản như nhà đất, các tác phẩm nghệ thuật cũng được cộng vào đây.

Hà Thu (theo Forbes)