Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Chính phủ luôn đồng hành, không phân biệt đối xử và theo nguyên tắc thị trường, tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp phát triển.
Cuộc gặp gỡ giữa Phó thủ tướng Vương Đình Huệ và 100 doanh nhân trẻ xuất sắc sáng 3/6 diễn ra trong bối cảnh Chính phủ chọn năm 2016 là năm khởi nghiệp.
Đại diện Chính phủ cũng nêu quan điểm, Chính phủ luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp phát triển trên nguyên tắc theo thị trường, không phân biệt đối xử.
"Cả hệ thống phải chuyển động chứ không chỉ chuyển động ở trên. Phải tạo áp lực cho đội ngũ cán bộ công chức, ai làm không được thì để người khác làm, xử lý nghiêm cán bộ công chức vi phạm. Chính phủ không bao che cho cán bộ vi phạm, nhũng nhiễu", Phó thủ tướng khẳng định và cho biết, đến nay Nghị quyết 19 của Chính phủ về hỗ trợ các doanh nghiệp đã được triển khai tới năm thứ 3. Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ sẽ có nhiều tác động theo cả chiều dọc và chiều ngang, tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng nhất, thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.
"Chiều ngang là tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng nhất, thuận lợi nhất cho các thành phần kinh tế không phân biệt doanh nghiệp lớn hay bé, doanh nghiệp tư nhân hay nhà nước", Phó thủ tướng cắt nghĩa. Còn động lực theo chiều dọc, Chính phủ sẽ đưa ra chính sách cụ thể, chi tiết mà Luật Doanh nghiệp vừa và nhỏ đang được triển khai xây dựng là một ví dụ.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, Chính phủ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp. Nhưng chính các doanh nghiệp cũng phải vươn lên, khẳng định mình, không nên phát triển dựa vào quan hệ thân hữu, quen biết. Ảnh: Nhật Bắc
|
Tuy nhiên, một lần nữa ông nhấn mạnh, các chính sách này chỉ hướng tới “người chiến thắng”, còn với số doanh nghiệp yếu, tự thị trường sẽ đào thải. Do đó, các doanh nghiệp phải đi lên bằng con đường chân chính, chứ không chỉ dựa vào quen biết, thân hữu.
“Doanh nghiệp đòi hỏi nhiều chính sách hỗ trợ ở Chính phủ, ngược lại Chính phủ cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải vươn lên. Doanh nghiệp phải phát triển bằng con đường chân chính, trên chính đôi chân của mình chứ không thể dựa vào quan hệ thân hữu, quen biết”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đồng thời đề nghị doanh nghiệp khi gặp vấn đề gì nếu có cơ hội hãy phản ánh thẳng lên Chính phủ, Thủ tướng. Quan điểm của Chính phủ là không bao che cho ai.
Tại cuộc gặp, ông Đỗ Huy Hiệu - Giám đốc Công ty TNHH DVH – Bransons (chuyên về lĩnh vực đào tạo) chia sẻ một trong những “nỗi khổ” mà các doanh nghiệp đang mắc hiện nay chính là thủ tục hành chính.
Ông Hiệu kể, muốn mở một khóa học đào tạo ngắn hạn kéo dài 2 ngày, doanh nghiệp phải xin giấy phép cách đó cả tháng trời. Nộp hồ sơ chậm 2 ngày cũng bị trả lại với "cái nhìn xéo, phủi tay" của cán bộ. “Không có lót tay thì không thể xong việc. Nhưng chúng tôi là doanh nghiệp nhỏ, đâu có nhiều tiền để lót nhiều cửa như vậy. Thậm chí, chúng tôi còn nhận được lời đề nghị thẳng của một công ty đại lý tư vấn, chi 15 triệu sẽ có ngay giấy phép”, Giám đốc Đỗ Huy Hiệu cho biết.
Dù là ngành được nêu gương đã có nhiều cải cách về thủ tục hành chính, song một lần nữa tại cuộc gặp các doanh nghiệp đề cập tới khá nhiều bất cập trong lĩnh vực thuế.
“Chính sách thuế đang làm khó và gây bất bình đẳng giữa doanh nghiệp”, ông Nguyễn Văn Hùng, Tổng giám đốc Công ty CP Giải pháp công nghệ CMC nói thẳng. Theo doanh nhân này, trong khi các doanh nghiệp FDI mở nhà máy tại các khu công nghiệp thì nhận được hết ưu đãi này tới ưu đãi khác về thuế, lãi suất… thì doanh nghiệp trong nước lại bị đứng ngoài cuộc.
CEO của Công ty CMC đề xuất Chính phủ cần nghiên cứu để sớm xoá bỏ những “hàng rào bất công”, tạo nên sự bất bình đẳng trong cạnh tranh này.
Cũng bức xúc về lĩnh vực thuế, ông Đỗ Hữu Hiệu tiếp lời, khi nhân viên kế toán đến cơ quan thuế nộp thuế thì nhận được câu nói “công ty đã thành lập 3 năm rồi mà sao giờ mới đến 'thăm' các anh chị à”.
“Thực sự tôi không hiểu từ 'thăm' ở đây có nghĩa là gì? Phải chăng là doanh nghiệp phải chi tiền cho cán bộ mới được việc?”, vị giám đốc đặt vấn đề và kiến nghị Chính phủ cần đưa ra chính sách thuế hợp lý để doanh nghiệp không còn gặp cảnh “gà mắc tóc” như vậy.
Ghi nhận và khẳng định những đóng góp của doanh nghiệp sẽ được tiếp thu nghiêm túc chứ không phải "nghe rồi để đấy", một lần nữa Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Chính phủ sẽ tạo cơ chế, thể chế để hỗ trợ tốt nhất quá trình khởi nghiệp của doanh nghiệp.
"Cả quốc gia khởi nghiệp chứ không chỉ sinh viên mới khởi nghiệp. Mục tiêu phấn đấu tới năm 2020 Việt Nam sẽ có một triệu doanh nghiệp, gấp 4 lần con số hiện nay", ông kỳ vọng.
Nguyễn Hoài
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét