Kế hoạch bán vốn năm 2016 của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) không nhắc tới những cái tên như Vinamilk, Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong…
SCIC vừa công bố kế hoạch kinh doanh năm 2016 với mục tiêu bán vốn tại 120 doanh nghiệp dự kiến mang về hơn 7.250 tỷ đồng. Trước đó, doanh nghiệp đã thu về gần 4.500 tỷ đồng từ nguồn này trong năm 2015.
SCIC đang quản lý khối tài sản hơn 73.000 tỷ đồng của Nhà nước.
|
Năm nay, SCIC dự định bán vốn ở rất nhiều doanh nghiệp lớn với quy mô lên tới hàng nghìn tỷ đồng như Tổng công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Vinaconex với lượng vốn nắm giữ là 2.552 tỷ đồng, Tổng công ty Điện tử và Tin học là 385 tỷ, Nhiệt điện Quảng Ninh (514 tỷ đồng), Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh (494 tỷ), Nhiệt điện Hải Phòng 450 tỷ), Công ty Khoáng sản và Đầu tư Khánh Hòa (125 tỷ), Nhiệt điện Phả Lại và một số công ty sản xuất phim như Phim truyện 1, Điện ảnh truyền hình… Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp từng được chào bán nhiều lần nhưng vẫn ế do kết quả kinh doanh kém khả quan.
Tổng công ty cũng dự định bán vốn tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải (Maritime Bank), tuy chỉ còn nắm khoảng 0,3% vốn tại đây.
Trong danh sách thoái vốn, SCIC cũng đề cập tới Tập đoàn FPT và Công ty Xuất nhập khẩu Sa Giang với tỷ lệ nắm giữ lần lượt là 6% và 50%. Đây là 2 trong số 10 doanh nghiệp thuộc diện được bán vốn theo quyết định của Chính phủ thời điểm tháng 10/2015. 8 doanh nghiệp còn lại là Vinamilk, Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong, Bảo hiểm Bảo Minh, Tổng công ty Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam, Công ty Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam, FPT Telecom đã không được nhắc đến.
Trước đó, khi Chính phủ quyết định cho phép bán vốn tại 10 doanh nghiệp nêu trên, thị trường tài chính đã kỳ vọng có một cuộc thoái vốn lịch sử. Bởi đây đều là các doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả nên quy mô cuộc thoái vốn được dự toán lên tới 3,6 tỷ USD.
Chính vì thế, các cổ phiếu như VNM, NTP, BMP, BMI khi ấy đã tăng giá khá mạnh nhằm đón làn sóng thoái vốn này. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp còn chuẩn bị sớm cho lộ trình bán vốn như Vinamilk đã bỏ giới hạn room ngoại, Nhựa Bình Minh nới room ngoại lên 100%... Thậm chí, Vinamilk còn chủ động tổ chức gặp mặt các nhà đầu tư tại nước ngoài để bàn chuyện đầu tư.
Như vậy, để sở hữu cổ phần của các doanh nghiệp này, rất có thể các nhà đầu tư sẽ phải chờ đợi lâu hơn nếu như không có những thay đổi bất ngờ.
Trên thực tế, các doanh nghiệp trong danh sách nêu trên đều là "gà đẻ trứng vàng" cho SCIC nhiều năm qua. Năm 2015, SCIC thu về 5.062 tỷ đồng cổ tức. Đóng góp lớn trong số này là Vinamilk với khoảng 2.705 tỷ đồng. Năm 2014, Vinamilk cũng góp 1.502 tỷ đồng lãi cho ông lớn này. Với mức cổ tức chi trả tới 60%, Nhựa Bình Minh cũng góp tới hơn 80 tỷ. Nhựa Tiền Phong cũng trả hàng trăm tỷ đồng với cổ tức 45%.
Năm 2016, các doanh nghiệp này tiếp tục lên kế hoạch chi trả cổ tức "khủng" bằng tiền mặt như Vinamilk cổ tức kỷ lục 60%, Nhựa Bình Minh 45%, Nhựa Tiền Phong 25%, FPT Telecom là 25%… Nhờ vây, SCIC đã mạnh dạn đặt kế hoạch doanh thu 12.528 tỷ đồng, trong đó cổ tức đạt 4.228 tỷ đồng, doanh thu bán vốn 7.250 tỷ. Hiện SCIC vẫn nắm giữ tới 45,1% tại Vinamilk, 38,4% tại Nhựa Bình Minh, 27,1% Nhựa Tiền Phong, 50,2% FPT Telecom, 50% Bảo Minh…
Ông Nguyễn Đức Chi - Chủ tịch HĐTV SCIC trong một cuộc gặp mặt báo chí mới đây đã cho biết vẫn xem xét trên cơ sở đảm bảo lợi ích Nhà nước là trên hết. "Chúng tôi sẽ cân nhắc giữa việc giữ lại và bán. Nếu bán thì phải có kênh đầu tư mới hiệu quả hơn. Việc kinh doanh mà đặt trong bối cảnh chỉ đạo hành chính thì rất khó. Hãy để dòng vốn vận hành theo quy luật thị trường thì tốt hơn", vị này nói.
Hiện SCIC còn nắm vốn tại 197 doanh nghiệp với giá trị sổ sách là 20.020 tỷ đồng, chiếm 23% vốn điều lệ và giá trị thị trường đạt khoảng 95.697 tỷ đồng. Mục tiêu phát triển đến năm 2020 của SCIC là trở thành nhà đầu tư chiến lược của Chính phủ, đến năm 2030 trở thành tập đoàn tài chính quy mô khu vực và là công cụ để Nhà nước đầu tư, nắm giữ chi phối tại các ngành nghề, lĩnh vực quan trọng của đất nước.
Tham vọng là vậy song SCIC vẫn gặp nhiều thách thức khi thực hiện nhiệm vụ "đem tiền Nhà nước đi đầu tư". Cuối năm 2015, báo cáo tài chính ghi nhận, tổng tài sản công ty nắm giữ đạt 73.262 tỷ đồng, trong đó có hơn 37.400 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng và mua trái phiếu.
Các dự án đầu tư của SCIC cũng gặp nhiều trắc trở hoặc ý kiến trái chiều như nguy cơ mất 1.000 tỷ đồng vốn đầu tư vào Dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên, đầu tư Tháp truyền hình của VTV…
Bạch Dương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét