Những chính sách 'nâng lên hạ xuống' trong năm 2018
Không ít đề xuất được các nhà làm chính sách đưa ra vấp phải sự phản ứng vì thiếu thực tế để rồi lại thu hồi ngay sau đó.
"Trạm thu phí" đổi tên thành "Trạm thu giá"
Đầu năm 2018, một số trạm thu phí BOT trên cả nước được đổi tên thành "trạm thu giá". Việc đổi tên này vấp phải sự phản ứng bởi dư luận cho rằng điều chỉnh mang tính máy móc, dựa trên cách hiểu "kỳ quặc" của cơ quan quản lý. Chính các Bộ, ngành, chuyên gia cũng thừa nhận cách gọi này đã tạo tâm lý không tốt cho người dân.
Sau khi dư luận phản ứng, lần lượt, lãnh đạo Bộ Giao thông rồi Tổng cục Đường bộ lên tiếng giải thích. Theo các cơ quan này, việc đổi tên là do dịch vụ sử dụng đường bộ đã được chuyển đổi sang cơ chế quản lý giá (theo Luật Phí và lệ phí có hiệu lực từ đầu năm 2017). Với việc không còn là phí, mức giá sử dụng đường bộ sẽ căn cứ theo quy luật thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước. Tên gọi "trạm thu phí" ở đây được hiểu là nơi thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án và việc này được điều hành theo Luật Giá.
Đây là một trong số nhiều trạm từng đổi tên thành "Trạm thu giá". Ảnh: Hoàng Nam
|
Sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu không sử dụng tên gọi "Trạm thu giá", Tổng cục Đường bộ sau đó ra văn bản chính thức yêu cầu các chủ đầu tư BOT chuyển tên "trạm thu giá" về tên gọi cũ. Đồng thời, các cụm từ như "biểu giá", "mức giá" trên biển hiệu, biển chỉ dẫn tại các trạm BOT cũng phải thay thế bằng "biểu phí", "mức phí".
Đề xuất đánh Thuế tài sản nhà, đất
Ý tưởng đánh thuế tài sản với mọi căn nhà, mảnh đất chính thức được Bộ Tài chính đưa ra vào tháng 4. Trong một cuộc họp báo, đại diện Bộ này cho biết đang kiến nghị với Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội để đưa dự án Luật Thuế tài sản vào chương trình xây dựng Luật.
Cơ quan này đề xuất đánh mức thuế suất 0,4% với căn hộ chung cư, đất ở, đất xây nhà chung cư, đất kinh doanh... có giá trị từ 700 triệu đồng (tính cho phần giá trị vượt 700 triệu đồng) và khoản thuế này phải đóng hàng năm. Bên cạnh đó, các loại ôtô, du thuyền... cũng nằm trong nhóm tài sản phải chịu thuế. Để tăng tính thuyết phục, Bộ Tài chính còn cho biết hiện có 174 trong số 193 quốc gia đã triển khai loại thuế này từ nhiều năm nay.
Tuy nhiên, với dẫn chứng, cơ sở còn thiếu tính thuyết phục, phương án đánh thuế, cũng như kết quả đánh giá tác động còn chưa rõ ràng, chính sách này lập tức gây ra nhiều ý kiến trái chiều của dư luận, đặc biệt là lo ngại tình trạng thuế chồng thuế.
Nhiều ý kiến khác cho rằng việc đánh thuế với mọi căn nhà, mảnh đất như vậy có thể ảnh hưởng không nhỏ đến cơ hội có nhà của người nghèo, cũng như khiến giá bất động sản tăng cao. Bộ trưởng Tài chính khi đó cũng xuất hiện trước báo chí để lý giải rằng thuế này sẽ không ảnh hưởng đến nhu cầu có nhà của người nghèo. Tuy nhiên, Chính phủ sau đó khẳng định, hiện tại chưa xem xét Luật Thuế tài sản và yêu cầu cơ quan soạn thảo nghiên cứu kỹ lưỡng hơn trước khi đưa ra đề xuất.
Bỏ khuyến mại 50% thẻ nạp
Trong năm 2018, Bộ Thông tin & Truyền thông cũng có một số chính sách gây thay đổi lớn tới các nhà mạng và người dùng. Thông tư số 47 được này ban hành năm 2017 nhưng quy định, từ 1/3/2018, nhà mạng chỉ được khuyến mại tối đa 20% với thuê bao trả trước. Riêng các thuê bao trả sau, mức khuyến mại cao nhất là 50%.
Như vậy, các nhà mạng sẽ bị xử phạt nếu khuyến mại vượt mức này trong khi lâu nay họ vẫn thường áp dụng những hình thức tặng tới 50%, 100% giá trị cho thuê bao trả trước khi nạp thẻ.
Cảnh chen lấn xô đẩy để mua thẻ cào trước ngày bị "siết" khuyến mại khủng hồi cuối tháng 2. Ảnh: Anh Minh.
|
Một cơn mưa nạp thẻ đã diễn ra trên khắp cả nước ngay trước thời điểm lệnh "giới nghiêm" có hiệu lực. Các nhà mạng ồ ạt tung khuyến mại không giới hạn số lượng thẻ nạp, áp dụng kể cả với những thuê bao trả trước đã khoá hai chiều. Từ các điểm bán thẻ, cho đến các kênh nạp thẻ trực tuyến đều ghi nhận doanh thu cao chưa từng có. Thậm chí, ở một số nơi còn xảy ra tình trạng xếp hàng, chen chúc.
Nhưng chỉ 4 tháng sau khi chính sách này đi vào cuộc sống, các nhà mạng lại được "cởi trói" nhờ Nghị định số 81/2018 có hiệu lực từ 15/7, quy định trần khuyến mại ở mức 50%, trong đó có mở ra ngoại lệ cho phép doanh nghiệp được khuyến mại lên đến 100% khi theo chương trình của cơ quan Nhà nước chủ trì, hoặc trong các ngày nghỉ lễ và 30 ngày trước tết Âm lịch. Với chương trình khuyến mại nhân dịp Quốc khánh 2/9, các nhà mạng cho rằng đủ điều kiện để họ áp dụng mức khuyến mại 50%. Từ tháng 9, chính sách khuyến mại 50% giá trị thẻ nạp lại được ồ ạt tung ra và nhìn chung không có nhiều thay đổi so với cách trước đây họ vẫn làm.
Thực tế sau khi bị "giới nghiêm", doanh thu của các doanh nghiệp viễn thông sụt giảm mạnh và không dưới một lần qua các kênh khác nhau, từ kiến nghị trực tiếp tại hội nghị cho đến văn bản, các nhà mạng đề nghị cơ quan quản lý "cởi trói".
Chủ thuê bao phải chụp ảnh chân dung
Chỉ hơn một tháng sau "cơn bão" nạp thẻ khuyến mại trước giờ giới nghiêm, các chủ thuê bao lại có những tháng ngày bận rộn để đáp ứng một quy định mới khác.
Chủ thuê bao đến điểm giao dịch của nhà mạng chụp ảnh chân dung hồi tháng 4. Ảnh: Ngọc Thành.
|
Giữa năm 2017, Nghị định số 49/2017 được ban hành trong đó sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định số 25/2011 với nội dung yêu cầu thuê bao bổ sung cả ảnh chụp chân dung chính chủ bên cạnh thông tin về giấy tờ tùy thân. Đồng thời, hạn chót nhà mạng phải thu thập thông tin thuê bao (trong đó có ảnh chân dung) là ngày 24/4/2018. Tuy nhiên, đến đầu tháng 4, các nhà mạng mới cấp tập thực hiện quy định này.
Lo bị phạt, đến gần hạn chót, các nhà mạng liên tục nhắn tin cho chủ thuê bao yêu cầu đến chụp ảnh hoặc cập nhật ảnh qua kênh trực tuyến. Chủ thuê bao sợ bị khoá số cũng đổ xô đến các điểm giao dịch hoặc website, ứng dụng của nhà mạng để "nộp ảnh".
Với khoảng 40 triệu thuê bao phải cập nhật lại thông tin, trong đó có ảnh chân dung, tình trạng xếp hàng chen lấn ở các phòng giao dịch và quá tải tại các kênh trực tuyến diễn ra liên tiếp kéo dài. Kể cả khi các nhà mạng huy động nhân viên làm việc tăng cường cũng như mở thêm quầy lưu động thì có những chủ thuê bao vẫn phải đi lại nhiều lần hoặc cập nhật online tới 10 ngày mới thành công.
Tuy nhiên, sau hơn một năm ban hành chính sách này, đến tháng 10 vừa qua, Bộ Thông tin & Truyền thông lại đề xuất xem xét, bãi bỏ nội dung liên quan việc chụp ảnh với chủ thuê bao. Cơ quan soạn thảo nhận định, việc chụp, bổ sung ảnh thật sự không mang lại ý nghĩa trong công tác quản lý. Nếu tiếp tục yêu cầu các thuê bao, đặc biệt là những người đã có thông tin đầy đủ, chính xác như thuê bao trả sau sẽ tiếp tục gây phản ứng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét