Thoái vốn khỏi BĐS và mới đây nhất là quyết định thoái toàn bộ vốn góp tại Sao Ta liệu có đủ sức giúp Hùng Vương giữ được ngai vàng "Vua cá tra" sau một thời gian dài khó khăn và thua lỗ?
Lịch sử thường chỉ nhớ tới người đứng đầu, các vị trí còn lại, kể từ thứ 2 đều nhanh chóng chìm vào quên lãng. Con cá tra từng mang lại thành công Nam Việt, Vietfish, Agifish hay Bianfishco, nhưng khi Hùng Vương lên sàn chứng khoán vào năm 2009, danh xưng “Vua cá tra” đã gắn liền với doanh nghiệp này. Khi nhắc đến con cá tra, cái tên được nghĩ đến đầu tiên là Hùng Vương.
Tuy nhiên, ngai vàng của Hùng Vương đang bị lung lay. Những khó khăn từ hoạt động kinh doanh, áp lực nợ vay khiến “Vua cá tra” phải vật lộn tìm cách xoay xở. Giữa tháng 8, Hùng Vương đã quyết định sẽ thanh lý 4 khu đất nằm ở những vị trí đắc địa và giải thể Địa ốc An Lạc để thu hồi vốn, chuyển hướng đầu tư. Và mới đây nhất khi bức tranh hoạt động chưa thực sự khởi sắc, Hùng Vương đã quyết định thoái tiếp toàn bộ phần vốn góp tại Thực Phẩm Sao Ta ( Fimex - FMC).
Sao Ta là công ty chủ chốt trong chiến lược tiến sang ngành chế biến tôm của Hùng Vương, đồng thời cũng là công ty đang có hiệu quả kinh doanh tốt nhất trong hệ thống Hùng Vương.
Quyết định bất ngờ này được đánh giá như những nước đi cuối cùng khi “ông vua” đã bị dồn vào thế chân tường. Bởi chỉ mới đầu năm Hùng Vương dù nhận được lời đề nghị từ đối tác Nhật Bản, cũng đã khước từ thương vụ bán Sao Ta với giá 460 tỷ đồng. “Lấy vài trăm tỷ đồng mà để mất đi thương hiệu Sao Ta và mất đi ngành tôm thì không đáng”, ông Minh từng chia sẻ trong ĐHĐCĐ thường niên mới tổ chức và cho biết doanh nghiệp này vẫn nuôi hy vọng phát triển thêm ngành tôm trong tương lai.
Nếu như những tập đoàn lớn phất lên cùng giai đoạn với Hùng Vương “chết” bởi khoác lên tấm áo đa ngành, đầu tư vào bất động sản và tài chính thì câu chuyện của “Vua cá tra” lại nằm ở khía cạnh khác. Tham vọng phát triển nhưng không dự đoán được nhu cầu thị trường, dẫn tới hệ quả là việc sử dụng đón bẩy tài chính quá cao như “con dai 2 lưỡi” đã khiến Hùng Vương lao đao.
Theo bản cáo bạch năm 2009, Hùng Vương khi đó là một trong những doanh nghiệp lớn ngành thủy sản và là doanh nghiệp đứng đầu với riêng dòng sản phẩm cá tra. Có thời điểm kim ngạch xuất khẩu sang 27 nước tại khu vực châu Âu của Hùng Vương đã chiếm 45% toàn thị trường.
Với lợi thế quy mô, hoạt động của Hùng Vương liên tục tăng trưởng mạnh qua những năm sau đó. Từ mức doanh thu hơn 3.100 tỷ đồng vào năm 2009, chỉ sau 2 năm doanh thu của công ty đã tăng hơn gấp đôi lên 7.800 tỷ. Nhu cầu các sản phẩm cá tra không chỉ dừng ở châu Âu, mà cả những khách hàng lớn từ Mỹ và các quốc gia khác cũng tìm đến Hùng Vương.
Sự phất lên nhanh chóng từ hoạt động kinh doanh, một mặt giúp Hùng Vương củng cố vị thế dẫn dầu, nhưng mặt khác lại khiến những người đứng đầu trở nên “mất cảnh giác”. Nhu cầu quá lớn từ thị trường thực tế đã tạo ra sức ép đối với yêu cầu phát triển mở rộng của “Vua cá tra”, điều này khiến ban lãnh đạo công ty phải lựa chọn. Hùng Vương sẽ phát triển một cách từ từ và san sẻ cơ hội với những doanh nghiệp khác, hoặc một mình “ôm” lấy tất cả.
Và tham vọng dẫn đầu khiến Hùng Vương lao vào vay nợ để mở rộng quy mô.
Lựa chọn chiến lược mua bán - sáp nhập (M&A) với những doanh nghiệp có sẵn nền tảng sẵn có là cách thức mà ban lãnh đạo Hùng Vương chọn lựa để không bỏ lỡ cơ hội. Tuy nhiên, việc sử dụng đòn bẩy thực hiện hàng loạt thương vụ M&A nhắm đến mục tiêu trở thành công ty dẫn đầu về lĩnh vực này cũng kéo "vua cá tra" vào vòng xoáy nợ nần.
Sử dụng đến nhiều khoản vay ngắn hạn của nhiều ngân hàng với mức lãi suất 5-7% một năm, tính riêng giai đoạn từ 2012 đến nay khoản nợ của Hùng Vương tăng thêm khoảng 9.500 tỷ đồng. Tỷ lệ gia tăng nợ cũng cao gấp nhiều lần so với mức tăng doanh thu, lợi nhuận và tổng tài sản.
Việc mở rộng bằng đòn bẩy tài chính, theo lý thuyết nếu trong bối cảnh thị trường thuận lợi sẽ khuếch đại chỉ số sinh lời và mang lại lợi ích cho các cổ đông. Nhưng điều này chỉ làm được khi tốc độ tăng trưởng lợi nhuận gộp vượt qua tốc độ tăng của chi phí, đặc biệt là chi phí lãi vay.
Nhưng trường hợp Hùng Vương gặp phải lại ở thế ngược lại. Khi thị trường gặp rủi ro, đòn bẩy tài chính vốn từ lựa chọn mang lại hiệu quả trong giai đoạn tăng trưởng cao sẽ phản tác dụng. Khi tốc độ tăng trưởng lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh không tương xứng với tốc độ tăng của khoản mục lãi vay, lợi nhuận của Hùng Vương dần bị ăn mòn.
Liên tục từ năm 2013 đến nay, lợi nhuận gộp của công ty chỉ tăng từ 985 tỷ lên 1.350 tỷ đồng, nhưng chi phí lãi vay tăng gần gấp đôi từ 247 tỷ lên 470 tỷ đồng. Tính ra chi phí lãi vay của Hùng Vương chiếm 35% lợi nhuận gộp, chưa kể các khoản chi phí khác.
Năm tài chính 2015 (Hùng Vương thay đổi niên độ kế toán nên chỉ tính 9 tháng đầu năm), tác động đã trở nên rõ ràng khi lợi nhuận của Hùng Vương chỉ bằng một phần ba cùng kỳ, dù doanh thu chỉ giảm 17%. Năm 2016, kết quả còn bết bát hơn khi phần lợi nhuận dành cho cổ đông của công ty ghi âm hơn 49 tỷ đồng. Kết thúc năm tài chính 2017 theo niên độ kế toán, Hùng Vương tiếp tục báo lỗ tới 132 tỷ đồng, gấp gần 3 lần số lỗ 49 tỷ đồng trong năm 2016.
Đến cuối quý III/2017, dù đã rao bán hàng loạt khu đất tại TP HCM nhưng Hùng Vương vẫn đang treo con số nợ lên đến 10.863 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay ngắn hạn chiếm 7.016 tỷ đồng, chỉ giảm nhẹ so mức 7.649 tỷ đồng của đầu kỳ, còn nợ vay dài hạn vẫn còn 888 tỷ.
Những lời hứa về việc cơ cấu lại nguồn vốn, giải phóng hàng tồn kho đưa doanh nghiệp có lãi trở lại đã không trở thành hiện thực. Quyết định mới đây về việc thoái vốn khỏi Sao Ta cũng phần nào cho thấy bức tranh u ám của “Vua cá tra”. Ngai vàng bị lung lay, liệu có giữ lại được sẽ là bài toán cho Hùng Vương giải quyết, dù lời giải không dễ thực hiện.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét