Thứ Hai, 18 tháng 12, 2017

Hết World Bank lại đến ADB thay đổi quan điểm, tăng trưởng kinh tế Việt Nam ngoạn mục khiến nhiều dự báo trở nên lạc hậu?


Từ mức dự báo tăng trưởng 6,3%, hai tổ chức quốc tế là World Bank và ADB đều tăng thêm 0,4 điểm phần trăm cho GDP Việt Nam. Theo đó, dự báo mới củng cố mục tiêu tăng trưởng mà Chính phủ đề ra sẽ đạt được.






Những tin tức này được đưa ra khi chỉ còn 17 ngày nữa năm 2017 sẽ kết thúc. Trước đó, dù ghi nhận các tín hiệu lạc quan từ nền kinh tế của Việt Nam, nhưng World Bank và ADB vẫn bảo lưu quan điểm đưa ra từ đầu năm, thậm chí ngay cả sau báo cáo hết quý III đầy lạc quan từ Tổng cục Thống kê, là Việt Nam sẽ không đạt được mục tiêu GDP đề ra. Đến nay, gió đã đổi chiều.

Ngày 11/12, tại Công bố báo cáo Điểm lại tình hình kinh tế Việt Nam, Word Bank nói rằng sức cầu trong nước mạnh hơn, các ngành chế biến, chế tạo định hướng xuất khẩu đạt kết quả tốt, ngành công nghiệp đang từng bước phục hồi,... là các yếu tố tạo động lực mới cho nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,4% trong 9 tháng so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, tổ chức này dự báo GDP Việt Nam sẽ “về đích” 6,7% trong năm.

2 ngày sau, ngày 13/12, đến lượt ADB “nói khác” và đưa ra kết quả như Word Bank với các lý do tương tự. Theo đó, nông nghiệp phục hồi hay công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh mẽ... nhờ đó, “át” đi được những sụt giảm trong lĩnh vực khai khoáng.

Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế Quốc hội từng hài hước nói rằng: “Kinh tế Việt Nam tăng trưởng ngoạn mục khiến cho nhiều dự báo trở nên lạc hậu”. Ông Kiên cũng cho rằng thực tế Việt Nam đang tăng trưởng dưới tiềm năng mà nếu “cởi trói được” thì con số sẽ không chỉ dừng lại ở mức 7,46% - tăng trưởng quý III, từng khiến người ta ngỡ ngàng.

Quan điểm này trên thực tế cũng trùng lặp với ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương. Không dưới một lần, ông Cung cho biết tiềm lực của Việt Nam có thể tăng trưởng đạt 8 – 9% thay vì “loay hoay” với mức 6 – 7% như hiện nay.

Những dư địa cho tăng trưởng được ông Cung đề cập cần cải thiện lần lượt là kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân, giải ngân vốn FDI và giảm phí cho doanh nghiệp.

Các dư địa này còn rất lớn, theo ông Cung, đơn cử như việc chỉ cần giảm được 1 điểm phần trăm trong phí logistic (đang chiếm gần 21% GDP) nền kinh tế sẽ có thêm được 4 tỷ USD.

“Tiềm năng tăng trưởng nằm trong tầm tay của Chính phủ, chỉ cần chính sách đúng là có thể đạt 8 - 9% GDP chứ ko phải 6,7% mà hết sức chật vật hiện nay”, ông Cung khẳng định.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét