Thứ Tư, 20 tháng 12, 2017

Thái Lan trong công cuộc "đổ tiền" ra nước ngoài


“Tôi cho rằng các tập đoàn Thái Lan đã tăng trưởng đến mức mà thị trường trong nước không đủ để đáp ứng họ. Bởi vậy mở rộng ra thị trường quốc tế là chiến lược mới hiển nhiên cho tăng trưởng”, Giáo sư Pavida Pananond của trường đại học TBS ở Bangkok cho hay.






Mới đây, giới đầu tư Anh đã có một phen xôn xao khi khách sạn Minor Hotels của Thái Lan mua lại chuỗi nhà hàng và khách sạn Corbin & King với giá 57 triệu Bảng. Thông báo về vụ mua lại này được đưa ra cùng ngày với tin tập đoàn Thai Beverage (ThaiBev) tuyên bố trở thành nhà đấu thầu cuối cùng cho thương vụ mua lại hãng bia Sabeco của Việt Nam.

Theo đó, hãng bia ThaiBev đã liên kết với đối tác để bỏ thầu 4,8 tỷ USD cho 53% cổ phần của Sabeco.

Phần lớn những tập đoàn Thái Lan thực hiện các thương vụ sáp nhập hiện nay không được biết đến nhiều trên thị trường quốc tế. Lĩnh vực kinh doanh của các công ty này khá đa dạng, từ sản xuất xi măng cho đến thực phẩm hay kinh doanh ngân hàng. Mục tiêu chính của những hãng này là mở rộng thị trường cạnh tranh, đa dạng hóa ngành nghề cũng như tìm hướng đi mới đối phó với nền kinh tế Thái Lan đang bị ảnh hưởng bởi địa chính trị.

Mặc dù chính quyền Bangkok đã cam kết sẽ tổ chức một cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11/2018 nhưng những nghi ngờ về nền kinh tế trong ngắn hạn đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh trong nước.





“Tôi cho rằng các tập đoàn Thái Lan đã tăng trưởng đến mức mà thị trường trong nước không đủ để đáp ứng họ. Bởi vậy mở rộng ra thị trường quốc tế là chiến lược mới hiển nhiên cho tăng trưởng”, Giáo sư Pavida Pananond của trường đại học TBS ở Bangkok cho hay.

Không riêng gì Thái Lan, công ty của các nước như Malaysia và Singapore cũng đang hướng đến thị trường nước ngoài. Phần lớn các thương vụ này nhắm đến thị trường Việt Nam, Myanmar, Campuchia hay những nước Đông Nam Á khác bởi ở đó chi phí nhân công thấp nhưng tăng trưởng kinh tế lại khá tốt.

Đối với các tập đoàn Thái Lan, họ không chỉ chú ý đến những thương vụ trong khu vực mà còn nhắm đến các thị trường Phương Tây như Châu Âu hay Mỹ. Số liệu của Dealogic cho thấy các hãng Thái đã tham gia 50 vụ mua bán và sáp nhập (M&A) năm 2016 với tổng giá trị 5,6 tỷ USD. Từ đầu năm đến nay, các tập đoàn này cũng đã thak gia 59 thương vụ M&A ở nước ngoài với tổng trị giá 2,8 tỷ USD, chưa bao gồm 2 thương vụ của ThaiBev và Minor Hotels. Nếu tính tổng cộng, hiện con số này đã đạt tới 7,6 tỷ USD cho năm 2017.

Vào tháng 11/2017, tập đoàn bất động sản Sansiri đã tuyên bố đầu tư 80 triệu USD cho thị trường nước ngoài, bao gồm từ kinh doanh khách sạn cho tới tạp chí thời trang. Không chịu kém cạnh, tập đoàn sản xuất cá ngừ đóng hộp lớn nhất thế giới của Thái Lan, Thai Union cũng đầu tư 575 triệu USD vào chuỗi nhà hàng Red Lobster tại Mỹ, đồng thời đấu thầu tới 1,5 tỷ USD cho thương hiệu Bumble Bee.


Trong khi đó, tập đoàn lớn nhất của Thái Lan là Charoen Pokphand đã hướng đến đầu tư ở thị trường Trung Quốc từ rất sớm và hiện đã định hình được là một thương hiệu toàn cầu, Hiện công ty đang kinh doanh mảng giết mổ gia cầm ở Ba Lan, chăn bò sữa và nuôi lợn ở Nga, nuôi trồng thủy sản cũng như trồng trọt ở Việt Nam. Vào năm 2016, hãng đã bỏ ra 1,1 tỷ USD để mua hãng sản xuất hàng đông lạnh Bellisio của Mỹ.

Theo đại sứ quán Thái Lan tại Mỹ, các tập đoàn nước này đã đổ tới 1,6 tỷ USD năm 2016 vốn FDI vào nền kinh tế số 1 thế giới.

Những động thái trên của các công ty Thái Lan không hề trái với mong muốn của chính quyền Bangkok, ngược lại chính phủ đang thúc đẩy các doanh nghiệp tích cực mở rộng thị trường ra nước ngoài. Với dân số đang già hóa và tình hình bất ổn chính trị, chính quyền Bangkok mong muốn một động lực mới nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hướng các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ và tự động hóa.



Bia Sài Gòn (Sabeco), một trong những thương hiệu của Việt Nam đang bị Thái Lan mua lại

Thái Lan hiện đang thực hiện kế hoạch “Hành lang kinh tế phương Đông” (EEC) với việc bỏ 43 tỷ USD đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như công nghiệp cho 3 tỉnh miền đông của nước này với định hướng thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình cũng như sự phụ thuộc vào các ngành sản xuất kỹ thuật thấp.

“Chúng tôi cần động lực mới để tăng trưởng thêm nữa. Chúng tôi cho rằng các công ty cần nâng tầm hoạt động của mình trong chuỗi sản xuất, đồng thời di chuyển vốn sang các nước láng giềng để đầu tư và đây chính là những gì đang diễn ra hiện nay”, chủ tịch Somkiat Tangkitvanich của Viện TDRI ở Bangkok nói.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét