01
Từ nhỏ Hải Phan đã nổi tiếng là một câu bé khôi ngô tuấn tú và trí thông minh thiên bẩm. Vì sinh ra trong gia đình thầy thuốc gia truyền, cậu có năng khiếu đặc biệt về y thuật. Học đại học y, rồi làm nghiên cứu sinh ngành đông y là lựa chọn hợp lý và dễ hiểu của cậu.
Sau khi tốt nghiệp, Hải Phan được nhận vào một bệnh viện lớn trong thành phố. Công tác 2, 3 năm, Hải Phan có thành tích tốt, lại thông minh, sáng láng, cậu dần dần có danh tiếng trong giới đông y, một số bệnh nhân vì ngưỡng mộ mà tìm đến cậu chữa bệnh.
Một lần, đạo diễn của một đài truyền hình đến khám bệnh, đúng lúc Hải Phan đang trực ban. Đạo diễn thấy Hải Phan "ăn hình", lại mang nét đẹp rất riêng, cũng vừa hay nhà đài đang quay phim tài liệu, cần một biểu tượng bác sĩ. Ông liền mời Hải Phan diễn xuất. Hải Phan vui vẻ nhận lời. Cậu diễn xuất khá tốt trước ống kính. Sau này, đài truyền hình còn làm thêm chuyên mục "sức khỏe và cuộc sống", vì không tìm được MC vừa có chuyên môn, lại ngoại hình tuấn tú nên đạo diễn nọ mời Hải Phan thử sức.
Đây là một việc quá hấp dẫn đối với Hải Phan. Hàng ngày cậu vẫn nhìn thấy những MC xinh trai, đẹp gái qua màn hình tivi, cậu ngưỡng mộ sự hiểu biết, tài ăn nói của họ. Không ngờ giờ đây bản thân đứng trước cơ hội được trở thành một MC của đài truyền hình danh giá. Hải Phan cực kỳ hứng thú và hiểu rằng, công việc MC mảng y tế, dù vẫn liên quan tới y học nhưng MC của đài truyền hình khác hoàn toàn với công việc của một bác sĩ ở bệnh viện. Đồng nghĩa, nếu theo đuổi con đường làm MC, cậu sẽ phải chuyển nghề. Thử thách mới quá hấp dẫn, Hải Phân nhận lời mời của vị đạo diễn kia.
Buổi đầu quay thử thành công. Và như thế, Hải Phan lắc mình một cái, từ một bác sĩ xem mạch chữa bệnh biến thành một MC thao thao bất tuyệt trên truyền hình. Áp lực làm truyền hình rất lớn, nhưng cảm giác thành công đó là chưa từng có. Cậu bận rộn nạp năng lượng, học phát âm, tăng tốc nhịp sống để thích ứng với công việc. Từ một người sống yên bình với áo blouse trắng và các vị thuốc đông y, giờ đây, cậu đã trở thành một người "nổi hình, nổi tiếng".
Đài truyền hình là nơi như thế nào? Những chàng trai sáng láng, ngoại hình đẹp nhiều không đếm xuể, nhân tài như nước chảy. Nếu như ở bệnh viện Hải Phan vô cùng xuất chúng, vô cùng nổi bật, thì khi vào đài truyền hình, cậu chìm lấp giữa đám đông.
Cậu cũng dần dần cảm thấy công việc làm MC không phát huy được tài năng như thời còn là bác sĩ. Mỗi lần làm tiết mục cậu đều phải vắt kiệt tâm trí, tim đập chân run, dường như ngày ngày đều đang bò trên một quả núi chót vót nhìn không thấy đỉnh.
Nhưng dù cố gắng thế nào đi nữa, lãnh đạo đài truyền hình vẫn không hài lòng, chê cậu không bắt mắt trước ống kính, chê giọng nói cậu quê mùa… Từ dung mạo cho đến năng lực ứng đối, rồi đến tố chất chuyên nghiệp, ông đều chỉ chấm Hải Phan điểm trung bình. Mỗi lần họp thẩm định phim, hết thảy mọi ý kiến đều té tát đổ vào mặt vào thân cậu.
Trước những lời chỉ trích và bới móc này, Hải Phan thực sự u uất muốn ra đi. Kỹ năng có thể học hỏi dần dần, nhưng có những thứ không thể dựa vào nỗ lực như giọng nói, tài ứng biến... Nên cảm giác khó chịu cứ đeo bám trong lòng.
Hải Phan nhớ những ngày làm bác sĩ trước đây, thật vui vẻ, được "là chính mình" biết bao nhiêu. Bởi đã tích lũy chuyên môn từ nhỏ đến lớn, lại có tư chất bẩm sinh đối với y học, cộng thêm vẻ ngoài tuấn tú, thông minh, nên cả người bệnh và lãnh đạo đều đánh giá, ghi nhận cậu. Đó mới là miền đất thuộc về cậu. Giá như… nếu cứ ở đó, thì cuộc đời cậu giờ sẽ hạnh phúc hơn hiện tại trăm lần.
Trong một lần đi bar uống rượu với bạn cũ, Hải Phan đau khổ ôm đầu, nói trong bất lực:"Những tưởng tôi sẽ là một thiên lý mã tung hoành giữa thảo nguyên, nào ngờ lại chọn nhầm nơi tung vó. Tới bây giờ muốn quay đầu lại, không biết phải rẽ hướng nào".
Tâm trạng của Hải Phan không khó hiểu, giống như thiên lý mã tung hoành trên thảo nguyên non xanh bát ngát, được sống đúng bản năng ưa tự do của mình. Bỗng nhiên người kỵ sĩ phát hiện nó có khả năng chịu rét, chịu khát, chạy đường xa không mệt. Kỵ sĩ không đứng vững trước cám dỗ, bèn liều mình dấn thân vào sa mạc mênh mông hằng mong ngóng.
Nhưng thiên lý mã trên sa mạc sao có thể là đối thủ của lạc đà? Ưu thế của thiên lý mã bị vùi lấp, trở thành con vật kém nhất trong đoàn lạc đà. Nhưng đợi đến khi nó thừa nhận mình không phải sinh ra để tung hoành trên sa mạc, thì thân nó đã ở giữa biển cát mênh mông vô tận rồi, chẳng thể quay lại thảo nguyên xưa được nữa. Lúc này, kỵ sĩ mệt mỏi, lạc lõng và thiên lý mã cũng đã bơ vơ giữa bốn bề cát phủ. Biết là sai, là lạc lối nhưng không thể quay đầu.
Thực tế, tôi gặp không ít người ưu tú cả đời tất bật mà không làm nên thành tựu nào. Họ không hiểu rõ bản thân, cũng không hiểu rõ thế giới, không biết điểm mạnh nhất của mình ở đâu, cũng không kiên trì công việc mà mình có sở trường.
Cuối cùng họ trở thành thiên lý mã trên sa mạc, để rồi có tài mà không được trọng dụng, kỳ thực là chọn sai con đường…
02
Đây là một câu chuyện khác, về một người có điều kiện để phát triển trở thành người ưu tú, nhưng đã không biết nắm bắt, không biết tận dụng.
Chẳng là, tháng rồi, tôi có dịp được trò chuyện với một anh bạn cũ lâu ngày không gặp. Anh đang thất nghiệp, nên chủ động liên lạc gặp tôi để tâm sự nỗi lòng không biết tỏ cùng ai.
Quả thật, bản thân tôi cũng khá ngạc nhiên, khi anh đã ngoài 30 tuổi mà vẫn không biết... đi làm là gì, dù anh xuất thân trong một gia đình cực kỳ khá giả và có hàng tá bằng cấp trong tay: bằng cử nhân quản trị kinh doanh và bằng thạc sĩ kinh tế ở một trường ĐH cũng khá có tiếng ở Mỹ, bằng cử nhân thiết kế ở một trường tư có tiếng ở Singapore và nhiều chứng chỉ khác. Nhờ bố mẹ làm to và giàu có, nên anh có thể du học nước ngoài và lấy những tấm bằng danh tiếng...
Anh kể rằng anh đã từng bỏ kinh doanh để theo học thiết kế đồ họa ở Singapore vì anh thấy kinh doanh khô khan quá, anh không thích. Nhưng đến hồi học thiết kế ra xong, anh nói anh lại thấy nó...sao sao ấy, chẳng biết làm gì với tấm bằng.
Tôi hỏi anh: "Bố mẹ chắc chắn thừa sức cho anh một vị trí trong công ty của hai bác, chứ sao mà thất nghiệp được?"
"Anh làm thử rồi," – anh trả lời – "nhưng chán quá em ơi. Giấy tờ thì tùm lum, còn công việc thì toàn những vấn đề đâu đâu, không giống những gì học trong trường. Anh ghét quá, nên mới bỏ kinh doanh theo học design đó."
Tôi hỏi tiếp: "Vậy sao anh không vác bằng cử nhân thiết kế đi xin việc? Nghề đó bây giờ vẫn hot mà."
"Anh thích thiết kế, nhưng tình hình nản quá. Xin hết chỗ này đến chỗ kia mà ai cũng đòi kinh nghiệm làm việc, nên giờ vẫn thất nghiệp nè."
"Vậy cuối cùng, anh thích cái gì? Đâu mới là công việc anh muốn, là đam mê của anh?"
"Anh không biết. Sao anh thích cái nào, thì cái đó cũng khó hết á!"
Cuộc nói chuyện của chúng tôi không dừng lại ở đó. Anh than rằng thực tế sao mà chẳng giống những gì học trong trường, rằng người ta không nhìn thấy tài năng của anh, rằng học trường danh tiếng xong mà vẫn... không biết làm gì.
"Anh tưởng mình cứ học thì sẽ biết mình muốn gì.
Vậy mà đến giờ..." – anh thở dài.
Sau 10 năm học hành liên miên và tốn kém biết bao nhiêu thời gian và tiền bạc, con đường sự nghiệp của anh vẫn là con số 0 tròn trĩnh. Bố mẹ anh đã ra tối hậu thư cho anh: hoặc họ sẽ cắt đứt việc chu cấp để anh phải tự đi kiếm việc làm và độc lập về tài chính như một người đàn ông 30 tuổi thực thụ; hoặc anh phải trở lại công ty của gia đình, bắt đầu từ vị trí khiêm tốn nhất và làm những gì hai bác yêu cầu – một công việc mà anh "không thích tí tẹo nào" và vốn đã phát ngấy từ lâu. Anh bạn tôi thực sự trầm cảm và bế tắc...
Trong tận đáy lòng, tôi thực sự... "bó tay" trước những câu trả lời của anh bạn mình. Rõ ràng anh bạn tôi là người có nền tảng gia đình thuận lợi, được trang bị kiến thức tốt và hoàn toàn có thể phát triển để trở thành một người ưu tú, thành đạt. Nhưng, anh bạn ấy chưa hề nỗ lực hết mình cho bất cứ việc gì cả. Anh ấy chẳng thích thứ gì đến mức để quyết tâm hành động vì điều đó. Kiểu người không có ý chí, nghị lực và định hướng thế này, tôi thực sự vừa thấy giận dữ, vừa tiếc nuối.
Thực ra xã hội biến hóa đến bước này, phân công công việc đã vô cùng chuyên sâu, không cho phép con người đứng núi này trông núi khác, nước đến chân mới nhảy. Chúng ta phải dùng sở trường nhất của mình, dùng thời gian nhiều nhất, tinh lực lớn nhất để sáng tạo, như thế mới có khả năng đạt được điều mong đợi. Đó là cách tốt nhất để giúp bạn vươn lên trở thành người thực sự lợi hại.
Bởi vậy bạn ạ, trước khi đưa ra lựa chọn cho mình, về bất cứ việc gì, bạn hãy tự vấn bản thân 3 điều sau:
- Năng lực của bản thân mình tới đâu, lựa chọn này có thực sự phù hợp đường dài hay không?
- Khi đã lựa chọn rồi, bản thân có đủ can đảm, lòng kiên trì để dồn toàn tâm toàn lực đi theo con đường đó không?
- Các tình huống dự phòng, bản thân đã chuẩn bị sẵn chưa? Đừng để bị dồn vào chân tường mới loay hoay tìm hướng thoát hiểm.
Chúc bạn sẽ trở thành người ưu tú, đi đúng hướng, chọn đúng đường!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét