1. Thu nhập bình quân đầu người tăng hơn gấp đôi
Năm 2008, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam là 1.024 USD và tăng trưởng kinh tế đạt 6,23%. Tính đến cuối tháng 12 năm 2018, thu nhập bình quân của người Việt Nam đã tăng hơn gấp đôi lên 2.540 USD, và đạt mức tăng trưởng kỷ lục 7,08%.
2. Giảm bớt tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu nền kinh tế
Bằng những nỗ lực phát triển công nghiệp dịch vụ và giảm sự lệ thuộc vào yếu tố nông nghiệp, hiện nay, ngành công nghiệp và dịch vụ đã chiếm chủ yếu trong cơ cấu kinh tế Việt Nam.
3. Tăng cường vốn đầu tư tư nhân
Các con số cho thấy khu vực tư nhân đã tham gia ngày càng tích cực vào đầu tư vốn phát triển xã hội. Năm 2008, do ảnh hưởng bởi hiệu ứng gia nhập WTO của Việt Nam năm 2007 nên dòng vốn FDI vào Việt Nam tăng lên đột biến, sau đó dần ổn định lại đến nay chiếm khoảng 25% vốn toàn xã hội.
4. Cải thiện cán cân thương mại
Sau 10 năm, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng gần gấp 4 lần, kim ngạch nhập khẩu tăng gấp 3 lần. Cán cân thương mại đã được cải thiện, không còn tình trạng thâm hụt.
5. Đô thị hóa
Hiện nay dân số Việt Nam có tới 35,7% là dân thành thị, trong khi đó 10 năm trước con số này chỉ là 27,9%. Có hai nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng này. Trước hết là hệ quả của quá trình đô thị hóa nông thôn và mở rộng đô thị, sau đó là do người dân ở khu vực nông thôn di cư vào các thành phố lớn để tìm kiếm cơ hội việc làm.
6. Giao dịch ngân hàng, thanh toán trực tuyến
Trước đây, người dân muốn chuyển tiền hoặc sử dụng nhiều dịch vụ thanh toán khác đều phải đến thực hiện giao dịch trực tiếp tại ngân hàng. Nhưng hiện nay, với sự phát triển của hệ thống giao dịch và thanh toán trực tuyến e-banking, tất cả mọi người đều có thể giao dịch và thanh toán chỉ với một chiếc điện thoại smartphone, rất tiện lợi, chính xác và nhanh chóng.
7. Đầu tư cho thế thao nghiêm túc và chuyên nghiệp hơn
Đội tuyển Việt Nam đã phải chờ 10 năm để có thể nâng chiếc cúp vô địch lên một lần nữa. Nhưng có lẽ tất cả người hâm mộ đều hiểu rằng hiện nay chính phủ đã đầu tư cho thể thao một cách nghiêm túc và chuyên nghiệp như thế nào. Có thể thấy được sự tiến bộ một cách vượt bậc của đội tuyển quốc gia Việt Nam so với 10 năm trước cả về năng lực và vị thế trên đấu trường khu vực và quốc tế.
8. Mạng xã hội
Người dân Việt Nam cách đây 10 năm chủ yếu vẫn còn sử dụng mạng Yahoo để trò chuyện, gửi mail, hoặc tìm kiếm thông tin. Không may cho Yahoo, sự xuất hiện của Facebook đã khiến người dùng dần đưa Yahoo vào quên lãng. Hiện nay, Facebook là mạng xã hội phổ biến nhất Việt Nam với ước tính 58 triệu người dùng, đây cũng là con số đưa Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 7 về lượng người dùng Facebook.
9. Điện thoại thông minh
Những chiếc điện thoại thông minh đầu tiên ở Việt Nam đã xuất hiện từ năm 2008, tuy nhiên ở thời điểm đó, mẫu smartphone tối tân nhất được cho là chiếc iPhone 3G. Hiện nay, Apple thậm chí đã không còn đánh số cho mẫu điện thoại của mình nữa. Chiếc smartphone được cho là tối tân nhất hiện nay là iPhone XS Max.
Nếu như trong tại thời điểm 2008, số lượng hãng điện thoại smartphone có thể đếm trên đầu ngón tay thì sau 10 năm đã xuất hiện rất nhiều hãng điện thoại mới tràn vào Việt Nam: ngoài Apple và Samsung, HTC, Sony, sự trở lại của Nokia thì cũng không thể không kể đến Oppo, Xiaomi, Huawei của Trung Quốc – quốc gia với tham vọng chiếm lĩnh thị trường công nghệ thế giới, cùng vô vàn các hãng khác đã thâm nhập vào thị trường Việt Nam.
10. Di chuyển bằng xe ôm vẫn rất phổ biến
Năm 2008 người Việt đi xe ôm, thì năm 2018, người Việt cũng vẫn đi xe ôm. Tuy nhiên, xe ôm truyền thống hầu như đã bị thay thế toàn bộ bởi lực lượng hùng hậu các tài xế tự do sử dụng ứng dụng lái xe chia sẻ. Mới đầu, chỉ có Grab và Uber là hai ứng dụng gọi xe phổ biến nhất, tuy nhiên sau đó Grab đã thâu tóm Uber. Giờ đây, GoViet, Bee – các hãng gọi xe thuần Việt cũng đã vào cuộc chiến. Bên cạnh đó, sự phát triển của cả dịch vụ mua hàng trực truyến, thương mại điện tử cũng góp phần thúc đẩy các dịch vụ vận chuyển và vận tải hành khách tăng trưởng rất nhanh chóng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét