Chỉ số PCI 2018 đạt mức cao nhất kể từ khi Ban tổ chức bắt đầu thực hiện báo cáo năm 2005. Trong đó, Quảng Ninh tiếp tục giữ được vị trí quán quân. Đà Nẵng, sau khi bị rớt xuống vị trí thứ 2 hồi năm ngoái, năm nay rớt xuống vị trí thứ 5, đứng sau cả Đồng Tháp, Long An, Bến Tre.
Theo Báo cáo thường niên Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2018, Quảng Ninh đứng đầu bảng xếp hạng với 70,36 điểm trên thang điểm 100. Kế đến là Đồng Tháp (70,19 điểm), Long An (68,09 điểm), Bến Tre (67,67 điểm).
Đà Nẵng - thành phố từng giữ vị trí quán quân liên tiếp 4 năm trong giai đoạn 2013 - 2016 - đã rớt hạng xuống vị trí thứ 5, sau khi bị Quảng Ninh vượt lên trên hồi năm ngoái.
Các tỉnh, thành phố tiếp theo trong Top 10 tỉnh thành dẫn đầu gồm Bình Dương, Quảng Nam, Vĩnh Long, Hà Nội và TPHCM.
Chỉ số PCI của 63 tỉnh thành.
Các địa phương nằm trong nhóm xếp hạng cao còn có Cần Thơ, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Tây Ninh, Bắc Ninh, Hải Phòng, Khánh Hoà, Thái Nguyên, Nghệ An và Bình Định…
TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho biết: "Năng lực cạnh tranh quốc gia Việt Nam phần lớn sẽ được quyết định bởi chất lượng điều hành và sự thuận lợi của môi trường kinh doanh cấp tỉnh. Do vậy, sự năng động, tiên phong của lãnh đạo địa phương, sự chuyên nghiệp, mẫn cán của bộ máy công chức các tỉnh, thành phố đang quyết định tốc độ và đường hướng phát triển của Việt Nam trong thời gian tới. Chỉ số PCI chính là sự cổ vũ mạnh mẽ của cộng đnogf doanh nghiệp cho sự chuyển đổi mạnh mẽ từ cấp địa phương tại Việt Nam".
Điều tra PCI năm 2018 cho thấy một số lĩnh vực của môi trường kinh doanh có thay đổi tích cực hơn so với năm 2017. Chi phí không chính thức tiếp tục được cắt giảm, môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp tư nhân có xu hướng bình đẳng hơn và cải cách hành chính đang chuyển biến rõ nét.
Tuy nhiên, kết quả điều tra cho thấy các doanh nghiệp kỳ vọng chính quyền cần nâng cao tính minh bạch của môi trường kinhd oanh, tăng chất lượng đào tạo lao động, cải thiện dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và tạo thuận lợi hơn nữa trong việc thực hiện các thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh, đặc biệt là nhóm thủ tục về đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, quản lý thị trường, giao thông và xây dựng…
"Năm nay, chỉ số PCI đạt mức cao nhất kể từ khi chúng ta bắt đầu thực hiện báo cáo năm 2005", Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink phát biểu và cho biết USAID sẽ tiếp tục gia hạn dự án PCI thêm 3 năm nữa.
PCI 2018 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ hơn 12.000 doanh nghiệp, trong đó có gần 11.000 doanh nghiệp dân doanh đang hoạt động tại 63 tỉnh thành và trên 1.500 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại 20 địa phương tại Việt Nam.
Triển khai xây dựng và công bố từ năm 2005, PCI là một bộ chỉ số bao gồm nhiều chỉ số thành phần như chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, tính năng động của chính quyền địa phương, môi trường cạnh tranh bình đẳng, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự. PCI do một nhóm chuyên gia trong và ngoài nước của VCCI thực hiện với sự hỗ trợ của USAID.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét