Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, HAG) vừa công bố BCTC hợp nhất và tổng hợp 2018 kiểm toán, trong đó kiểm toán tiếp tục nhấn mạnh sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn.
Tính đến ngày 31/12/2018, HAGL còn lỗ lũy kế hơn 36 tỷ đồng, nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn. Đồng thời, Tập đoàn năm qua cũng vi phạm một số điều khoản của khoản vay và trái phiếu.
Theo đó, BCTC hợp nhất kiểm toán 2018 của HAGL tiếp tục được lập trên giả định hoạt động liên tục, tức kiểm toán giả định Tập đoàn có thể sử dụng các tài sản và thanh toán các khoản nợ phải trả trong hoạt động kinh doanh bình thường ở tương lai gần.
"Thiếu" tài sản đảm bảo liên quan đến cao su, cọ, bò… tại các khoản vay và trái phiếu
Vay Thaco và bầu Đức hơn 1.500 tỷ đồng: hiện Tập đoàn đang vay ngắn hạn ngân hàng gần 913 tỷ đồng, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn lưu động. Được biết, các khoản vay này chịu lãi suất thả nổi và được đảm bảo bằng quyền sử dụng đất, nhà xưởng và văn phòng, máy móc thiết bị, vườn cao su và vườn cây cọ dầu của Tập đoàn.
Đồng thời, Tập đoàn cũng đang vay một số cá nhân với tổng giá trị vay ngắn hạn gần 1.427 tỷ đồng, trong đó vay nợ Thaco 746 tỷ và vay Bầu Đức 613 tỷ. Cùng với đó, Tập đoàn cũng đang vay dài hạn cá nhân Bầu Đức 130 tỷ đồng.
Thứ hai liên quan đến phát hành trái phiếu, HAGL đã phát hành tổng cộng hơn 10.983 tỷ đồng trái phiếu thường.
Đáng chú ý, tính đến ngày 31/12/2018 và ngày lập BCTC hợp nhất này, diện tích trồng cây cao su thực tế tại các công ty con của Tập đoàn là 44.497 ha, nhỏ hơn 70.643 ha đã đăng ký trong hợp đồng đặt mua trái phiếu 1.394 tỷ đồng với trái chủ là VPBank.
Hơn nữa, hệ số thanh toán hiện hành của Tập đoàn nhỏ hơn 1, vi phạm quy định đặt mua trong hợp đồng trái phiếu 300 tỷ đồng với trái chủ là CTCP Việt Golden Farm là hệ số này phải lớn hơn 1.
Thứ ba, về các khoản vay dài hạn, Tập đoàn đang sử dụng vốn phục vụ vốn lưu động, tài trợ cho các dự án vườn cao su, vườn cây cọ dầu và cây ăn trái của HAGL.
Tổng giá trị vốn vay dài hạn ngân hàng tính đến cuối năm 2018 xấp xỉ 6.143 tỷ đồng (vay dài hạn đến hạn trả ghi nhận 1.538 tỷ đồng), Tập đoàn đang sử dụng diện tích cao su, vườn cọ, bò, bất động sản và hoa màu, trái cây hình thành trong tương lai để đảm bảo các khoản vay.
Trong đó, tính đến ngày 31/12/2018 và ngày lập BCTC hợp nhất, diện tích cao su thực tế Tập đoàn trồng là 14.825 ha, chưa tuân thủ cam kết trong hợp đồng tín dụng hơn 576 tỷ đồng với ngân hàng BIDV – chi nhánh Bình Định là 17.950 ha.
Diện tích trồng cây cọ của Tập đoàn thực tế hơn 4.875 ha, chưa tuân thủ cam kết trong hợp đồng tín dụng 887,5 tỷ đồng với ngân hàng HDBank – chi nhánh Đồng Nai là 6.653 ha. Cùng với đó, Tập đoàn hiện đã thanh lý toàn bộ số bò, không đảm bảo số lượng 14.219 con bò làm tài sản đảm bảo theo quy định của hợp đồng tín dụng 349 tỷ đồng với ngân hàng Lào – chi nhánh Attapeu. Cùng một số vi phạm về giá trị tài sản đảm bảo liên quan đến diện tích cọ dầu, cao su, giá trị đàn bò tại một số hợp đồng vay khác.
Kiểm toán tiếp tục ngoại trừ với khoản phải thu Đầu tư Bất động sản An Phú
Song song, kiểm toán còn ghi nhận ý kiến ngoại trừ liên quan đến khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn với Đầu tư Bất động sản An Phú với tổng giá trị gần 7.796 tỷ đồng (giảm 1/4 so với con số tại ngày 31/12/2017 là 10.570 tỷ đồng). Theo đó, kiểm toán cho biết chưa đủ bằng chứng để xác định khả năng thu hồi tổng số dư tính đến ngày 31/12/2019 gần 2.593 tỷ đồng.
Ghi nhận trong năm 2018, HAGL đã thu hồi hơn 1.066 tỷ đồng cho vay từ An Phú, và cấn trừ công nợ gần 197 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/12/2018, tổng cộng nợ phải thu nhóm An Phú gần 7.796 tỷ đồng, trong số đó giá trị phải thu cho vay dài hạn lên đến 6.096 tỷ đồng. Được biết, nhóm An Phú liên quan đến 15 công ty khác, tập trung giá trị phải thu trọng yếu tại hai đơn vị là Chăn nuôi Gia Lai với 4.551 tỷ đồng và CTCP Lê Me với 1.556,5 tỷ đồng.
Đặc biệt, tại ngày lập BCTC hợp nhất, tất cả các khoản phải thu liên quan đến nhóm An Phú như nêu trên đã được bảo lãnh bởi tài sản riêng của Bầu Đức và tài sản của một số cá nhân, công ty liên quan khác.
Lợi nhuận sau thuế 2018 tăng nhẹ, lỗ lũy kế giảm mạnh sau kiểm toán
Theo BCTC Hợp nhất 2018, doanh thu Tập đoàn đạt 5.388 tỷ đồng, tăng hơn 11% so với thực hiện năm 2017, lợi nhuận gộp tương ứng tăng gần ngàn tỷ đồng.
Tuy nhiên, gánh nặng chi phí lãi vay chưa thiên giảm nhiều, ghi nhận đến 1.533 tỷ đồng, đồng thời phát sinh khoản lỗ khác hơn 893 tỷ (năm 2017 lỗ khác chỉ hơn 399 tỷ đồng); kết quả là lợi nhuận sau thuế hợp nhất Tập đoàn còn 6,2 tỷ đồng (tăng nhẹ so với tự lập), giảm mạnh so với mức 371,6 tỷ năm ngoái. Đặc biệt, BCTC kiểm toán ghi nhận lợi nhuận sau thuế công ty mẹ 117,5 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số tự lập là 52,5 tỷ đồng.
Xác định trái cây sẽ là mảng chủ lực thời gian tới, tính đến cuối năm 2018 mảng này ghi nhận tỷ trọng doanh thu lớn nhất cho Tập đoàn với hơn 2.897 tỷ đồng, tương đương hơn 50% tổng doanh thu Tập đoàn.
Tin vui mới đây, Thaco tiếp tục rót thêm chục nghìn tỷ đồng xây dựng nhà máy chế biến trái cây công suất 500.000 tấn/năm với tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng. Giai đoạn 1 của nhà máy sẽ hoàn thành vào tháng 6/2020 với công suất 200.000 tấn/năm. Ngoài ra, trong thời gian tới, Thaco kế hoạch tiếp tục xây một nhà máy chế biến hoa quả khác tại khu vực Đông Nam Bộ, một nhà máy chế biến gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long, và đưa khu công nghiệp chuyên nông nghiệp tại Thái Bình vào hoạt động. Tại cảng Chu Lai hiện đã có hệ thống kho lạnh trái cây phục vụ cho xuất khẩu. Thaco cũng đã thành lập công ty vận tải nông sản chuyên dụng để phục vụ cho hoạt động logistics của lĩnh vực kinh doanh trái cây. Như vậy, mảng trái cây của bầu Đức không chỉ được đầu tư từ giống, nuôi trồng, thu hoạch… mà còn được đảm bảo đầu ra. Mục tiêu sẽ đẩy mạnh xuất khẩu đi các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…
HAGL đã tất toán mảng bò và bất động sản, sẽ hoàn tất chuyển nhượng 2 thủy điện Nậm Kông trong năm 2019
Tính đến cuối năm 2018, tổng tài sản Tập đoàn đạt 48.111 tỷ đồng, giảm so với mức 53.062 tỷ đầu năm, trong đó đà giảm chủ yếu đến từ việc giảm mạnh khoản phải thu và bất động sản đầu tư. Tập đoàn đã không còn kiểm soát tại dự án bất động sản Myanmar, đồng thời cũng tất toán dự án bò.
Ngoài ra, tại khoản mục nhà máy thủy điện, Tập đoàn ghi nhận chi phí xây dựng cơ bản dở dang hơn 3.379 tỷ đồng, thể hiện các dự án thủy điện Nậm Kông 2 và Nậm Kông 3 đã được ký kết hợp đồng mua bán với Chaleun Sekong Group (CSG). Tại ngày 31/12/2018, Tập đoàn đã nhận một khoản đối ứng 2.260 tỷ đồng và đang trong quá trình hoàn tất các thủ tục pháp lý liên quan đến việc chuyển nhượng. Phía HAGL cho biết thêm, công tác chuyển nhượng nói trên sẽ hoàn tất trong năm 2019.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét