Ý chí chính là là tay lái của cuộc đời, là dùng cả trái tim để đạt được mục tiêu. Đã là người, ta phải quyết tâm xác định mục tiêu và điều chỉnh phương hướng sống. Lập chí có nghĩa là xác định mục tiêu của cuộc đời, một lòng theo phương hướng đã định để chạm tới vạch đích.
Trong xã hội, có rất nhiều con đường khác nhau để chúng ta phát triển sự nghiệp. Tuy nhiên, khả năng của mỗi người lại hạn chế. Vì vậy, ta cần lựa chọn chính xác phương hướng cho mình để có thể đi đến thành công.
Lựa chọn đi theo lối nào là vô cùng quan trọng. Đôi khi, lựa chọn này sẽ quyết định xem cả cuộc đời ta trôi về đâu, đi theo ta suốt cả cuộc đời. Bởi vậy, ta phải đưa ra những lựa chọn thỏa đáng và cẩn trọng. Lựa chọn chính xác đến đâu, phụ thuộc rất nhiều vào ý chí.
Chính chúng ta là những người quyết định con đường mình sẽ đi. Đúng là xung quanh ta luôn có cha mẹ và những người xung quanh tư vấn, dìu dắt, hướng dẫn. Thế nhưng cuối cùng, chỉ có ta mới quyết định được đâu là con đường ta sẽ đi, và chịu trách nhiệm về quyết định này . Cuộc sống hoàn toàn do mình nắm giữ, người khác không thể nào làm thay.
Các nhà hiền triết cổ đặc biệt coi trọng việc lập chí, vì đây là một việc lớn, ảnh hưởng mạnh mẽ đến cả cuộc đời. Chỉ có ta mới hiểu ta là ai, khả năng của ta như thế nào và ta thật sự mong muốn điều gì. Mỗi người, tùy thuộc vào hoàn cảnh khác nhau mà tự định hướng theo cách của riêng mình.
Trong thời đại ngày nay, chúng ta có nhiều lựa chọn hơn, cũng có nhiều phương tiện để thực hiện được ước mơ. Chúng ta tự do hơn rất nhiều trong việc xác định phương hướng cuộc đời của mình. Nhưng cũng chính vì có nhiều lựa chọn nên chúng ta cũng dễ lạc lối hơn.
Nếu như trong quá khứ, để thăng tiến trong xã hội, ta sẽ theo đuổi sự nghiệp học hành, thi cử đỗ đạt rồi ra làm quan. Chỉ có một lựa chọn nên quyết tâm sẽ lớn hơn rất nhiều, cũng không bị phân tâm bởi những yếu tố khác. Nhưng trong xã hội hiện đại, ngoài con đường học hành còn có thể ra ngoài buôn bán kinh doanh. Ngay cả trong việc học hay việc kinh doanh cũng có rất nhiều lựa chọn, học ngành gì, kinh doanh buôn bán cái gì?
Mỗi khi gặp khó khăn, chúng ta thường nhìn sang bên cạnh. Thấy người ta thành công ở những lĩnh vực khác, ta lại nghi ngờ về quyết định của mình, sinh ra chán nản. Tuy nhiên, ai cũng cần phải hiểu rằng, dù là nghề nào, lĩnh vực nào cũng có khó khăn, gian khổ đặc thù. Cái người ta đem khoe chỉ là cái vẻ hào nhoáng bên ngoài. Chưa kể nếu ta nhảy sang lĩnh vực khác, lại phải bắt đầu lại từ đầu một cách vô cùng gian nan.
Vì vậy, hãy vững lòng với quyết định của mình. Không phải học ngành này sẽ quyền cao chức trọng như thế nào, địa vị xã hội cao bao nhiêu, kinh doanh lĩnh vực này sẽ thu về lợi nhuận gì. Quan trọng ở chỗ, mình có tố chất để làm việc đó hay không, mình có yêu thích việc đó hay không.
Muốn xác định được phương hướng cho mình, mỗi người phải không ngừng đặt câu hỏi. Tôi muốn gì? Tôi muốn trở thành gì? Tôi có khả năng gì? Tôi cần làm gì để đạt được mục tiêu? Trình tự thực hiện như nào? Đặt câu hỏi xong, phải tự mình trả lời. Trong quá trình giải đáp các câu hỏi, ta sẽ thoát khỏi mê cung, tìm được lối đi cho mình.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần phải thử. Nếu lo sợ mà không dám thử, ta sẽ chẳng bao giờ biết được mình ra sao, cũng không thể hiện thực hóa được giấc mơ của mình. Những kế hoạch, dự định sẽ mãi chỉ tồn tại trong tưởng tượng. Có thử, có sai ta mới biết mình là ai. Có vấp, có ngã ta mới bước đi vững chắc.
Sau khi xác định được mục tiêu, giữ vững ý chí để đi đến đích là cả một hành trình khó khăn. Để có thể vững lòng đi được đến đích, phải không ngừng áp đặt kỷ luật cho chính mình. Con người không phải là máy móc, nếu đặt mình ngoài kỷ luật, không sớm thì muộn ta cũng sẽ chệch ra khỏi quỹ đạo.
Tương lai là do tự mình nắm lấy, không ai làm hộ mình được, cũng không ai chịu trách nhiệm cho mình được. Để chủ động tiến tới thành công, ta phải vạch ra phương hướng cho chính mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét