Một trong những nhu cầu khó có thể chối cãi nhất của con người là nhu cầu được thể hiện bản thân.
Và đây là bản chất không có gì quá mới lạ đối với con người, vì nó đã có từ thời nguyên thủy 200.000 năm trước. Điều này đã được chứng minh bởi Yuval Noah Harari trong cuốn sách của ông "Lược sử loài người", bản gốc tiếng Anh là Sapien.
Trong cuốn sách này, ông có đề cập tới "con đực alpha", là một cụm từ khá phổ biến của giới trẻ hiện nay để chỉ những anh chàng quyền lực, thích sử dụng sức mạnh của mình để thao túng người khác (theo kiểu soái ca Hàn Quốc trên phim ngôn tình mà các bạn nữ hay xem).
Cụ thể về đoạn trích nhắc đến "con đực alpha" trong cuốn sách của ông:
"Con đầu đàn thường là con đực, được gọi là con đực alpha. Các con đực và con cái khác thể hiện sự phục tùng của chúng với con đực alpha bằng cách cúi chào trước nó với âm thanh gầm gừ nhỏ, chẳng khác gì thần dân bái lạy trước vua. Khi hai cá thể đánh nhau, nó sẽ can thiệp và chấm dứt bạo lực. Không cần nhân từ, nó có thể độc quyền phân chia thức ăn ngon và ngăn những con đực cấp thấp hơn ghép đôi với những con cái."
Nghe có vẻ là một đặc quyền hấp dẫn so với thời kỳ đó.
Một trong những nghiên cứu thú vị nữa tôi muốn nhắc đến khi viết về chủ đề này là tháp nhu cầu Maslow của nhà tâm lý học Abraham Maslow. Tại đây ông chia nhu cầu của con người thành 2 nhóm chính: nhu cầu cơ bản (basic needs) và nhu cầu bậc cao (meta needs), cụ thể hơn là theo từng cấp bậc theo nhu cầu của con người từ thấp nhất đến cao nhất.
1. Nhu cầu thể lý
2. Nhu cầu giao lưu tình cảm và được trực thuộc
3. Nhu cầu được quý trọng
4. Nhu cầu tự thể hiện bản thân
Có thể thấy là nếu như bạn là một trong những thành phần "con đực alpha", bạn sẽ nghiễm nhiên được thừa hưởng đầy đủ cả 4 nhu cầu này cùng một lúc. Đó là lý do vì sao ngay từ thời con người mới được hình thành, trong những bầy đàn đã xuất hiện những cá thể sẵn sàng thể hiện sức mạnh cá nhân của mình qua một cuộc chiến hoặc nỗ lực trong việc giao tiếp và xây dựng các liên minh trong bầy đàn để được đứng vào hàng ngũ cấp trên bậc cao.
Viết đến đây để các bạn có thể thấy rằng, việc các bạn đang liên tục cảm thấy mình cần phải chứng tỏ bản thân và luôn muốn đặt mình ở một vị trí trên cơ người khác là một chuyện hết sức bình thường mà từ 200.000 năm trước đã có từ lâu rồi, không việc gì phải tự trách móc bản thân mình gì hết.
Tuy nhiên, ông bà ta có câu cái gì nhiều quá thì cũng không tốt. Nếu trong một tập thể mà ai cũng muốn leo lên đứng trên đỉnh thì thế giới sẽ không thể vận hành tốt được nữa, vì tình trạng thừa thầy mà thiếu thợ. Vậy thì bây giờ chúng ta phải làm gì?
Bước 1: Xác định được mình đang muốn cái gì
Một trong những câu hỏi lớn nhất mọi thời đại là "To be or not to be?", dịch vui là "Tôi đang làm cái quái gì với cuộc đời mình vậy?" mặc dù luôn biết ông hàng xóm, bà bán rau ngoài chợ đang làm gì với cuộc đời của họ.
Vì không biết mình muốn gì dẫn tới đặt ra nhu cầu cho bản thân là "cái gì cũng muốn", tự ép bản thân tìm cách thỏa mãn cho tất cả nhu cầu mà bản thân đề ra mà không cân nhắc đến hệ lụy của nó.
Có lần một người chị sếp đã từng nói với tôi về quy tắc kim tự tháp:
"Mỗi người trong chúng ta rồi đều sẽ đứng trên đỉnh của một kim tự tháp nào đó, nhưng mỗi kim tự tháp của mỗi người là khác nhau tùy vào khả năng và nhu cầu của người đó. Vậy nên không việc gì phải tranh giành nhau vị trí của người khác, vì ai rồi cũng sẽ có chỗ đứng của riêng mình."
Nếu bạn cảm thấy bạn đang tốt ở một lĩnh vực nào đó thì có thể tìm cách để nâng tầm mình lên ở một vị trí cao hơn trong lĩnh vực đó. Không việc gì phải đứng núi này trông núi nọ, bạn cần tập trung thời gian và năng lượng của mình để leo ngọn núi của chính mình trước đã.
Bước 2: Bao quanh bản thân bởi những người giỏi hơn mình trong lĩnh vực đó.
Không ai là giỏi xuất chúng cả, núi này cao ắt sẽ có núi khác cao hơn, mà thường thì mấy ngọn núi cao hay có xu hướng đứng cùng với nhau.
Mặc dù phải công nhận là ở bên cạnh những người giỏi hơn mình, cảm giác rất bứt rứt và khó chịu vì cái tôi thích thể hiện của bản thân không được thỏa mãn, nhưng nếu bạn có ý định chạy đua đường dài thì bạn phải cho phép bản thân tiến bộ hơn từng ngày trước đã. Thà là chạy 100m mất hết hơi còn hơn chạy 50m đã nghỉ mệt.
Bước 3: Tự đánh giá (review) bản thân mỗi ngày
Tôi dành rất nhiều khoảng thời gian trong một ngày của mình để nghĩ về bản thân, tự chân thành phê phán những thiếu sót của chính mình rồi cân nhắc xem mình phải làm gì tiếp theo.
Tôi ít khi nghĩ về người khác, vì có nghĩ gì về họ thì cũng không thay đổi được gì cho họ, ngoại trừ việc bản thân cảm thấy nhẹ nhõm vì được xao nhãng khỏi những vấn đề của chính mình.
Tuy cách này cơ bản là ổn đối với mình, nhưng đôi lúc suy nghĩ quá nhiều về một vấn đề nào đó trong thời gian dài sẽ khiến bản thân có tư duy tiêu cực về nó.
Nên nếu bạn như tôi, hay tự vấn bản thân nhiều quá thì cách thay thế là tìm cho mình một người bạn mà bản thân đủ tin tưởng và có độ sâu sắc nhất định về cuộc sống (thường là một người nào đó lớn tuổi hơn) để giãi bày, như vậy bạn sẽ có cái nhìn khách quan hơn về những vấn đề của mình.
Một chút chia sẻ cá nhân của bản thân về vấn đề này, vì tôi cũng từng là nạn nhân của việc quá ảo tưởng về chính mình dẫn đến đưa ra những quyết định mù quáng.
Tôi nghĩ khi còn trẻ, chúng ta ai cũng có xu hướng muốn được thế giới công nhận tài năng và công sức của mình, nhất là khi bạn đã nỗ lực rất nhiều để có được nó.
Trong cuốn tự truyện của mình, tổng thống Donald Trump có kể là ông từng bị phá sản 3 lần sau khi ông trở thành triệu phú. Đến cả một người tài năng và chăm chỉ như vậy mà ông trời cũng không tưởng thưởng xứng đáng thì tôi nghĩ không có cái quái gì trên thế giới này là công bằng cả. Vậy nên bạn cứ tin vào chính mình trước đi, cứ thể hiện bản thân rồi thấy mình còn sai thì cứ sửa từ từ.
Mỗi ngày trong cuộc đời mỗi người là một cuộc chiến. Giả sử nếu một ngày nào đó bạn trở nên quá hoàn hảo, quá tuyệt vời và có được hết tất cả những gì mình mong muốn. Vậy thì còn gì nữa đâu mà đấu tranh, đâu còn lý do để phát triển và tiếp tục cống hiến nữa?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét