Thứ Ba, 30 tháng 4, 2019

Ngừng "vung tiền" mua sắm 1 năm, tôi đã đổi đời: Theo các chuyên gia tâm lí, nghiện shopping cũng giống như nghiện đánh bạc và nghiện thuốc

Nhiều người biết được rằng mua sắm mang lại cảm giác thoải mái, vui vẻ, giúp giảm căng thẳng. Tuy nhiên, ranh giới giữa việc yêu thích và nghiện mua sắm khá mong manh.




Đối với con gái, mua sắm là một điều tất yếu bắt buộc phải xảy ra ít nhất 1 lần trong tháng. Khi nào rảnh rang thì đi mua sắm, khi nào stress thì gọi nhỏ bạn đi shopping cùng cho vui, khi nào lương về thì cũng đi mua chút đồ mới coi như tự thưởng… Bất kì lí do gì, con gái cũng có thể biến đó là niềm vui đi mua sắm được, ngay cả lúc buồn hay căng thẳng đến mấy. Chính vì thế, không ít cô gái tự nhận mình là con nghiện mua sắm, không thể nào thoát khỏi lời cám dỗ ấy.


Hannah Louise Poston, một cô gái trẻ người Mỹ là một trường hợp như thế. Vì không tìm được cách nào thoát khỏi "cơn nghiện" ấy nên cô gái này nhanh chóng bị những khoản nợ dồn dập đè lên. Mỗi tháng, Hannah thường tiêu từ 3000 – 4000 USD/tháng cho việc mua sắm cá nhân nhưng có khá nhiều thứ cô chưa dùng đến, thậm chí chưa cả cắt mác quần áo. Với khoản mỹ phẩm và chăm sóc da, cô đã chi gần 3.500 USD năm 2017.


Theo như chia sẻ, cách đây vài năm, Hannah bị trầm cảm. Quá căng thẳng, khó chịu với một số vấn đề trong cuộc sống, áp lực đè nén, Hannah cuối cùng đã tìm ra giải pháp để giúp mình thoải mái hơn, đó là tiêu tiền cho việc mua sắm. Khi ấy, cô tin rằng đó là món quà tốt nhất cho bản thân sau khi đã nỗ lực làm việc chăm chỉ. Nhưng cũng chính vì tiêu pha không nghĩ ngợi, Hannah nợ thẻ tín dụng rất nhiều.





Nợ nần chồng chất, đã căng thẳng lại còn căng thẳng hơn, áp lực công việc, áp lực cuộc sống cộng thêm áp lực từ nợ nần, Hannah đã phát hoảng thực sự. Nhưng ngay chính thời điểm đó, cô đã quyết định sẽ thực hiện thử thách không mua sắm trong suốt một năm. Kết quả cuối cùng thật đáng kinh ngạc.


Trong suốt năm 2018, ngoài việc mua những nhu yếu phẩm như thức ăn, dầu gội, sữa tắm... Hannah không còn vung tiền lãng phí để mua các sản phẩm chăm sóc da, đồ nội thất, quần áo, phụ kiện mới mà không cần thiết. Đến chính cô cũng ngạc nhiên vì sự kiên trì của mình đến vậy. Đồng thời, cô cũng xóa bỏ thông tin thẻ tín dụng của mình trên các trang web mua sắm trực tuyến.


Vì thành quả đáng ngạc nhiên của mình, Hannah đã quyế định lập một kênh Youtube riêng về thời trang và có đến 50.000 lượt theo dõi, bên cũng đó cô cũng thành lập một công ty về thời trang. Thử thách ngừng mua sắm một năm giúp cuộc đời của Hannah bước sang một trang hoàn toàn mới. Cô trả hết nợ và có một cuộc sống viên mãn, tự chủ tài chính.


Cô nhận thấy thử thách này không tồi tệ như ban đầu cô nghĩ bởi "Thời kỳ đầu tôi cực kỳ khổ sở, cảm giác khó chịu, đau đớn khi không được mua thứ mình thích". Còn sau đó, cô thấy thử thách này lại rất hiệu quả khi nó giúp cô tiết kiệm được thời gian và tiền bạc. Việc quản lý tài chính với cô hiện nay không còn quá khó khăn, cô đem động lực đó để chia sẻ với tất cả mọi người, đặc biệt là những người rơi vào hoàn cảnh như cô.





Hội chứng nghiện mua sắm (Compulsive Buying Disorder – CBD)


Theo chuyên gia tâm lý Randy Frost từ Úc thì từ một sở thích đơn giản, việc mua đồ có thể tác động đến tâm lý của con người và trở thành một dạng bệnh tâm thần có tên gọi là "rối nhiễu tâm lý". Thậm chí, theo thống kê của Viện tâm lý hoàng gia Anh, có đến 80% người trên thế giới có triệu chứng của căn bệnh này.


Cụ thể hơn, những người này thường mua sắm điên cuồng không kiểm soát nổi. Họ mua bất cứ thứ gì mới ngay cả khi không cần đến nó hay đồ vật đó còn không có giá trị. Đối với các nước tiên tiến, căn bệnh này còn trở nên trầm trọng hơn do sự mở cửa tự do và đa dạng của các loại hàng hóa. Hằng năm, có đến 30% người mắc bệnh này bị suy sụp tinh thần và buộc phải tìm đến các chuyên gia tâm lý để điều trị.


Lý giải về trường hợp này, các nhà khoa học đã thực hiện thử nghiệm trên 100 đối tượng mắc chứng bệnh "nghiện mua sắm". Kết quả cho thấy rằng, khi đến nơi mua sắm, những bạn này thường có biểu hiện háo hức rõ ràng. Khi đó, cơ thể bắt đầu sản xuất ra chất cacbolin kích thích các dây thần kinh khiến tim đập nhanh, rộn ràng, phấn khích. Ngược lại, khi không được đến các trung tâm mua sắm, không được nhìn thấy hàng hóa, đồ vật họ sẽ trở nên bực dọc, cáu gắt, bức xúc trong người hoặc nặng hơn là la hét, đập phá đồ đạc, dằn vặt bản thân giống như người lên cơn nghiện vậy.


Vấn đề xuất hiện ở đây là, việc tăng cường mua sắm để giải tỏa những cảm xúc tiêu cực trong cơ thể sẽ tỏ ra phản tác dụng, khiến cho những người này càng cảm thấy lo lắng và căng thẳng hơn. Và trên thực tế, theo như một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2011 công bố trên tạp chí "Tâm lý xã hội và nhân cách", hầu hết những món đồ đắt tiền được mua vào những thời điểm tiêu cực trong tâm lý người mua đều được thực hiện thông qua thẻ tín dụng.

Điều này làm nên một vòng luẩn quẩn: những người có tâm lý tự ti, trong thời điểm tinh thần rơi xuống chỗ trũng, quyết định mua một hoặc một vài món đồ "sang chảnh" thông qua thẻ tín dụng, như một nỗ lực để tăng "cái tôi" của bản thân mình. Nhưng có điều, những món đồ này nằm ngoài khả năng chi trả của họ, do đó, gánh nặng về tài chính sẽ tiếp tục tạo nên áp lực trong cuộc sống của họ, khiến tâm trạng của họ ngày càng tồi tệ hơn, và do đó, họ lại tiếp tục coi mua sắm như một cách thức "cứu vớt bản thân mình".





Một số biểu hiện thường thấy ở người mắc CBD


- Bị ám ảnh: Người nghiện mua sắm thường bị ám ảnh bởi những món đồ chào bán trước mặt. Họ sẽ muốn sở hữu món đồ đó ngay, thường xuyên nghĩ về và chỉ ngưng bị ám ảnh khi đã sở hữu nó.


- Nợ nần chồng chất: Người nghiện mua sắm thường chi tiêu quá đà cho việc mua đồ trong thời gian ngắn. Và khi chi tiêu nhiều hơn số tiền đủ khả năng chi trả, họ thường phải vật lộn để thanh toán nhiều khoản nợ.


- Giấu kỹ các khoản chi tiêu của mình: Để tránh bị những người khác chỉ trích, người nghiện mua sắm sẽ thường che giấu thói quen này hay nói dối về giá thực của những món đồ họ mua hoặc giấu những khoản chi vào việc mua sắm. Họ cũng có thể mở nhiều tài khoản thẻ tín dụng hoặc làm thêm một công việc khác để chi trả cho thói quen chi tiêu của họ, để mọi người ảo tưởng rằng việc chi tiêu của họ trong tầm kiểm soát


- Làm hỏng các mối quan hệ: Việc nói dối và tình trạng nợ nần chồng chất có thể là nguyên nhân khiến người nghiện mua sắm không giữ được các mối quan hệ của mình.


- Không thể dừng cơn “nghiện” của mình: Mua sắm dễ gây nghiện, và một khi đã nghiện thì rất khó bỏ. Nhiều người còn cảm thấy mình đã giữ việc chi tiêu mua sắm của mình trong tầm kiểm soát, trong khi thực tế họ đang càng sa vào tình trạng mua đồ quá đà.





Các biện pháp giúp khắc phục chứng CBD


Trong xã hội, người ta có vẻ không xem nghiện shopping là một vấn đề nghiêm trọng mà chỉ cho rằng hành vi này là thiếu trách nhiệm và thiếu tự chủ. Trước đây, nhiều nhà nghiên cứu còn đã từng không đồng ý với quan niệm cho rằng phải phân loại việc mua sắm hay bất cứ hành vi nào khác như một cơn nghiện. Tuy nhiên, gần đây, các chuyên gia tâm lí buộc phải đồng ý cho rằng việc mua sắm và tiêu tiền cũng giống như đánh bạc và sử dụng máy tính hay mạng Internet vì chúng có thể gây nghiện.


Giống như các loại nghiện khác, cơn nghiện mua sắm có thể sẽ khiến bạn phải trả giá rất đắt. Những người thân của những tín đồ mua sắm thường phải đối mặt với những vấn đề tương tự như gia đình của những người nghiện thuốc. Hành vi này có thể gây ra những tranh cãi, “chiến tranh lạnh” và tất nhiên là cả những vấn đề lớn về tài chính. Tốt hơn hết, hãy áp dụng ngay những biện pháp này:


- Tránh đi mua sắm một mình.


- Lập danh sách những món đồ cần mua trước khi đi mua sắm.


- Ghi chép sổ chi tiêu hàng tháng một cách rõ ràng, sau đó tổng kết và đối chiếu giữa các tháng.


- Hạn chế lướt các trang bán hàng hay đi qua nơi có nhiều cửa hàng thời trang (chỉ trừ khi bạn thực sự cần mua một món đồ nào đó).


- Hạn chế thanh toán bằng tiền mặt để dễ dàng kiểm soát chi tiêu.


- Thường xuyên dọn tủ quần áo để biết được bạn đang có gì và cần mua thêm gì.


- Mua những món đồ cơ bản nhưng chất lượng cao, có khả năng kết hợp linh hoạt và dùng được lâu dài.


Cuối cùng, điều quan trọng nhất bạn cần nhớ là nghiêm khắc với bản thân. Khi cảm thấy có mong muốn mua sắm, hãy tự phân tâm bằng cách đọc sách, nấu ăn hoặc tập thể dục. Càng giảm việc đi mua sắm, bạn sẽ càng ít có nhu cầu.


Nghiện mua sắm nếu không được khắc phục kịp thời có thể trở thành một căn bệnh tâm lý, gây trở ngại cho cuộc sống. Hãy chỉ nên xem mua sắm là một trong những hoạt động giải trí thông thường, là cách bạn tán thưởng bản thân. Đừng "cuồng" mua sắm và hãy dành thời gian cho điều quan trọng hơn. Học cách yêu những gì mình đang có, bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn và tài khoản ngân hàng cũng thầm cảm ơn bạn đấy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét