Khi Amazon lần đầu ra mắt năm 1995 và chỉ đơn thuần là 1 website bán sách trực tuyến, nhà sáng lập Jeff Bezos đã có tầm nhìn về 1 công ty sẽ bùng nổ nhờ thương mại điện tử. Ngay từ thuở ban đầu, ông đã muốn Amazon là một “cửa hàng bán mọi thứ”.
Ban đầu tên công ty không phải là Amazon
Lúc đầu, Jeff Bezos muốn công ty có 1 cái tên nghe khá thần bí: “Cadabra”. Luật sư đầu tiên của Amazon, Todd Tarbert, đã thuyết phục Bezos rằng cái tên đó nghe quá giống với “Cadaver” (có nghĩa là xác chết).
Bezos cũng thích cái tên “Relentless”, thậm chí ngày nay nếu bạn vào địa chỉ Rerentless.com, đường link đó sẽ dẫn thẳng đến website Amazon.
Cuối cùng, ông quyết định chọn “Amazon” bởi vì đó là tên của con sông dài nhất thế giới. Logo đầu tiên của Amazon cũng dáng dấp của dòng sông này.
Những ngày đầu, ở văn phòng của Amazon sẽ có tiếng chuông kêu mỗi khi ai đó mua hàng, và tất cả sẽ tụ tập lại để nhìn xem họ có biết khách hàng đó không
Phải mất vài tuần để tiếng chuông kêu quá nhiều đến nỗi nó bị tắt đi. Cùng lúc đó, trụ sở của Amazon được dọn khỏi garage nhà Bezos. Server mà Amazon sử dụng tiêu tốn nhiều điện đến nỗi sẽ có 1 chiếc cầu chì bị ngắt mỗi khi gia đình Bezos sử dụng máy sấy tóc hay máy hút bụi.
Trong tháng đầu tiên, Amazon đã bán sách cho khách hàng ở trên khắp 50 bang của nước Mỹ và 45 quốc gia khác nhau.
Một cuốn sách về địa y đã cứu Amazon khỏi cảnh phá sản
Các nhà phân phối sách yêu cầu nhà bán lẻ phải đặt hàng 10 cuốn sách mỗi lần, nhưng ban đầu thì do chỉ có ít khách hàng nên Amazon không cần nhiều hàng tồn kho đến vậy (và thực ra cũng không có đủ tiềm lực tài chính để mua nhiều sách).
Bởi vậy, công ty đã nghĩ ra cách lách luật. Mỗi lần cần đặt 1 cuốn sách, họ sẽ đặt kèm với 9 cuốn về địa y – loại sách luôn luôn hết hàng.
Trong những ngày đầu tiên, Bezos tổ chức họp ở nhà sách Barnes&Noble
Vợ chồng Bezos cùng với nhân viên thứ 3, Shel Kaphan, thường họp ở 1 nhà sách Barnes&Noble gần nhà. Năm 1996, Bezos ăn tối cùng với những người chủ của trung tâm phát hành sách lớn nhất thế giới. Các lãnh đạo của Barnes&Noble nói họ khâm phục ý tưởng của Bezos nhưng sẽ sớm cho ra mắt 1 website sẽ đè bẹp Amazon. Và bây giờ kết quả như thế nào thì ai cũng biết.
Jeff Bezos kỳ vọng nhân viên của mình sẽ làm việc tối thiểu 60 giờ mỗi tuần. Khái niệm cân bằng công việc và cuộc sống không tồn tại
Một trong những nhân viên đầu tiên của Amazon đã làm việc quá nhiều trong suốt 8 tháng, đến công ty rất sớm và trở về nhà vào đêm muộn, đến nỗi anh ta hoàn toàn quên mất chiếc xe của mình đang đậu gần căn hộ. Vì quá bận rộn, anh không còn thời gian để kiểm tra hòm thư và cuối cùng tá hỏa khi thấy rất nhiều vé phạt, thậm chí chiếc xe đã bị cẩu đi và cuối cùng bị đem ra bán đấu giá.
Mùa giáng sinh “điên rồ” đầu tiên của Amazon đến vào năm 1998
Công ty đã ở trong tình trạng thiếu nhân công trầm trọng. Mọi nhân viên đã phải huy động cả bạn bè và người thân đến hỗ trợ. Họ ngủ trong xe ô tô để ngày hôm sau có thể đến công ty sớm nhất có thể.
Sau đó Amazon đã thề rằng sẽ không bao giờ để tình trạng này lặp lại. Đó cũng chính là lý do tại sao ngày nay Amazon thuê nhiều lao động thời vụ đến vậy.
Khi eBay ra đời, Amazon đã cố gắng xây dựng website đấu giá của riêng mình để cạnh tranh
Ý tưởng này đã thất bại nhưng bản thân Bezos rất yêu thích nó.
Ông đã mua 1 bộ xương gấu có niên đại từ kỷ Băng Hà có giá 40.000 USD và trưng bày nó ở hành lang của trụ sở Amazon. Bên cạnh bộ xương có tấm biển đề “Đừng cho gấu ăn”.
Bezos thích tiến lên thật nhanh và thường tạo ra sự lộn xộn, đặc biệt là khi ông ở trong các trung tâm phân phối của Amazon
Amazon đã phải chịu nhiều đau đớn để có thể lớn lên trong thời kỳ cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000. Các kho hàng có thể phải đóng cửa trong nhiều giờ vì lỗi hệ thống, hàng hóa chất thành đống xung quanh những công nhân bỏ bê chúng, và cũng không có sự chuẩn bị cho danh mục các sản phẩm mới.
Khi bộ sản phẩm đồ dùng trong nhà bếp được giới thiệu lần đầu tiên, những con dao không được đóng gói cẩn thận đổ sầm xuống băng chuyền một cách nguy hiểm.
Đầu năm 2002, Bezos đưa ra khái niệm “nhóm 2 chiếc bánh pizza”
Các nhân viên sẽ được tổ chức thành những nhóm nhỏ từ 10 người trở xuống bởi đây là con số hoàn hảo để có thể gọi 2 chiếc pizza cho bữa tối. Các nhóm phải đặt ra những mục tiêu được tuân thủ nghiêm ngặt và sử dụng những công thức tính toán để đo lường thành tựu. Đây chính là cách quản lý nhóm của Bezos.
Ông cho rằng 1 nhóm sẽ làm việc hiệu quả nhất khi không cần giao tiếp với nhau và làm việc một cách tự động, theo lộ trình đã vạch ra.
Khách hàng không hài lòng với dịch vụ của Amazon có thể gửi mail trực tiếp cho Bezos. Ông sẽ forward mail đó cho người chịu trách nhiệm, thêm vào 1 dấu hỏi “nguy hiểm chết người”
Stone viết: “Khi nhân viên của Amazon nhận được 1 email có dấu hỏi của Bezos, họ cảm thấy như mình vừa nhận được 1 quả bom hẹn giờ. Thông thường họ chỉ có vài giờ để giải quyết bất chấp đó là vấn đề gì và sau đó phải giải trình trước nhiều cấp quản lý trước khi câu trả lời được đưa lên Bezos. Theo ông việc này là để đảm bảo toàn bộ công ty có thể hiểu thấu ý kiến khách hàng.
Trước khi Google có “Street View”, Amazon có “Block View”
Năm 2004, Amazon tung ra cỗ máy tìm kiếm A9.com. Đội ngũ phát triển A9 đã thực hiện 1 dự án có tên Block View đưa ra những bức ảnh chụp thực tế về các cửa hiệu và nhà hàng bên cạnh kết quả tìm kiếm. Với ngân sách chưa đến 100.000 USD, Amazon cử các thợ ảnh tới 20 thành phố lớn để thu thập ảnh.
Cuối cùng Amazon đã phải từ bỏ Block View vào năm 2006. Đến năm 2007 Google mới bắt đầu khởi động dự án Street View.
Các nhân viên Amazon được khuyến khích hãy hét lên để giải tỏa áp lực trong mùa bận rộn
Amazon thuê những nhân công mùa vụ trong mùa mua sắm nhưng đây vẫn là khoảng thời gian cực kỳ áp lực đối với các nhân viên. Đầu những năm 2000, lãnh đạo Amazon cho phép nhân viên được phép nhắm mắt, nằm ườn hay gọi điện cho sếp và hét to nhất có thể nếu vừa hoàn thành 1 mục tiêu quan trọng.
Điều kiện làm việc trong nhà kho của Amazon nổi tiếng là tồi tệ, có những câu chuyện cười về chuyện các công nhân “nổi dậy”
Có giai thoại kể rằng có lần 1 nhân viên của Amazon trước khi nghỉ việc đã nằm lên băng chuyền và đi 1 vòng quanh nhà kho. Tuy nhiên, câu chuyện hài hước nhất xảy ra năm 2006, của 1 nhân viên thời vụ tại kho hàng ở Kansas.
Nhân viên này không chấm công và đã có ít nhất 1 tuần ngủ tại kho hàng. Anh ra đục 1 lỗ để chui vào kiện hàng bằng gỗ, sử dụng các sản phẩm của Amazon làm giường ngủ, xé những bức ảnh trong các cuốn sách để dán lên làm tường và ăn cắp thực phẩm. Tất nhiên, nhân viên này ngay lập tức bị đuổi việc khi sự việc vỡ lở.
“Fiona” là tên gọi ban đầu của máy đọc sách Kindle
Tên gọi ban đầu của Kindle được lấy ra từ cuốn sách “The Diamond Age” của Neal Stephenson.
Đó là cuốn tiểu thuyết viễn tưởng, nói về 1 kỹ sư ăn cắp 1 cuốn sách hiếm cho cô con gái luôn khao khát trí thức Fiona. Nhóm làm Kindle đã nghĩ rằng đây là 1 câu chuyện rất ý nghĩa đối với thiết bị mà họ đang phát triển. Họ đã khẩn khoản mong Bezos giữ lại cái tên này, nhưng Bezos có 1 ý tưởng khác: Kindle mang ý nghĩa thắp lên 1 ngọn lửa.
Jeff Bezos là 1 vị sếp hay đòi hỏi và có thể nổi giận đùng đùng với nhân viên
Bezos nổi tiếng với những phản ứng bùng nổ hoặc thái độ mỉa mai đối với nhân viên nếu như ông không hài lòng với họ. Có tin đồn ông đã thuê 1 huấn luyện viên về kỹ năng lãnh đạo để cải thiện tình hình.
Stone viết: “Trong 1 cuộc họp, Bezos quở trách nhân viên rằng họ là những kẻ ngu ngốc và đừng quay trở lại công ty trong 1 tuần nữa để giành thời gian suy nghĩ về những gì đang làm. Tuy nhiên, ngay sau khi bước đi vài bước, Bezos ngoảnh đầu lại và bổ sung thêm rằng: Dù sao thì mọi người cũng đã làm 1 công việc tuyệt vời”.
Theo Thu Hương
Trí thức trẻ