Startup này muốn biến màn hình máy tính của bạn thành dĩ vãng, được Lenovo và Tencent đầu tư tới 50 triệu USD
Những tưởng đó là một buổi sáng đi làm như mọi ngày khác, chị Stepohanie Rosenburg tới văn phòng trong sự ngạc nhiên: màn hình máy tính làm việc của chị đã biến mất. Đưa mắt nhìn quanh và chị gặp một ngạc nhiên khác, mọi người đều đang đeo trên đầu một thiết bị trông như một hệ thống kính nhìn, tay quờ quạng trong không trung tương tác với những vật thể vô hình nào đó.
Số là chị Rosenburg vừa đi du lịch về, nên chị không bắt kịp vời thời đại, rằng bạn bè chị đã “lên đời” thực tế tăng cường hết rồi, và giờ tới phiên chị. Cô phóng viên Selina Wang từ Bloomberg đã tới tận trụ sở của Meta để trải nghiệm công nghệ thực tế tăng cường trên, đã nghe Rosenburg kể lại như thế.
Chị Stephanie Rosenburg phụ trách mảng marketing cho Meta, một startup có trụ sở tại San Francisco thiết kế và chế tạo một bộ thiết bị kính hỗ trợ thực tế tăng cường, gán lên thế giới xung quanh một hệ thống cho phép người dùng tương tác với nó, một hệ thống 3 chiều ảo chỉ có thể nhìn qua lớp kính kia. Trong thế giới “thực tế tăng cường” ấy, người ta có thể khua tay để gửi mail, duyệt web hay viết nên những dòng code trên một màn hình ảo.
Sếp của cô, anh Meron Gribetz – người sáng lập nên Meta và hiện cũng đang làm CEO của công ty này – quyết tâm xóa bỏ “hình thức chuyên chế tại công sở”, thay thế toàn bộ màn hình máy tính, chuột, bàn phím, hay thậm chí là cả những bàn làm việc thành một hệ thống thực tế tăng cường tiên tiến. Hiện tại, anh tiện thể áp dụng nó lên nhân viên của mình luôn, để có được những phản hồi nhanh nhất và chuyên nghiệp nhất.
Anh thật thà thừa nhận rằng đây là một thử thách cực kì khó khăn trong Hội thảo TED năm ngoái tại Vancouver. “Tôi vô cùng lo lắng cho dự án này. Tôi đang chống lại lịch sử dài 50 năm của sử dụng công cụ máy tính để làm việc”.
Anh Gribetz năm nay 31 tuổi, thành lập nên Meta hồi năm 2012 sau khi nghiên cứu về khoa học thần kinh và khoa học máy tính tại Đại học Columbia. Anh tạo nên mẫu kính Meta đầu tiên với ... một con dao được hơ nóng lên trong bếp lò và một khẩu súng bắn keo nến. Năm ngoái, startup Meta của anh gây được số quỹ trị giá 50 triệu USD, số tiền khổng lồ tới từ những nhà đầu tư lớn như Lenovo hay Tencent. Và ngày hôm nay, sản phẩm kính thực tế tăng cường này đã tới tay vô vàn người sử dụng – từ các nhà thiết kế cho tới những kĩ sư lính vực máy tự động. Meta dự kiến tới cuối năm 2017 này, sẽ có khoảng 10.000 người sử dụng thiết bị có giá 949 USD này.
Đó là dự kiến của họ, nhằm phục vụ mục đích đưa công nghệ thực tế tăng cường này tới với mọi ngóc ngách của thế giới, cho phép chúng ta có thể tương tác được với thế giới ảo y như cách ta sống ngoài đời thực. Thay vì cầm chuột kéo từ A sang B, gõ phím bảng chữ cái từ A tới Z, ta sẽ điều khiển mọi thứ bằng cách vẩy tay trên không. Công ty này đang từng bước hoàn thiện công nghệ của mình.
Văn phòng làm việc của họ cũng chính là nơi Gribetz và các đồng nghiệp áp dụng công nghệ này vào thực tế. Tại đó không có một hệ thống máy tính nào, không có các ô làm việc, không bàn ghế - liệu đây có phải văn phòng của tương lai?
Theo như chính lời mô tả của Gribetz, thì thực tế tăng cường sẽ là một cách “sử dụng máy tính tốt cho nhận thức của con người”, giúp người dùng “thu hẹp khoảng cách giữa tưởng tượng và sáng tạo”. Anh tin rằng thực tế tăng cường sẻ phủ lên thế giới thực này một lớp thông tin chi tiết: khi bạn cầm một cái bánh lên ăn, bạn sẽ biết nó là bánh gì và chứa bao nhiêu calo, bắt tay một ai đó thì bạn sẽ thấy ngay thông tin cá nhân của người ta – tất nhiên là chỉ những thông tin chung mà họ cho phép được chia sẻ.
“Công nghệ này không thể xong được trong một sớm một chiều”, anh Gribetz nói. “Nhưng chắc chắn rằng nếu bạn tua nhanh tới một thập kỉ tới hoặc thậm chí là ít hơn, người ta sẽ đeo trên mắt những cái kính giống với công nghệ mà chính tôi đang đeo đây, có thể làm được mọi thứ mà một chiếc máy tính, một thiết bị tablet hay một cái điện thoại di động có thể làm, và còn nhiều hơn nữa”.
Meta không phải là công ty duy nhất theo đuổi giấc mơ thực tại tăng cường. Cuộc đua này còn có hai đối thủ lớn là Microsoft và Apple, nhưng anh Bribetz tin rằng mình có thể vượt mặt những ông lớn này, nắm thế dẫn đầu trong công nghệ thực tế tăng cường. Họ tự mình trải nghiệm sản phẩm để có thể có được cái nhìn trực quan nhất, tự mình điều chỉnh cho sản phẩm hoàn thiện hơn.
Thử nghiệm này của họ cũng được giám sát bởi một đội ngũ các nhà thần kinh học, thu thập thông tin từ những nhân viên của Meta – cách mà mắt, não bộ và cơ thể họ phản ứng lại với thiết bị đeo trên mắt và so sánh chúng với những thông tin mà họ thu được khi những nhân viên này sử dụng máy tính thông thường. Những người tham gia thử nghiệm cũng được khuyến khích là hãy ghi lại nhật ký hàng ngày về trải nghiệm của mình.
Thử nghiệm của Meta khởi đầu với đội ngũ thử nghiệm là các kĩ sư lành nghề, tuy nhiên đó lại là một thất bại thảm hại. Tất cả những kĩ sư dùng thử đều phàn nàn là họ không thể hoàn thành công việc với cặp kính này được, không phải mọi thiết bị họ dùng hàng ngày đều tương thích được với cặp kính Meta. Họ cũng gặp nhiều khó khăn trong việc viết và chạy thử code. Một trải nghiệm khiến người dùng “vô cùng lúng túng”, coder Ben Lucas kể lại, chưa kể cặp kính còn không vừa với đầu anh khiến anh phải buộc vào gọng một quả nặng để nó cân bằng.
Gribetz chuyển số kính ấy về những đội ngũ có công việc đơn giản hơn, như các nhóm marketing, nhóm bán hàng và nhóm quản trị. Từ những nơi ấy, những phản hồi tích cực đã xuất hiện. Các coder đã thay đổi vài thuật toán của kính khiến cho hình ảnh được hiển thị ổn định hơn, dò tìm chuyển động tay dễ dàng hơn. Trong giai đoạn thử nghiệm này, công ty cũng đã đăng ký một vài bằng sáng chế để bảo vệ những ý tưởng mà mình đã tìm ra cũng như những công nghệ đã được phát triển cho hoàn thiện hơn xuyên suốt thời gian thử nghiệm
Lợi ích của cặp kính Meta thực sự hiện ta rất rõ với những doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thực tế: một nhà sản xuất xe có thể tăng tốc độ thiết kế một mẫu mới nhờ công nghệ thực tại tăng cường mạnh mẽ tạo ra hình mẫu một chiếc xe có kích thước chuẩn. Nhưng với một nhân viên bàn giấy thông thường, những lợi ích dường như mang nhiều sắc thái hơn.
Theo như những kinh nghiệm mà các nhân viên Meta trải nghiệm cặp kính Meta cho hay, thì lợi ích lớn nhất có lẽ là họ có thể có vô số màn hình làm việc: họ có thể gạt toàn bộ chỗ email phiền toái, màn hình mạng xã hội gây mất tập trung ra sau lưng để chỉ nhìn vào màn hình làm việc. Và trên một trang làm việc ba chiều rộng lớn, họ sẽ có thể động não suy nghĩ vấn đề dễ dàng hơn.
Rất nhiều nhân viên không muốn rời bỏ hệ thống máy tính thân thương và không đành lòng khi bị bắt buộc dùng hệ thống thực tế tăng cường theo yêu cầu của công ty, nhưng khi đã bỏ cái máy tính ấy lại phía sau, họ lại chia sẻ rằng trải nghiệm làm việc hàng ngày cuốn hút và hoàn toàn theo bản năng, đến mức mà khi “trở lại thế giới thực”, họ phải mất một lúc để làm quen với việc không còn công việc và thông tin bao quanh mình nữa. Thậm chị việc cầm nắm trong thế giới thực ban đầu cũng xa lạ với họ!
Nếu như chính nhân viên của Meta còn không thực sự hứng thú với công nghệ mà mình tham gia sản xuất, thì tưởng tượng công chúng khó tính sẽ phản ứng thế nào. Bởi thế, rất nhiều công ty công nghệ sản xuất những thiết bị của tương lai thuê về những “chuyên viên truyền tin” nhằm mang công nghệ này tới với công chúng. Người truyền tin của Meta là Ryan Pamplin, một người vô cùng hứng thú với công nghệ thực tế tăng cường và cũng thường xuyên đắm mình vào thế giới ấy – anh mang thiết bị của Meta về nhà, lên máy bay, mọi nơi mà anh có thể mang tới.
Không gian làm việc của Pamplin vô cùng đơn giản, một cái bàn trắng chẳng đặt cái gì ngoài một bộ bàn phím và một thiết bị kính Meta, đây đó trên tường có gắn những giải thưởng mà anh đạt được. Nhưng khi bước vào văn phòng thực sự của Pamplin, bạn mới thấy mọi thứ khác hẳn. Hình bạn gái anh được chăng khắp nơi, một hình ba chiều của Steve Jobs và của một chiếc Tesla 3 đang nổi cạnh bên, một màn hình phát nhạc đang bật bài Roar của Katy Perry và trong tầm với là một giá đựng đồ nằm trên bàn làm việc của anh.
Khi Pamplin muốn mở email, anh nắm lấy trình duyệt web nằm trên cái giá kia và kia rồi, màn hình trình duyệt hiện ra, anh lướt qua danh sách email (và cả thư rác) được gửi tới cho mình. Nhưng trên cái giá kia có một thứ kì dị không thuộc về nơi đây: đó là một hình ba chiều của một con mắt người đang xoay. Nó được thiết kế riêng cho sinh viên ngành y, nhưng anh Pamplin cứ đặt nó đó cho “ngầu”.
“Y như đời thực vậy”, anh Pamplin thích thú nói. “Bạn với ra xung quanh không gian làm việc của mình và nắm bắt lấy từng dụng cụ một, cứ như bạn đang nằm trong một văn phòng thực tế vậy”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét