Với việc chuyển sang khoán doanh thu cho bên tài xế, và định mức do Vinasun quyết định, người phải chịu cạnh tranh từ thị trường, áp lực từ Uber và Grab sẽ là phía nhân viên hợp đồng, trong khi Vinasun sẽ thu được khoản doanh thu ổn định.
CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun – VNS ), doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ taxi lớn nhất Việt Nam vừa công bố kết quả kinh doanh quý 2 và 6 tháng đầu năm 2017 với đà sụt giảm chưa có dấu hiệu dừng lại trước sự cạnh tranh mạnh mẽ của những đối thủ dựa trên nền tảng công nghệ như Uber và Grab.
Trong quý II, doanh thu của Vinasun đã giảm 28% so với cùng kỳ năm trước, xuống 810 tỷ đồng kéo theo lãi gộp trong kỳ giảm 27% xuống còn 116 tỷ đồng - mức giảm lớn nhất trong vòng nhiều năm qua. Lợi nhuận từ hoạt động động kinh doanh chỉ đạt 11,6 tỷ đồng, giảm gần 80% cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp kinh doanh taxi này đạt 1.903 tỷ đồng doanh thu, giảm 16% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 127,6 tỷ đồng, giảm 32%. Trong đó, đóng góp chính vào lợi nhuận vẫn là thanh lý xe cũ với xấp xỉ 75 tỷ đồng.
Lần đầu tiên trong vòng 10 năm qua, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh taxi đã xuống thấp hơn lợi nhuận từ thanh lý xe
Trong khi các chỉ số tài chính liên tục giảm, con số đáng chú ý nhất trong báo cáo của Vinasun lần này là công ty đã cắt giảm hợp đồng chính thức với gần 8.000 người, giảm lượng nhân sự từ 17.160 hồi đầu năm xuống chỉ còn 9.179 tính đến cuối quý 2.
Tuy nhiên, đằng sau số liệu này có thể là nước đi mới của ban lãnh đạo Vinasun trong bối cảnh cạnh tranh khó khăn, thay vì công ty chịu rủi ro thì giờ đây điều này được chuyển cho cánh lái xe.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2017 tổ chức cuối tháng 4 vừa qua, ban lãnh đạo Vinasun cho biết công ty đang thay đổi toàn bộ mô hình hoạt động. Theo đó từ hoạt động trên cơ sở tự doanh - phương thức hoạt động này đã ăn sâu vào đầu đội ngũ nhân viên thì nay, Vinasun đang dần thay đổi sang nhượng quyền.
Trong mô hình chia sẻ doanh thu truyền thống, Vinasun sở hữu xe và thuê người lái rồi chia sẻ doanh thu với lái xe. Lái xe nhận 40-60% doanh thu và phải chịu tiền xăng. Trong khi đó, Vinasun nhận phần còn lại và trả các chi phí khác liên quan đến xe như chi phí điểm đón khách, bảo dưỡng định kỳ, chi phí sửa chữa xe.
Tuy nhiên theo mô hình mới, tùy từng dòng xe và đời xe, Công ty sẽ khoán cứng doanh thu cho bên tài xế và nhận một khoản cố định. Trong khi đó, với hình thức này, những nhân viên của Vinasun sẽ phải cố gắng để đạt doanh thu cao hơn con số khoán đó và hưởng phần chênh lệch.
Từ những chỉ số tài chính sụt giảm liên tục kể từ năm 2014 đến nay của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ taxi lớn nhất Việt Nam, phần nào đã cho thấy bức tranh hoạt động kinh doanh của lĩnh vực taxi hiện tại.
Chưa có số liệu cụ thể trong số 8.000 lao động của Vinasun cắt hợp đồng chính thức có bao nhiêu người chuyển sang hình thức hợp đồng và bao nhiêu nhân sự nghỉ thực sự. Tuy vậy, với việc chuyển sang khoán doanh thu cho bên tài xế, và định mức do Vinasun quyết định, người phải chịu cạnh tranh từ thị trường, áp lực từ Uber và Grab sẽ là phía nhân viên hợp đồng, trong khi Vinasun sẽ thu được khoản doanh thu ổn định.
Ngoài ra, việc chuyển mô hình hoạt động, hàng nghìn nhân viên từ chính thức chuyển sang dạng hợp đồng – đồng nghĩa với nhiều chi phí phúc lợi bị cắt giảm, điều hạn chế cho nhân viên nhưng lại giúp Vinasun giảm được một khoản chi phí quản lý rất lớn.
Trong nhiều lần Vinasun đổ lỗi cho Uber và Grab, lãnh đạo công ty này cho rằng bên cạnh yếu tố thị trường, các khoản chi phí bao gồm các loại phí BHXH, y tế, lương nhân viên tăng theo lương tối thiếu (tăng 7%) và sự gia tăng các loại phí khác – những khoản chi phí Uber, Grab không phải chịu, cũng trở thành những rào cản khiến Vinasun khó cạnh tranh.
Kết quả kinh doanh không khả quan khiến cho cổ phiếu VNS rơi xuống dưới ngưỡng hỗ trợ 20.000 đồng lần đầu tiên trong 1 năm qua
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét