Ông Trần Thanh Nam, CEO của Moca nhận xét doanh nghiệp khởi nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm nguồn nhân lực bởi tâm lý chắc ăn của người lao động. Do đó, để giúp startup phát triển, ông Nam đề xuất cần có chính sách đặc biệt.
CEO của Moca cho biết nguồn nhân lực là một vướng mắc lớn của startup. “Khẩu vị của người lao động Việt Nam, đặc biệt ở phía bắc vẫn là ăn chắc – tức chọn làm Nhà nước”, ông Thanh Nam nói.
Kể câu chuyện của bản thân, từ người đang làm Phó Tổng giám đốc của một ngân hàng, quản lý hàng ngàn con người đã “nhảy ra ngoài, bán nhà để khởi nghiệp”, ông cho biết nhiều người nói “ông bị điên”. Tuy nhiên, CEO Moca nhận định ở ngoài kia vẫn còn nhiều bạn trẻ có “máu điên” như hoặc hơn ông.
Ông Trần Thanh Nam, CEO Moca
Dù vậy, để khuyến khích những người trẻ lao vào khởi nghiệp như mục tiêu của Chính phủ, biến Việt Nam thành Quốc gia khởi nghiệp, cần nhiều những chính sách đặc biệt. Trên thực tế, Nhà nước đã có chính sách miễn giảm thuế doanh nghiệp ở một số lĩnh vực, ngành nghề, ví dụ như doanh nghiệp CNTT được giảm thuế sau một thời gian có lời nhưng với startup thì vẫn chưa khả thi. Bởi lẽ, ông Nam chỉ ra startup tồn tại qua 3 năm đã là điều đáng mừng rồi, phần lớn các doanh nghiệp này “chết rất sớm”, khó biết bao giờ có lời để được hưởng ưu đãi.
“Đến doanh nghiệp nhiều tỷ USD như Uber còn chưa có lãi, thì biết bao giờ”, CEO Moca nói.
Do đó, ông cho rằng để giải bài toán về nguồn nhân lực Chính phủ có thể đưa ra chính sách thiết thực hơn bằng cách miễn giảm thuế thu nhập cá nhân cho người lao động làm trong startup.
“Như thế có startup sẽ có điều kiện thu hút nguồn nhân lực tốt hơn, chi phí thấp hơn so với các doanh nghiệp bình thường đồng thời bù đắp được điểm yếu của thị trường lao động. Chúng tôi cần những nhân sự như của Viettel, MB Bank nhưng không thể cạnh tranh về lương, chỉ có cách đó may ra”, CEO Moca cho biết.
Đối với vấn đề về vốn, ông Trần Thanh Nam cho biết doanh nghiệp startup hiện vẫn đang nhận chủ yếu vốn đầu tư từ nước ngoài với tỷ lệ hơn 90%. Theo ông phân tích, khẩu vị của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế khác nhau, các ông chủ Việt Nam có tiền thường thận trọng và thực tế, họ tính dòng tiền trong 6 tháng là phải thu hồi được chứ không tính chuyện đầu tư dài hơi từ 3 – 5 năm hay 7 – 10 năm như ông chủ nước ngoài.
Bên cạnh đó, các cơ chế để doanh nghiệp startup thu hút vốn vẫn còn nhiều vấn đề khiến cho doanh nghiệp gặp trở ngại. Ví dụ như ở nước ngoài, các nhà đầu tư rót vốn vào startup thông qua hình thức convertible bond (trái phiếu chuyển đổi) thì tại Việt Nam startup lại không được phát hành trái phiếu vì theo Luật chứng khoán để phát hành trái phiếu doanh nghiệp phải có lời. Do đó, doanh nghiệp phải tìm cách để “lách”.
Hay như với trường hợp của Moca làm về thanh toán thì với cam kết mở cửa thị trường tài chính ngân hàng, gần như mặc định có thể nhận được vốn đầu tư ngoại tối đa 20% vốn điều lệ (có thể 30% nếu được Thủ tướng phê duyệt) nhưng khi đi đăng ký với Sở Kế hoạch & Đầu tư thì nhận được nhiều ý kiến khác nhau của cơ quan quản lý. Thủ tục kéo dài vì ý kiến qua lại giữa các Bộ ngành cũng như việc trả lời không nhất quán cũng khiến cho doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Do đó, thông qua Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) sắp được tổ chức vào đầu tuần tới với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, CEO Moca cũng như cộng đồng khởi nghiệp sẽ được đề đạt những tâm tư, nguyện vọng với Người đứng đầu Chính phủ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét