Thứ Ba, 5 tháng 12, 2017

Vì sao tốc độ giảm đói nghèo của Philippines vẫn chậm hơn nhiều nước trong khu vực?


Khu vực Đông Visayas-Philippines là một trong những vùng nghèo đói nhất của nước này. Số liệu chính thức cho thấy khoảng 30% người dân trong vùng thuộc diện nghèo đói. Tỷ lệ này là 17% trên toàn Philippines.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte

Philippines trong thời gian qua thu hút được sự chú ý của khá nhiều chuyên gia khi số tiền đầu tư tại đây đã vượt qua mọi thị trường Đông Nam Á và chính phủ cũng đang tăng cường chi tiêu nhằm thúc đẩy nền kinh tế. Tuy nhiên, quốc gia này vẫn còn rất nhiều khó khăn phải đối mặt, đặc biệt là tình trạng đói nghèo.

Khu vực Đông Visayas-Philippines là một trong những vùng nghèo đói nhất của nước này. Số liệu chính thức cho thấy khoảng 30% người dân trong vùng thuộc diện nghèo đói. Tỷ lệ này là 17% trên toàn Philippines.

Nếu so sánh với các quốc gia khác như Việt Nam hay Thái Lan, tốc độ giảm tỷ lệ nghèo đói tại Philippines rõ ràng chậm hơn rất nhiều và nguyên nhân chính là do sự tăng trưởng chậm trong kinh tế.



Tỷ lệ những người có thu nhập dưới 1,9 USD/ngày theo sức mua tương đương (PPP) tại các nước

Trong khoảng 1980-2005, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân chỉ đạt 0,63% tại nền kinh tế này. Tốc độ tăng trưởng của Philippines vài năm trở lại đây mới tăng trở lại nhờ xuất khẩu lao động và việc nhiều công ty quốc tế mở chi nhánh tại đây. Nhiều ước tính cho thấy tăng trưởng GDP của Philippines sẽ vượt 6% trong năm 2017.

Tuy vậy, sự tăng trưởng này chỉ nằm trên những con số và chưa phản ánh hết được tình hình thực tế. Sự phát triển kinh tế của Philippines tập trung quá nhiều ở những thành phố lớn như thủ đô Manila, nơi chiếm tới 60% GDP toàn quốc.

Trong khi đó, những người dân vùng quê nghèo như Đông Visayas lại không có điều kiện tiếp xúc với chất lượng cuộc sống tốt nhất, thậm chí không có đủ tiền để di chuyển lên thành phố sinh sống. Chất lượng giáo dục, y tế tại các khu vực này rất nghèo nàn, nhiều tỉnh nghèo còn không sử dụng tiếng quốc ngữ Tagalog mà dùng tiếng địa phương.

Việc làm tại các khu vực nông thôn này cũng rất thiếu, khoảng 1/3 số người dân vùng quê Philippines sống nhờ đánh bắt cá hoặc gieo trồng. Tồi tệ hơn, quyền sở hữu đất còn tồn tại từ thời kỳ thuộc địa vẫn chưa được giải quyết dứt điểm khiến nhiều gia tộc quyền lực nắm giữ lượng lớn đất đai nhờ mối quan hệ chính trị.

Mặc dù chương trình giải phóng đất đai cho nông dân đã được thực thi từ cuối thập niên 1980 nhưng đến hiện tại vẫn chưa hoàn thành. Điều này khác xa so với Việt Nam, Hàn Quốc hay Đài Loan khi quá trình cải cách ruộng đất được thực hiện triệt để và nhanh chóng.





Chính sự dây dưa này khiến tình trạng sở hữu đất đai trở nên không rõ ràng cũng như khiến nhà đầu tư ngại chi tiền.

Bên cạnh đó, sự nghèo khổ và kém hiểu biết khiến tỷ lệ sinh con ở các vùng quê tăng cao, gây áp lực lên đời sống người dân. Tỷ lệ sinh bình quân ở vùng Đông Visấy là 3,5 trẻ/phụ nữ, cao hơn mức 2,3 trẻ/phụ nữ ở thủ đô Manila.

Chính phủ vào cuộc

Trước tình hình này, chính quyền Manila đã vào cuộc nhằm tìm kiếm các giải pháp để nâng cao đời sống cho người dân vùng quê. Tổng thống Rodrigo Duterte đã ký quyết định thúc đẩy các biện pháp tránh thai cho phụ nữ nông thôn bất chấp sự phản đối từ Giáo hội.

Ngoài ra, chính phủ cũng đang tăng cường chi tiêu đầu tư công. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Duterte đã dự định chi tới 3,4 nghìn tỷ Pesos (68 tỷ USD), tăng 12% so với năm 2016 nhằm đầu tư thúc đẩy kinh tế.



Tăng trưởng tài sản cố định của Philippines vượt nhiều nước Đông Nam Á (%)

Trong 9 tháng đầu năm nay, tổng giá trị tài sản thực của Philippines đã tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn rất nhiều mức 6,9% của Malaysia và 5,8% của Indonesia. Chi tiêu của chính quyền Manila cũng tăng 28% trong tháng 10/2017, mức tăng mạnh nhất từ đầu năm đến nay. Ngân sách ước tính cho tài khóa 2018 cũng đạt mức kỷ lục với chương trình đầu tư cho cơ sở hạ tầng đạt 180 tỷ USD.

Hàng loạt các dự án sân bay, đường xá, cầu cống được đưa vào xây dựng với tổng chi phí chiếm 5,2% GDP năm 2016 và dự kiến nâng lên 7,4% GDP năm 2022. Mục tiêu của những công trình này là tạo ra việc làm, thúc đẩy kinh doanh cũng như kết nối các khu vực nghèo khổ với những nơi có nền kinh tế phát triển.



Tổng GDP của Philippines đã tăng rất nhiều so với trước đây (tỷ USD)

Sau nhiều năm lạc hậu so với các nước láng giềng, Philippines bắt đầu tăng cường đầu tư mạnh cho nền kinh tế và cơ sở hạ tầng. Số liệu của Ngân hàng thế giới (World Bank) cho thấy tăng trưởng tài sản thực của nước này bình quân đạt 14,4% trong 5 năm qua, mức nhanh nhất ở Đông Nam Á.

Hiện Tổng thống Rodrigo Duterte đang kỳ vọng đưa Philippines trở thành nước có thu nhập khá vào năm 2022 với chính sách tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, kích thích tăng trưởng.


AB

Theo Nhịp Sống Kinh Tế

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét