Thứ Tư, 27 tháng 6, 2018

Đi học có giúp con nhà nghèo thay đổi số phận hay không?

Miệt mài tiến về phía trước, đến nơi, tưởng rằng có thể viên mãn kết thúc. Nhưng, cuộc sống lại lạnh lùng chỉ tiếp con đường phía trước. Chúng tôi đột nhiên nhận ra, thực ra, chúng tôi mới chỉ leo được từ hầm ra đến vạch xuất phát mà thôi.



Hôm qua nói chuyện với bạn, cậu ấy nói vừa mua nhà tại một khu gần các trường học ở Thái Nguyên, mong muốn sau này con cái có thể học ở trường tốt một chút. Vì cậu chưa kết hôn, nên tôi nghe xong vô cùng kinh ngạc, một người thích bay nhảy như cậu, bỗng nhiên giờ lại biết nhìn xa trông rộng như vậy.


Cậu cười: "Hồi xưa bọn mình xuất phát điểm thấp, sau này không muốn con cái cũng thua ngay từ vạch xuất phát như vậy"


Nhớ lại tuổi thơ đi học mà chúng tôi đã trải qua, sách dùng chung thầy giáo mang đến lớp, tan học tất cả mọi người nô đùa chạy nhảy đuổi bắt, hay đánh bài ăn kẹo lẻ.


Hồi đó chúng tôi đều rất vui vẻ, không hề cảm thấy bản thân bị thua thiệt so với người khác, cũng không cảm thấy thành tích cao hay thấp có ảnh hưởng gì đến cuộc sống.


Bởi vì nhìn thấy ít, vì vậy càng dễ dàng cảm thấy thỏa mãn.


Thực sự hiểu được sự cách biệt đó là sau khi chúng tôi lên đại học, khi mà những sinh viên từ nông thôn ra thành phố học như chúng tôi còn đang phiền muộn với những khoản sinh hoạt phí, thì không ít các bạn học gia đình có điều kiện đã đăng ảnh đi du lịch nước ngoài trên trang cá nhân. Đem so sánh sẽ có cảm giác tổn thương, tổn thương dẫn đến tự ti, trước mặt người khác bảo sao nghe vậy, khi một mình lại trầm tư suy nghĩ.


Đối với sinh viên xuất phát từ vùng nông thôn nghèo, còn có một áp lực vô hình cõng trên lưng chúng tôi - bố mẹ chúng tôi cho rằng, chỉ cần thi đỗ đại học, sau này sẽ không phải lo cơm ăn áo mặc từng ngày. Sau này, chúng tôi bước đến mới biết, ra đường, khắp nơi là sinh viên đại học!


Cảm giác như những nhân sinh được ông trời lựa chọn để đưa đến một thế giới khác, chúng tôi ra sức leo, cũng có người đã bỏ cuộc. Đến nơi, tưởng rằng có thể viên mãn kết thúc, cuộc sống lại lạnh lùng chỉ trỏ con đường phía trước, chúng tôi đột nhiên nhận ra, thực ra, chúng tôi mới chỉ leo được từ hầm ra đến vạch xuất phát mà thôi.


Chúng ta tưởng rằng đó là điểm cuối, thực ra, mới chỉ là bắt đầu.





Nhưng chúng tôi bắt buộc phải cố gắng, vì nghèo khổ không cho chúng tôi quá nhiều cơ hội để oán trách, từ một góc độ nhất định có thể nói, đi học chính là cơ hội duy nhất để chúng tôi tiến về phía trước.


Tôi sinh ra tại một vùng nông thôn miền núi Đông Bắc, chẳng nói đâu xa, bạn bè trong xóm cùng nhau lớn lên, không thi đỗ đại học chiếm đến ¾. Đến nay, người thì ở nhà làm nông, người thì đi làm thuê khắp nơi...


Núi cao mờ mịt, đi học giống như chiếc thang được thả từ trên trời rơi xuống. Bố mẹ chúng tôi thời đó cũng chỉ học hết cấp một cấp hai, vì vậy họ càng đặt nhiều hi vọng vào con cái, đôi khi tôi còn cảm thấy bố mẹ mình không giống bố mẹ người ta, như muốn đuổi con cái ra khỏi nhà vậy "các con phải học hành chăm chỉ, sau này thoát ly ra ngoài..."


Nếu không đặt vào đó cả một kì vọng to lớn, không có bố mẹ nào thực sự mong muốn con cái rời xa.


Năm đó tôi thi đỗ vào trường chuyên của tỉnh, nhận được giấy báo nhập học, bố mẹ đã xúc động đến rơi nước mắt. Năm rồi tôi thi đỗ thạc sỹ, gọi điện về báo, bố mẹ lại xúc động không nói nên lời. Đối với gia đình tôi, đó là chuyện mừng lớn, nhưng thực ra ở bên ngoài, những tin đó có ở khắp nơi.


Từ sau khi nhận định được vị trí của bản thân, tôi càng thêm nỗ lực. Đôi khi nghe bố mẹ và cùng hàng xóm khoe khoang về con cái của mình, tôi nghe xong chỉ biết cười, trong lòng rất rõ: con đường phía trước còn quá dài.


Vài năm trước có nghe qua một nhận định, có tên: bần hàn khó sinh quý tử. Lúc đó tôi đã không tin. Bởi từ trước đến nay xem ti vi, con nhà giàu mà tôi thấy đều xuất hiện với hình ảnh ăn chơi sa đọa, còn con nhà nghèo chăm chỉ học hành đều công thành danh toại.


Sau này tôi mới phát hiện, rất nhiều người gia đình có điều kiện vừa tài giỏi lại có nhiều sở trường. Tôi chỉ có thể lựa chọn không tin hết, để tự cho bản thân một cơ hội được hi vọng!


Tầm nhìn của mỗi con người thực sự rất quan trọng, nếu thiếu, chỉ có thể tự mình đi nỗ lực bù đắp.





Chính bởi trước khi thi đại học, phải học hành chăm chỉ, chúng ta mới có thể thi đỗ vào một trường tốt. Bởi những ngày trên giảng đường nỗ lực không ngừng, chúng ta mới có đủ kiến thức, để bản thân có thể nắm được nhiều cái "có thể" hơn .


Vài năm gần đây xuất hiện quan điểm về việc có nên đi học đại học, đưa ra không ít ví dụ thực tế cuộc sống, nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học có mức lương thấp hơn người không đi học.


Tôi chưa bao giờ đồng ý với quan điểm này.


Thứ nhất, đại học chỉ là nền tảng, đi học không có nghĩa là phải học đại học. Thứ hai, người có bằng cấp thấp, để có được thành công chắc hẳn chưa bao giờ là dễ dàng. Thứ ba, học xong đại học dù chúng ta có cuộc sống không được như chúng ta không mong đợi, nhưng cũng không đến nỗi quá kém.


Họ nói đi học đại học không bằng học nghề, chỉ với thời gian ngắn là có thể hành nghề kiếm tiền. Thế nhưng xã hội ngày càng phát triển, tự động hóa, máy móc dần thay thế con người, khi đó, kiến thức và năng lực học hỏi cái mới càng trở nên quan trọng.


Họ nói đọc sách cũng không thể nhớ hết toàn bộ kiến thức, học nhiều bao nhiêu đi nữa cũng sẽ là lãng phí, nhưng học hỏi cũng cần thiết như ăn cơm dù đồ ăn không thể khiến chúng ta cao lớn hàng ngày. Kiến thức sẽ vô tri vô giác khiến cho chúng ta hoàn thiện hơn về nhân cách mỗi ngày.


Họ còn đưa ra ví dụ về nhiều nhà kinh doanh giàu có, nhắc đến những người bỏ học giữa chừng, những người không học ở những trường danh tiếng, thế nhưng theo tôi thấy, đó đều là những người vô cùng thích đọc sách.


Chắc hẳn, cũng sẽ có những lúc chúng ta thấy mơ hồ, cảm thấy lo sợ cho tương lai, suy tư về thu nhập, nhưng chỉ cần vững bước, ngủ một giấc, rồi tất cả sẽ ổn.


Bởi vì càng tiến về phía trước, chúng ta càng không có gì ngoài bản thân mình.





Quay lại chủ đề chính: đối với con nhà nghèo, đọc sách có thể thay đổi được gì?


Thực ra, vấn đề này có thể hỏi ngược lại: đối với con nhà nghèo, nếu không chăm chỉ đi học, đọc sách, chúng có thể làm được gì, có thể thay đổi được gì?


Trừ khi đột nhiên xuất hiện một cơ hội vô cùng tốt, nếu không, chúng chẳng có gì cả.


Từng nghe di thư của một học sinh lớp 11 để lại: "Kiếp sau sẽ không là con nhà nghèo" - 8 chữ ngắn ngủi, vừa chua xót, lại vừa thương tâm.


Cũng như tôi, dần dần trưởng thành, chúng ta thấy được sự bất công, thấy được sự phân biệt khoảng cách giàu nghèo, chúng ta không có nền tảng, không có lựa chọn, vậy nếu không tự dựa vào bản thân nỗ lực, có thể, chúng ta sẽ chẳng có gì cả.


Cái duy nhất chúng ta có đó là dũng cảm đối mặt, sau đó ra sức để giành lấy cơ hội thuộc về mình.


Mà cơ hội này, có lẽ cách tốt nhất để có được chính là đi học.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét