Thuế tài sản đang được áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả ở Việt Nam với nhiều tên gọi khác nhau như: thuế bất động sản, chuyển nhượng tài sản, thuế đăng kí tài sản, thuế thừa kế, thuế quà tặng. Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty Luật Basico, nếu đánh thuế tài sản phải đánh vào người có nguồn thu, tức người giàu và có thể đánh lũy tiến, tối đa 10%.
Nên gọi là thuế bất động sản và quyền sử dụng đất
Đó là chia sẻ của Luật sư Trương Thanh Đức tại hội thảo “Thuế tài sản – Một số gợi ý chính sách” do Viện Nghiên cứu Truyền thông Phát triển (RED) phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Tài chính tổ chức ngày 26/6.
Theo ông Đức, việc đánh thuế tài sản là cần thiết, nhưng trước tiên cơ quan soạn thảo cần định danh chính xác là loại thuế gì. “Nếu là thuế tài sản thì phải tiếp cận từ khía cạnh toàn bộ tài sản, rồi loại trừ những tài sản nào không phải đánh thuế. Còn nếu chỉ đánh thuế nhà và thuế đất thì nên gọi đúng là thuế bất động sản và quyền sử dụng đất”, ông Đức chia sẻ.
Ông Đức cũng cho rằng, thuế tài sản phải đánh vào người có nguồn thu, tức người giàu và có thể đánh lũy tiến. Mức thuế thấp nhất có thể là 0,1%, nhưng với người có nhiều tài sản có thể đánh tới 10%. Hơn nữa, phải làm sao tránh tình trạng thuế chồng thuế. Ví dụ, một căn nhà trị giá 10 tỷ đồng thì đánh thuế. Nhưng nếu có hai căn nhà trị giá 1 tỷ, một ở một cho thuê thì chả có lý do gì để đánh. Đặc biệt khi cái nhà cho thuê đã phải nộp nhiều loại thuế như thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập.
Luật sư Trương Thanh Đức bày tỏ lo ngại, hiện nay đến số nhà các cơ quan quản lý nhiều khi còn không quản lý được số ngược, số xuôi, số chẵn, số lẻ, do đó rất khó quản lý được tài sản. “Chúng ta chưa quản lý, thống kê được nhà đó của ai, trị giá bao nhiêu thì không thể đánh thuế được, phải quản lý được dữ liệu thì mới tính đến việc xử lý nó như thế nào” – ông Đức lập luận.
Các nước chỉ đánh thuế với bất động sản
Ông Nicolas Drouin, chuyên gia phát triển, Đại sứ quán Canada cho hay, thuế tài sản ở Canada được xem xét dựa trên nguyên tắc: số tiền nộp thuế phụ thuộc vào trị giá tài sản sở hữu. Canada chỉ áp dụng một mức thuế chung cho cả nhà và đất. Theo ông Nicolas Drouin, ở Canada, thuế tài sản là nguồn thu chính của các địa phương và do các địa phương quản lý, thường được dùng để trang trải các dịch vụ: giáo dục, văn hóa giải trí, y tế, phúc lợi, nhà ở (cho người cao tuổi, nhà cho thuê giá thấp), giao thông vận tải…
Lấy ví dụ cụ thể ở bang Ontario, ông Nicolas Drouin cho biết, chính quyền bang Ontario được ban hành luật, đưa ra các chính sách về thuế tài sản và quy định mức thuế giáo dục. Chính quyền đô thị sẽ xác định nhu cầu thu ngân sách, xác định mức thuế áp dụng tại đô thị và thực hiện thu thuế tài sản. Cứ 4 năm một lần, Tập đoàn định giá Tài sản Ontario sẽ định giá khoảng 5 triệu tài sản.
“Có đến 200 tiêu chí được sử dụng để định giá nhà ở. Trong đó, 5 tiêu chí quan trọng chiếm đến 85% nội dung định giá (vị trí, kích thước lô đất, khu dân cư, tuổi đời tài sản, chất lượng xây dựng). Ở bang Ontario, hộ gia đình vẫn phải đóng thuế tài sản, nhưng sau khi khai báo thu nhập cá nhân, thì nếu hộ gia đình đó thuộc nhóm thu nhập thấp sẽ được tính giảm trừ”, ông Nicolas Drouin cho biết thêm.
Theo bà Lê Thị Mai Liên, Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, Bộ Tài chính, thuế tài sản đang được áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới với nhiều tên gọi khác nhau như: Thuế bất động sản, thuế chuyển nhượng tài sản, thuế đăng kí tài sản, thuế thừa kế, thuế quà tặng... Hầu hết các quốc gia không ban hành một sắc thuế tài sản riêng biệt bao quát tất cả các loại thuế liên quan đến tài sản, cũng như không có một khuôn mẫu chung thống nhất về thuế tài sản.
Cũng theo đại diện Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, hầu hết các nước trên thế giới chỉ đánh thuế tài sản đối với bất động sản. Chỉ có một vài nước đánh thuế đối với động sản (ô tô, tàu bay, du thuyền) như Hàn Quốc, Kyzgystan, Bungari, Ác-hen-ti-na.
“Theo thống kê của Ngân hàng thế giới (World Bank), hiện có 174/193 nước áp dụng thuế tài sản, thuế bất động sản, thuế nhà đất” – bà Liên thông tin.
"Nếu chỉ đánh thuế nhà và thuế đất thì nên gọi đúng là thuế bất động sản và quyền sử dụng đất"- Luật sư Trương Thanh Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét