Thứ Bảy, 14 tháng 7, 2018

Con người đang dần để smartphone “sống hộ”?

Đôi khi chúng ta quá bận bịu với việc lưu giữ những khoảnh khắc quan trọng mà quên mất việc thực sự trải nghiệm những khoảnh khắc đó.



Kể từ khi Apple lần đầu giới thiệu iPhone và khuynh đảo toàn thế giới, cố CEO Steve Jobs đã biết trước phát minh vĩ đại của ông sẽ thay đổi toàn bộ cách con người trải nghiệm và tương tác với điện thoại di động.


Thế rồi trước những bước chuyển mình chóng mặt của công nghệ di động năm này qua năm khác, smartphone ngày càng trở nên gần gũi, tiện lợi và hữu dụng hơn trong cuộc sống thường ngày. Để rồi giờ đây ngoảnh đầu nhìn lại sau hơn một thập kỷ chiếc iPhone 2G ra mắt, dường như smartphone đã trở thành một phần nào đó không thể thiếu của tất cả mọi người, giống như đôi mắt, trái tim hay lá phổi vậy.




Sự phát triển của iPhone nói chung và smartphone nói riêng đã lấy đi của con người khả năng thực sự tận hưởng cuộc sống và lưu giữ khoảnh khắc bằng bộ não và cảm xúc.

Nhà báo Vlad Savov của trang The Verge đã kể về việc anh được gửi cho loạt ảnh chụp tại công viên Finsbury, London tuần trước, nơi diễn ra một sự kiện âm nhạc có sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như nhóm duo Rae Scremmurd. Trong đó, đặc biệt có một bức hình đã ám ảnh anh nhiều ngày liền, chụp một thành viên của Rae Scremmurd đang giao lưu hòa mình cùng đám đông fan hâm mộ - những người gần như không nhìn trực tiếp vào anh dù đó có thể là cơ hội duy nhất họ được tiếp xúc trực diện với thần tượng của mình. Gần như toàn bộ mọi ánh nhìn đều đổ dồn vào màn hình điện thoại để quay cho kỳ hết khoảnh khắc được gặp thần tượng.





Savov đã gọi đó là một “khoảnh khắc zombie thật hoành tráng”, giống hệt những xác sống trong các bộ phim kinh dị ăn khách, người hâm mộ liên tục với tay túm lấy chàng rapper, nhưng lại chẳng dành cho anh dù chỉ một ánh nhìn trực diện. Họ quá bận bịu với việc quay phim, chụp hình bằng smartphone để kịp “lưu giữ khoảnh khắc” đến mức quên đi việc đầu tiên phải làm là tạo ra khoảnh khắc đó bằng cách sống trọn, đắm mình vào nó.


Vlad nói anh ám ảnh với bức ảnh bởi anh nhìn thấy chính bản thân mình trong đó, Savov chính là kiểu người cảm thấy nhu cầu cần phải lưu giữ lại mọi thứ đẹp đẽ xung quanh mình - từ nhà cửa, thiên nhiên, đồ ăn cho tới con người - như thể mọi ký ức tuyệt vời sẽ tan biến vào hư không nếu không kịp giơ smartphone lên bấm vậy.


Thói quen đã ăn sâu vào lối sống của anh đến mức giờ đây anh cảm thấy gần như không thể tận hưởng trọn vẹn chuyến picnic của mình nếu quên đem theo điện thoại, thay vào đó là một cảm giác bức bối, khó chịu khi không được cầm máy ảnh giơ lên chụp bất cứ điều gì mình thích.















Quảng cáo điện thoại di động cũng góp phần tạo nên "văn hóa chụp hình" khi luôn khuyến khích người dùng sử dụng smartphone để "lưu giữ khoảnh khắc"

















Tác động tiêu cực của smartphone và mạng xã hội lên đời sống con người không còn là đề tài xa lạ, nhưng nó càng trở nên đáng báo động hơn khi ngay cả những người làm trong ngành công nghệ - những cá nhân hiểu rõ ràng nhất tác hại của việc phụ thuộc vào thiết bị điện tử - cũng không tránh khỏi lối mòn đó.


Những yếu tố khích lệ từ mạng xã hội như "like" hay "thả tim" cứ thế nuốt trọn lấy chúng ta một cách chóng mặt, tưởng thưởng những bức ảnh đẹp, dòng status hay ta đăng tải bằng hàng nghìn lượt like hay chia sẻ đáng hãnh diện và thật khó cưỡng lại. Có lẽ tất cả mọi người có mặt tại buổi festival âm nhạc hôm Chủ Nhật vừa rồi tại Anh đều bị hối thúc bởi một nhu cầu xã hội tương tự: hoặc chụp ảnh đăng lên Facebook, hoặc không ai tin bạn đã có mặt tại đó.



Tại một sự kiện khác, fan hâm mộ liên tục selfie cùng rapper Kanye West nhưng thực sự chẳng ai đoái hoài đến anh

Như đã nói, vấn đề nằm ở chỗ đôi khi chúng ta quá mải mê với hoạt động chụp hình mà quên mất dành tặng cho bản thân một khoảng lặng để chìm đắm vào thực tại tươi đẹp, bởi đó mới chính là lúc ta tạo nên khoảnh khắc. Kỷ niệm không đến từ những giây phút dán mắt vào màn hình để quay phim, chụp ảnh sao cho "về nhà còn có cái mà xem". Kỷ niệm là lúc ta yêu thương bản thân mình, cho phép bản thân buông lơi chiếc điện thoại và cảm nhận cuộc sống quanh ta bằng những giác quan sẵn có. Những bức hình, đoạn phim quay được chỉ nên đóng vai trò là những món quà lưu niệm nhỏ giúp gợi lại toàn bộ ký ức về một sự kiện đáng trân trọng trong cuộc đời con người, thay vì trở thành toàn bộ những ký ức đã trải nghiệm tại thời điểm đó.


Sau cùng, smartphone chắc chắn là một trong những phát minh vĩ đại nhất của thế kỷ 21, nhưng cùng với sự ra đời của smartphone, con người cần phải học lại nghệ thuật hưởng thụ cuộc sống, tận hưởng khoảnh khắc thay vì nhốt những ký ức đẹp đẽ vào một màn hình nhỏ không thể nào chạm tới được. Nói cách khác, hãy học cách sống cùng smartphone, không phải sống qua smartphone.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét