Tận dụng các quán cà phê "chết", thuê mặt bằng 250m2 giá 6 triệu đồng/tháng, chàng trai trẻ sáng bán cà phê, tối dạy tiếng Anh
Chuỗi Talk Café 100% English là mô hình khởi nghiệp của nhà sáng lập Minh Quyền. Anh đến Shark Tank Việt Nam cùng lời mời gọi đầu tư 2 tỷ đổi lấy 20% cổ phần.
Hiện Talk Café có 2 cơ sở ở Biên Hòa, cứ buổi sáng thì bán cà phê, tối dạy tiếng Anh với quy mô 5 người/lớp. Đối tượng hướng tới là các bạn sinh viên hoặc đang đi làm, độ tuổi từ 18-40. Học phí tại đây được tính dựa trên sự chuyên cần của học viên, học càng chăm thì học phí/buổi càng rẻ, xê dịch từ 65.000 - 85.000 đồng/buổi, và chia theo từng buổi với lịch học linh động.
Về mặt bằng, nhờ tận dụng được các quán cà phê "chết" sau khi kinh doanh theo trào lưu, Quyền thuê được bằng bằng với giá khá rẻ. Bạn cho biết cơ sở 1 có mặt bằng 400 m2, thời gian đầu thuê chỉ 9 triệu đồng/tháng. Cơ sở 2 mặt bằng 250m2, dưới hầm, Quyền thuê được với giá 6 triệu đồng/tháng.
Về giáo viên, Talk Café có các giáo viên người Việt dạy chính, xen kẽ với các giáo viên nước ngoài đến từ Châu Âu, Mỹ, Singapore, Ấn Độ.
Đầu vào giáo viên tại Startup này gồm:
- Tốt nghiệp ĐH chuyên ngành ngoại ngữ, IELTS 6.0, TOEIC 800 trở lên
- Tất cả ứng viên phải qua Founder vốn có kỹ năng giảng dạy phỏng vấn
- Qua 2 tuần training khả năng đứng lớp
- Tất cả giáo viên phải chuẩn bị giáo án
- Dạy thử
Hiện Talk Café cơ sở 1 có doanh thu 105 triệu đồng/tháng, trong đó 30 triệu đồng đến từ hoạt động kinh doanh cà phê, phần còn lại đến từ dạy học tiếng Anh. Lợi nhuận sau khấu hao ở mức 15 triệu đồng/tháng.
Cơ sở 2 mới hoạt động 2 tháng, hiện đang lỗ 5 triệu đồng tiền mặt và 10 triệu đồng tiền khấu hao. 2 tuần nữa Quyền sẽ khai trương cơ sở 3.
"Tất cả còn rất mới. Anh chưa thấy rào cản nào", Shark Nguyễn Ngọc Thủy bình luận.
"Giáo viên đi thuê, giáo trình do giáo viên soạn, khi có đối thủ cạnh tranh mở giống em thì em có lợi thế gì đặc biệt?"
Trả lời câu hỏi của vị cá mập trong ngành giáo dục, Quyền cho biết mô hình của Quyền có 2 lợi thế:
- Các trung tâm đang hoạt động theo kiểu thuê một tòa nhà, cho nên không trung tâm tiếng Anh nào có thể bán khóa học tiếng Anh 5 người/lớp với giá 65.000 đồng/buổi.
Trong khi đó với mô hình tích hợp bán cà phê của Quyền, lợi nhuận từ bán cà phê trang trải được chi phí thuê nhà, xe, điện, nước… Thêm đó, chi phí thuê mặt bằng của Quyền rất rẻ do tận dụng được từ các quán cà phê "chết" nên hạ được học phí.
- Các trung tâm khác vướng vấn đề thời gian cố định, không phù hợp với các công nhân đi làm theo ca.
Shark Thủy muốn lấy 51% cổ phần và tuyên bố: "Hoặc em sẽ là người của anh, hoặc anh là đối thủ của em"
Trình bày thêm trên Shark Tank Việt Nam, Quyền cho biết đang viết đề xuất tới 2 chuỗi cà phê lớn nhất Việt Nam là Highlands và The Coffee House về việc hợp tác. Theo quan sát, tất cả quán cà phê chỉ có khả năng cung ứng 30% trong khung giờ 17:00 - 19:00. Nếu dạy học được trong 200 cửa tiệm cà phê vào khung giờ này, Talk Café có thể cam kết lợi nhuận mang lại 10 triệu đồng/tháng/shop. Như vậy, các chuỗi thu về 2 tỷ đồng/tháng, tương đương 24 tỷ đồng/năm - một con số khá hấp dẫn.
Một cách nữa để phát triển thị trường là đi theo 450 trường đại học, cao đẳng trên cả nước theo mô hình bán trà sữa kết hợp cà phê, Quyền bày tỏ.
Nhận thấy đam mê của startup và thích thú trước cách nhà sáng lập giải quyết các vấn đề về thị trường, Shark Linh đưa ra lời đề nghị đầu tư 2 tỷ đồng cho 30% cổ phần. Trong đó, Shark sẽ giải ngân trước 1 tỷ, sau khi startup đạt KPI, shark sẽ đầu tư tiếp 1 tỷ còn lại.
Đánh giá startup rất có tư duy hệ thống, tuy nhiên, mô hình giáo dục lại trái với hệ sinh thái kinh doanh của mình, do vậy Shark Phú và Shark Hưng quyết định từ chối đầu tư. Shark Dzung cũng đưa ra quyết định rút lui.
Em nghĩ 5 tỷ đổi lấy 45% là OK. Anh Thủy nên cân nhắc
Là "ông lớn" dẫn đầu trong mảng đào tạo tiếng Anh, Chủ tịch HĐQT Apax Leaders quyết định đầu tư, ông nói: "Anh thích sự thông minh của em. Anh sẽ định giá em cao hơn, anh đưa ra lời đề nghị 5 tỷ cho 51%". Với đề nghị này, ông Thủy nâng định giá công ty lên gần 10 tỷ đồng, cao hơn so với mức định giá hơn 6 tỷ của Shark Linh.
Shark Linh chiêu dụ Minh Quyền bằng cách đưa ra phương án startup có thể nhận rót vốn từ quỹ VinaCapital trước, sau khi phát triển công ty lên một mức độ nhất định, Startup có thể đi chào mời đầu tư với phía Shark Thủy.
"Hoặc em sẽ là người của anh, hoặc anh là đối thủ của em. Vì không có được em, anh sẽ làm. Biên Hòa anh có cơ sở rồi. Em đi đâu anh sẽ có đó", Shark Thủy tuyên bố.
Kiên quyết giữ tỷ lệ cổ phần cao hơn, Founder này đàm phán với mức giá 5 tỷ đổi lấy 45%.
Giải thích về tỷ lệ 51% của mình, Shark Thủy nói:
"Thứ nhất anh cần một định giá chuẩn. Thứ hai, với 2 tỷ không được làm gì cả và em có thể chết giữa đường. Tham gia với bên anh, có nhiều thứ em không cần phải đàm phán, tiết kiệm được thời gian, nhân công. 5 tỷ đủ để em đi đến một ngưỡng và không cần lo gọi vốn nữa...Anh đã ra thêm 3 tỷ nghĩa là rủi ro của anh gấp hơn 150%"
"Hiện tại em theo mô hình tập trung đi thuê. Với 1 tỷ đồng của Shark Linh em có thể mở được 15-20 điểm rồi".
"Sẽ có lúc em bị lỗ chi phí vận hành. 50 cơ sở khác 1 cơ sở. Lúc ấy, khâu trung gian, quản lý sẽ "ăn" vào giá vốn, chi phí của em. Anh khẳng định 2 tỷ là con số quá màu hồng, không giải quyết được gì cả".
"Việc gọi vốn 2 tỷ thực chất là để đảm bảo an toàn cho các nhà đầu tư và cũng là cách đôi bên lấy niềm tin với nhau trước. Theo cảm tính, em vẫn thấy thoải mái với mức đề nghị của Shark Linh hơn, vì em là người make decision (ra quyết định - PV) trong tất cả business".
Ngừng một lát, Quyền nói thêm: "Em nghĩ 5 tỷ đổi lấy 45% là OK, chứ không phải 51%. Anh Thủy nên cân nhắc".
"Giải ngân theo tiến độ thì anh cứ đưa KPI, em sẽ hoàn thành, hoặc em cam kết với Shark Thủy trong vòng 2 năm đầu tiên không lấy lợi nhuận để hoàn vốn cho anh để anh có niềm tin với e trước, tiếp tục giải ngân tiếp theo".
Đến đây, Shark Thủy vỗ vào ghế sofa cười sảng khoái: "Anh đồng ý". Ông lên ôm Minh Quyền và khen Founder này có khả năng thuyết phục rất tốt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét