Chủ Nhật, 26 tháng 8, 2018

'Oải' và băn khoăn không biết có nên 'nhảy việc' hay không, thay vì do dự, bạn nên động não tìm cách thăng tiến

Nghe thì có vẻ nghịch lý, nhưng tìm cách thăng tiến chính là chìa khóa thông minh để thoát khỏi tình thế 'tiến thoái lưỡng nan' trong công việc hiện tại.






Nếu đã cảm thấy bị mắc kẹt ở vị trí hiện tại, chẳng phải bạn nên chuyển sang một vị trí mới sao? Nhưng không hẳn. Có thể việc phấn đấu thăng tiến chính là chìa khóa để bạn thoát khỏi tình trạng trì trệ này.


Cảm giác chán việc có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân:


- Bạn chọn làm việc này chỉ vì tiền.


- Quan điểm của sếp bạn không còn phù hợp với bạn.


- Bạn nhận ra mình đã chọn sai nghề.


- Bạn không cảm thấy mình được coi trọng.


- Bạn đảm nhận một công việc nào đó quá lâu chỉ vì lo sợ.


- Bạn làm ở vị trí đó mà không hoàn toàn hiểu rõ về nhiệm vụ của mình.


Có rất nhiều nguyên nhân khiến bạn cảm thấy chán nản, trì trệ với vị trí hiện tại của mình, nhưng hãy tập trung suy nghĩ làm thế nào để gỡ mình ra khỏi mớ bòng bong này. Hay nói cách khác là Thăng tiến.


Cách tốt nhất để bạn được thăng tiến chính là thể hiện mình có giá trị hơn đối với công ty hay cơ quan của bạn. Đó là khả năng kiếm tiền, tiết kiệm tiền, tăng năng suất hay thành tích vượt trội nào đó? Bạn có thể chứng minh giá trị gia tăng của mình bằng cách nào? Hãy cùng tìm hiểu ngay.





1. Trở thành một người cố vấn (thay vì trực tiếp thực hiện)


"Hãy cẩn thận, đừng chỉ chăm chăm làm tốt một việc, nếu không, bạn sẽ chẳng bao giờ làm được việc khác." Lời khuyên này có nghĩa, bạn nên đối mặt với những thách thức khác hoặc suy nghĩ vượt ra ngoài vị trí hiện tại.


Thực tế là, khi bạn làm quá tốt một công việc, quản lý của bạn sẽ không tin tưởng bất kỳ ai khác ngoài bạn làm việc đó. Điều này có thể khiến bạn dậm chân tại chỗ. Bạn không có cơ hội thử một vị trí khác, chỉ vì bạn đã thể hiện cho người khác thấy, công việc hiện tại là quá phù hợp với mình, và mình đã làm quá tốt công việc đó.


Vậy, làm thế nào để chứng minh cho sếp của bạn rằng bạn có thể tạo ra nhiều giá trị hơn nữa, nếu được thăng chức?


Hãy cân nhắc tận dụng thế mạnh và kỹ năng của bạn. Giả sử, công việc mà bạn đang đảm nhận rất tốt là tuyển dụng và đào tạo nhân viên mới. Nó đòi hỏi bạn phải có nhiều kỹ năng như: quan hệ ngoại giao, móc nối giữa các bộ phận, thàh thạo phần mềm quản lý nhân sự, quản lý hiệu suất, làm việc nhóm, quan hệ với khách hàng và quản lý dự án. Hãy tìm xem, có ai khác trong nhóm của bạn có khả năng đó không? Hãy thử ủy nhiệm và đào tạo một số nhân viên hay đồng nghiệp của bạn, để họ có thể thay thế vị trí của bạn.


Khi bạn đã đào tạo người khác làm tốt công việc mà bạn đã từng khẳng định giá trị bản thân, bạn có thể suy nghĩ về khả năng thăng tiến. Hãy sẵn sàng trình bày với sếp, rằng bạn đã tiết kiệm tài chính cho công ty, cổ vũ nhân viên trau dồi kỹ năng như thế nào.





2. Tư duy lý trí


"Nếu bạn cảm thấy chán nản với công việc mà mình đã từng yêu thích, thì điều cần thay đổi chính là bạn, chứ không phải công việc."


Khi một công việc đã làm quá lâu, đi vào lối mòn, bạn thường có xu hướng rơi vào những cảm xúc tiêu cực khi nghĩ về nó. Trong tình huống này, bạn nên tìm cách trò chuyện với người quản lý của mình, chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc của bạn. Bạn có thể nhận được những lời khuyên về cách khám phá những khía cạnh mới trong công việc cũ, và thương lượng một số nhiệm vụ bổ sung hay cơ hội để thăng tiến.


Nhưng đừng bày tỏ sự thất vọng. Hãy thể hiện mong muốn nhiều hơn.


Chia sẻ với người quản lý của bạn rằng bạn muốn được thử thách và muốn tiến bộ. Bạn đang tìm kiếm thêm những nhiệm vụ mới để cống hiến cho sự phát triển của công ty.


3. Cải thiện kỹ năng mềm


Kỹ năng mềm là những thứ dường như vô hình, nhưng lại đem lại hiệu quả hữu hình: giúp bạn trở thành chuyên gia dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực của bạn.


Có thể kể đến các kỹ năng mềm sau:


- Giao tiếp


- Lãnh đạo


- Trách nhiệm


- Làm việc theo nhóm


- Giải quyết vấn đề


- Ra quyết định


- Quản lý thời gian


- Sự linh hoạt


Và rất nhiều kỹ năng khác. Bạn có thể tăng cơ hội thăng tiến cho bản thân bằng cách đăng ký các khóa học hay hội thảo. Không nhất thiết phải yêu cầu công ty tài trợ cho các khóa học này. Có rất nhiều khóa học với mức học phí hợp lý, và quan trọng là nó giúp ích cho chính bạn đầu tiên!


Một cách khác để cải thiện kỹ năng mềm là kết nối với một người trong công ty – người đang ở vị trí mà bạn mơ ước. Hãy thể hiện mong muốn tiến bộ của bạn, quan sát, trò chuyện với họ và tìm hiểu bí quyết của họ là gì. Nhớ rằng, cần phải áp dụng dựa trên thế mạnh của bản thân. Và đừng quên cảm ơn họ!





4.Nhìn xa trông rộng


Mark Twain từng nói, 2 ngày quan trọng nhất trong cuộc đời bạn là ngày bạn sinh ra đời và ngày mà bạn tìm ra lý do Tại sao.


Bạn đã từng nghĩ kỹ, TẠI SAO mình lại muốn thăng chức không? Bạn có nhìn thấy tương lai của mình ở công ty này không? Bạn có kế hoạch 1 năm, 5 năm hay 10 năm không? Bạn có thường xuyên cân nhắc lý do TẠI SAO và đảm bảo rằng nó phù hợp với lựa chọn của bạn không?


Hãy ngồi xuống và làm một danh sách: Lợi – hại theo 2 cột.


Hãy viết ra mọi khía cạnh tích cực của công việc hiện tại, và sau đó là mọi khía cạnh tiêu cực. Danh sách nào dài hơn? Hãy xem kỹ danh sách và chọn ra những thứ Lợi và Hại lớn nhất. Liệu cái Lợi đó có đáng để bạn chấp nhận cái Hại? Nếu bạn không thể trả lời Có với câu hỏi đó, thì việc thăng chắc chưa chắc là điều mà bạn thực sự muốn hay cần lúc này.


Nào, hãy nhìn lại tổng thể để thấy rằng trạng thái trì trệ hiện tại có thể chính là lựa chọn của bạn. Bạn có thể chọn đi tiếp, xa hơn trên con đường đó, hoặc chuyển sang một ngã rẽ mới. Bởi vì đôi khi, sự thăng tiến thực sự chính là tìm thấy mục đích sống của mình. Và đó mới chính là điều vô giá.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét