GDP 9 tháng tăng 6,98%
Ngày 28/9, Tổng cục thống kê (GSO) công bố tình hình kinh tế xã hội 9 tháng đầu năm 2018. Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 3/2018 tăng 6,88% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,46%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,61% và khu vực dịch vụ tăng 6,87%. Mức tăng này tuy thấp hơn mức tăng quý I nhưng cao hơn quý II, cho thấy nền kinh tế vẫn giữ được đà tăng trưởng.
“Các ngành nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến chế tạo và xuất khẩu tiếp tục là động lực phát triển kinh tế của đất nước. Tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm có xu hướng giảm dần”, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định.
Kế đó, tổng sản phẩm trong nước 9 tháng năm 2018 tăng 6,98%, là mức tăng cao nhất của 9 tháng kể từ năm 2011 trở về đây. Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng 9 tháng năm nay cao nhất trong giai đoạn 2012-2018.
Cũng trong 9 tháng đầu năm, cả nước có hơn 96.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, cả nước có tới 73.000 DN tạm ngừng hoạt động, tăng 48,1% so với năm 2017.
Bên cạnh những mặt tích cực, GSO cho biết, những tháng cuối năm 2018, nền kinh tế còn đối diện nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ngày càng gia tăng, tạo áp lực lớn đến điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất, lạm phát và sản xuất trong nước. Kinh tế Việt Nam có độ mở tăng nhanh dễ bị cuốn vào vòng xoáy của những biến động kinh tế thế giới.
GDP năm 2019 chịu ảnh hưởng từ thuế bảo vệ môi trường
Nhận định về tăng trưởng năm 2019, ông Dương Mạnh Hùng, Vụ hệ thống tài khoản quốc gia cho biết, việc tăng thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu sẽ tác động CPI và sản xuất, làm giảm GDP năm 2019. Trước đó, 9 tháng đầu năm 2018, việc tăng giá xăng dầu là một trong những nguyên nhân khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng lên.
Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Việt Nam đứng thứ 12 về quy mô xuất khẩu và đứng thứ 5 về quy mô thương mại so với Mỹ. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc xảy ra, rủi ro lớn nhất với Việt Nam là Mỹ đưa ra rào cản thuế, kỹ thuật. “Khi hàng hoá các nước vào Mỹ bị áp thuế, Việt Nam có thể chịu ảnh hưởng của rủi ro thương mại khi hàng hoá các nước núp bóng hàng sản xuất tại Việt Nam”, ông Lâm cảnh báo.
“Xăng dầu tăng giá sẽ khiến chi phí sản xuất và tiêu dùng tăng lên từ đó làm giảm tăng trưởng GDP. Còn GDP giảm bao nhiêu, sẽ tính toán sau”.
Ông Dương Mạnh Hùng, Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia cho biết
Theo Quỳnh Nga
Tiền phong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét