Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2018

Vì sao startup kỳ lân này có nhân viên ở 45 quốc gia nhưng không hề có văn phòng nào?

Gitlab đã tạo ra một sản phẩm cho phép mọi người cùng hợp tác làm việc khi không ngồi chung một văn phòng.






Trong cơn lốc đổ xô đi tìm vàng ở ngành công nghệ, Gitlab cùng với các đối thủ cạnh tranh như Github và Bitbucket có thể được coi là những người "bán xẻng" cho cả thế giới.


Gitlab tạo ra các phần mềm để các lập trình viên sử dụng nhằm phát triển phần mềm của chính họ. Mặc dù công ty được tổ chức rất quy củ (công ty này vừa tuyên bố gọi vốn thành công thêm 100 triệu USD, và được định giá ở mức hơn 1 tỷ USD), Gitlab không hề có văn phòng nào. Với gần 400 nhân viên ở 45 quốc gia khác nhau, họ làm việc từ xa 100%.


Làm việc từ xa gần đây rất phổ biến. Các nhân viên đều yêu thích hình thức này vì họ không phải đi lại nhiều. Các công ty cũng ưa chuộng hình thức này vì họ không phải trả tiền thuê mặt bằng. Nhưng có lẽ lợi ích lớn nhất của nó là khả năng tuyển dụng nhân viên từ bất kỳ đâu trên thế giới.


"Nhân viên không phải chọn giữa theo đuổi sự nghiệp hay ở gần gia đình", Barbie Brewer – giám đốc văn hóa của Gitlab – cho biết. "Nhưng làm việc từ xa cũng có nghĩa là chúng tôi không thể làm việc đồng bộ với nhau".


Và từ nhu cầu đó, Gitlab đã tạo ra một sản phẩm cho phép mọi người cùng hợp tác làm việc khi không ngồi chung một văn phòng. Nhưng không có văn phòng cũng có những khó khăn và hạn chế của nó – trước hết đó là xây dựng văn hóa công ty.


Gitlab đã đặt ra một số hoạt động chung, chẳng hạn như các cuộc thảo luận hàng ngày ở đó không được phép nói chuyện về công việc, rồi sổ tay nhân viên để giải thích các giá trị và quy trình của công ty một cách chi tiết. Nhưng nghịch lý ở chỗ, Gitlab nhận thấy rằng cách tốt nhất để khiến nhân viên ở một công ty không có văn phòng hợp tác với nhau hiệu quả là thỉnh thoảng tập hợp họ lại một chỗ.


Mỗi năm Gitlab lại tổ chức một buổi họp mặt toàn công ty ở mỗi khu vực khác nhau. Năm nay là ở Cape Town, năm ngoái là đảo Crete. Công ty cũng chịu toàn bộ chi phí để nhân viên đến thăm đồng nghiệp khắp nơi thế giới. Năm ngoái, 2 nhân viên Gitlab đã tận dụng triệt để chính sách này và dành tới 6 tháng đến thăm kết hợp làm việc với 49 đồng nghiệp ở 14 quốc gia khác nhau.


Rốt cuộc thì, lợi ích của hình thức làm việc từ xa không phải là bổng lộc cho nhân viên mà chính là năng suất lao động của họ. Một công ty không có văn phòng đòi hỏi mỗi nhân viên phải chủ động đầu tư vào quá trình xây dựng quan hệ với các đồng nghiệp của mình. Các dự án phải được vạch ra rõ ràng, và phần mềm dùng để kết nối mọi người phải hoạt động hiệu quả.


Không có căng tin để các nhân viên của Gitlab trực tiếp gặp gỡ, họ không còn cách nào khác ngoài tự giải quyết mọi việc một mình. Nhưng với giá trị thị trường 1,1 tỷ USD của công ty, có lẽ điều đó nói lên phần nào hiệu quả của hình thức làm việc và tổ chức công ty như thế này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét