Tổng mức đầu tư cho 10 đoàn tàu 4 toa chạy tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội vào khoảng 110 triệu EUR...
"Tốc độ đoàn tàu khai thác tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội rơi vào khoảng 30 km một giờ, tổng thời gian tính toán chạy của đoàn tàu bao gồm cả thời gian đỗ các ga khoảng 43 phút kết thúc hành trình. Tốc độ khai thác tương đương thông lệ các tuyến metro trên thế giới", ông Nguyễn Cao Minh, Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) thông tin tại buổi họp báo sáng 28/9.
Dự kiến, đoàn tàu tuyến metro số 3 đoạn Nhổn - ga Hà Nội sẽ khai thác thương mại trước đoạn đi trên cao dài 8 km vào đầu năm 2021, bắt đầu từ Nhổn đến ga Cầu Giấy. 4,5 km đi ngầm còn lại sẽ khai thác vào cuối năm 2022.
Ông Ngụy Như Nguyện, đại diện Ban quản lý dự án cho hay, tổng mức đầu tư cho 10 đoàn tàu mỗi tàu 4 toa vào khoảng 110 triệu Euro. Số lượng đoàn tàu giai đoạn đầu đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách 23.900 lượt người/giờ cao điểm đến năm 2030.
Cũng tại buổi họp báo này, Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội công bố kết quả khảo sát ý kiến cộng đồng về thiết kế đoàn tàu metro số 3 đoạn Nhổn - ga Hà Nội do nhà sản xuất Alstom (Pháp) thiết kế.
Hơn 1.000 người được lựa chọn ngẫu nhiên tham giai khảo sát trực tuyến. Đối tượng là những người hiện đang sống và làm việc gần 8 ga trên cao thuộc tuyến metro số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội bao gồm từ học sinh, sinh viên, công chức đến người cao tuổi, phân bổ theo giới tính.
Kết quả khảo sát cho thấy, trên 80% người được hỏi đánh giá đoàn tàu có thiết kế đẹp, hài hoà và hơn 90% cho biết sẵn sàng sử dụng khi tàu metro đi vào vận hành chính thức. 20% người dân chưa đánh giá cao về thiết kế này.
Các tiêu chí thiết kế của đoàn tàu metro khiến người dân quan tâm là thời gian chính xác, không tắc đường, chỗ ngồi thoải mái phù hợp với người già và người khuyết tật, thiết kế nội thất hiện đại, màu sắc hài hoà.
Sau khi được UBND thành phố Hà Nội chính thức phê duyệt mẫu thiết kế đoàn tàu metro số 3, đơn vị thiết kế và thi công sẽ bắt đầu sản xuất.
Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội được UBND thành phố giao cho Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội làm chủ đầu tư trực tiếp thực hiện dự án. Dự án có tổng chiều dài 12,5 km, trong đó đoạn đi trên cao 8,5 km và đoạn đi ngầm 4,5 km, đi qua quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm.
Từng được kỳ vọng là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên đi vào hoạt động, góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc của Hà Nội, thế nhưng, dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội sau đó đã trở thành một trong những dự án "rùa bò" nhiều tai tiếng nhất. Đến thời điểm hiện tại, đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội thuộc diện dự án chậm tiến độ nhất cả nước.
Dự án khởi công năm 2006, dự kiến hoàn thành năm 2010. Tuy nhiên, sau nhiều lần dừng triển khai, dự án lùi tiến độ đến sau năm 2021. Kèm theo những lần lùi tiến độ, tổng mức đầu tư dự án cũng tăng từ 783 triệu EUR tăng lên 1.176 triệu Euro.
Báo cáo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ tại buổi kiểm tra tiến độ thi công dự án mới đây, ông Nguyễn Cao Minh cho hay, tiến độ thực hiện dự án chậm trễ kéo dài do gặp nhiều khó khăn vướng mắc.
Năng lực và kinh nghiệm quản lý dự án của chủ đầu tư đối với dự án lớn và phức tạp hạn chế; công tác quản lý hợp đồng với tư vấn Systra còn bất cập. Tư vấn Systra là tư vấn lớn nhiều kinh nghiệm về đường sắt đô thị nhưng thiếu kinh nghiệm vệ hệ thống quản lý, quy trình thủ tục ở Việt Nam, dẫn đến quá trình thực hiện còn nhiều vướng mắc.
Về nguyên nhân khách quan, ông Minh cho rằng giải phóng mặt bằng chậm; vốn ODA hàng năm không được bố trí đủ, dẫn đến chậm trễ thanh toán cho nhà thầu, tiến độ thi công bị ảnh hưởng…
Năm 2017 MRB được giao giải ngân 1.641 tỷ đồng, tuy nhiên nhu cầu thi công thực tế cần đến 3.320 tỷ đồng. Năm 2018 MRB được giao giải ngân 1.100 tỷ đồng, nhưng nhu cầu thực tế là hơn 2.500 tỷ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét