Ngoài những cái tên như Landmark 81, Keangnam 72, Lotte Center, Bitexco, danh sách 30 toà nhà cao nhất Việt Nam còn có Vietcombank Tower, Discovery Complex A, Saigon Centre 2…
Kinh tế càng "thịnh", càng nhiều nhà chọc trời
Năm 2011, Keangnam Landmark 71 đi vào vận hành, được mệnh danh là toà nhà cao nhất Việt Nam. Công trình trở thành biểu tượng cho sự phát triển lĩnh vực xây dựng, ngành công nghiệp, dịch vụ ở nước ta. Thậm chí, cao ốc này còn được xem là biểu tượng cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thời điểm đó.
Nhiều ý kiến cho rằng cuộc đua xây cao ốc phản ánh một phần cuộc đua quyền lực của các đại gia bất động sản, và cũng là chỉ dẫn cho tăng trưởng kinh tế từng năm, từng giai đoạn.
Nếu nhìn vào danh sách 30 toà nhà cao nhất Việt Nam hiện tại cùng thời điểm khởi công, hoàn thiện, nhận định này có phần đúng.
Keangnam 72 từng được xem là biểu tượng của tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Ảnh: Zing.vn.
Chẳng hạn, năm 2010, GDP tăng trưởng 6,78%, cao nhất kể từ năm 2008. Cũng trong năm này, thị trường bất động sản chứng kiến nhiều dự án cao ốc chọc trời được khởi công xây dựng, 5 trong số đó “lọt” danh sách 30 dự án cao nhất Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại.
Ngoài ra, cùng năm 2010, dự án PVN Tower với chiều cao dự kiến 528 m và dự án khách sạn Hoa Sen cũng rục rịch chuẩn bị xây dựng. Theo chủ đầu tư của 2 dự án, sau khi PVN Tower và khách sạn Hoa Sen hoàn thành, 2 công trình này sẽ vượt chiều cao của Keangnam Landmark 71, trở thành những toà nhà cao nhất Việt Nam. Tuy nhiên đến nay, cả 2 toà nhà vẫn chỉ "nằm trên giấy".
Hay năm 2017-2018, GDP tăng trưởng lần lượt 6,81% và 7,08%. Đây cũng là 2 năm lượng cao ốc được xây dựng và hoàn thành nhiều nhất từ trước đến nay. Cụ thể, 15/30 toà nhà cao nhất Việt Nam được hoàn thành trong 2 năm này, trong đó có đại diện nổi bật là Landmark 81, toà nhà sở hữu chiều cao kỷ lục hiện nay ở Việt Nam.
Năm 2012-2013 là giai đoạn khó khăn của nền kinh tế. Nhìn lại 30 dự án toà nhà chọc trời, không có dự án nào được ấp ủ hay khởi công xây dựng trong 2 năm này.
Cho đến năm 2014, khi nền kinh tế trong nước có dấu hiệu phục hội, có 5 toà cao ốc được khởi công và hoàn thành 2-4 năm sau đó, điển hình là Landmark 81, CT4 Vimeco...
Dự án nhanh nhất 2 năm, lâu nhất… không xác định
Trung bình, thời gian để một dự án hoàn thiện là 4,3 năm. Trong đó, nhiều dự án cao ốc chỉ mất 2 năm để hoàn thành, song cũng có những dự án kéo dài đến 10 năm, thậm chí có dự án bị treo, không xác định được thời gian đi vào vận hành.
Chẳng hạn, Saigon One Tower xếp thứ 7 trong danh sách những toà nhà cao nhất Việt Nam với chiều cao 195 m nhưng đến nay vẫn bất động dù được khởi công từ năm 2007. Năm 2018, Sài Gòn One Tower bị đưa ra bán đấu giá và trở thành một trong những dự án có số phận long đong nhất ở Việt Nam.
Một dự án khác là Tháp Doanh nhân (Hà Đông, Hà Nội). Được quảng cáo là công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội với chiều cao 168 m, tương ứng với 45 tầng, song từ năm 2010 đến nay, dự án vẫn ì ạch, nhiều lần tạm dừng rồi tái khởi động. Đến giờ, Tháp Doanh nhân vẫn chưa bàn giao căn hộ cho khách hàng.
Tháp Doanh nhân sau gần 10 năm xây dựng vẫn chưa thể bàn giao căn hộ cho khách hàng. Ảnh: L.T.
Hà Nội là "quán quân" về nhà chọc trời
Trong danh sách 30 toà nhà cao nhất Việt Nam hiện nay, có tới 16 toà nhà được xây tại Hà Nội, 10 toà ở TP HCM, 2 toà thuộc Nha Trang, 2 toà ở Đà Nẵng và một toà ở Hải Phòng.
Ảnh: Internet.
Như vậy, số nhà chọc trời ở Hà Nội nhiều hơn tổng số nhà chọc trời ở TP HCM, Đà Nẵng, Nha Trang, Hải Phòng cộng lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét