Phát biểu tại Hội thảo "CPTPP với doanh nghiệp Việt: Lợi ích hay Thách thức" sáng 18/1, bà Phạm Quỳnh Mai - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho hay: Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP) giúp củng cố, nâng cao vai trò của Việt Nam trong mắt cộng đồng kinh doanh, đầu tư quốc tế.
Về kinh tế, Hiệp định tạo động lực thúc đẩy mở cửa, phát triển mở cửa thị trường. Với vai trò là nước tham gia xây dựng hiệp định CPTTP, Việt Nam có nhiều lợi thế hơn so với các doanh nghiệp khác với hàng loạt hàng rào thuế quan được xóa bỏ. Dù không còn Mỹ, CPTTP vẫn chiếm quy mô thị trường khoảng 13,5% GDP toàn cầu.
Bên cạnh đó, CPTTP còn thúc đẩy cải cách, tạo thuận lợi cho kinh doanh, xóa bỏ rào cản thương mại. Việt Nam có thể tích cực áp dụng cam kết để mở rộng thị trường. Khi hiệp định có liệu lực, hàng triệu việc làm được tạo ra cho người lao động, giúp xóa đói giảm nghèo.
Bà Mai cho rằng, CPTTP mang đến nhiều lợi thế song cũng không ít thách thức đặt ra cho cộng đồng doanh nghiệp.
Từ góc nhìn doanh nghiệp về năng lực cạnh tranh ngành chăn nuôi, ông Nguyễn Cao Trí - Tổng Giám đốc NS BlueScope Lysaght Việt Nam cho biết, các nước chuyên về chăn nuôi họ có nhiều điểm mạnh lớn về thương hiệu, quy mô hệ thống quản lý trang trại, chất lượng. Đặc biệt, với những nước như New Zealand, Mexico, chúng ta có thể phải chịu đựng nhiều rủi ro khi cạnh tranh.
Ông Trí đơn cử, ở Đan Mạch, họ có 3 tỷ USD xuất khẩu heo, chiếm 90% sản lượng thịt mà Đan Mạch sản xuất, nội địa chỉ tiêu thụ 10%. Ở Việt Nam hiện người dân có thói quen ăn thịt tươi mới giết mổ, thịt ấm… thì chúng ta có thể sẽ ổn trong thời gian ngắn, nhưng lâu dài, sẽ có nguy cơ cạnh tranh cao khi người dân quen dần với đồ ăn lạnh. Đặc biệt khi những thành viên khác có thế mạnh chăn nuôi có thể sắp tới sẽ gia nhập CPTPP.
"Hiện chúng ta có 385 triệu con gà và gia cầm, 28 triệu con heo và hơn 10 triệu con gia súc gồm trâu, bò, dê… rõ ràng năng lực sản xuất và tiêu thụ chúng ta có, nhưng năng lực cạnh tranh chưa đủ lớn", ông Trí cho biết.
Theo ông Trí, nguyên nhân của vấn đề trên là do giá thành chưa cạnh tranh, do năng suất nguyên liệu đầu vào chủ yếu phải nhập khẩu, nguồn giống chưa có năng suất cao, hệ thống quản lý trang trại chưa tối ưu... Thứ hai là chất lượng, con heo, bò, gà có thể xuất khẩu qua các nước phát triển hay không?
Ngoài ra còn có các yếu tố ngoại vi khác như thương hiệu chưa đủ lớn, cùng với nhân lực, trang trại nhỏ manh mún... Vì thế, dù chúng ta có hơn 400 triệu gia súc gia cầm nhưng hầu hết đến từ hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Một trong những yếu tố quan trọng trong mô hình chăn nuôi là nguồn cung cấp thực phẩm. Hiện, 60-65% chi phí chăn nuôi nằm ở nguồn thực phẩm. Vì vậy, theo ông Trí, các doanh nghiệp cần có nguồn lương thực đầu vào tốt, được kiểm soát chất lượng, chế độ dinh dưỡng phù hợp với từng giai đoạn vật nuôi đồng thời áp dụng công nghệ cao trong chăn nuôi.
Theo đại diện NS BlueScope Lysaght Việt Nam, chúng ta cũng cần có cơ chế phù hợp, xây dựng trung tâm hỗ trợ thông tin để hỗ trợ doanh nghiệp. Điều quan trọng là làm sao để tạo ra vùng trọng điểm trong chăn nuôi như mô hình của các nước tiên tiến. Theo ông, để làm điều này cần có sự đồng hành của doanh nghiệp, Chính phủ để tăng sức cạnh tranh, đón đầu lợi thế của CPTTP.
Còn ông Đỗ Văn Huệ, Ủy viên Thường trực Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam thì cho rằng, ngành nông nghiệp Việt Nam đang đi chậm hơn các ngành khác. Thời gian qua, ngành mới tháo gỡ được phần nào về vùng nguyên liệu giờ mới đến phần chế biến. Nếu ngành nông nghiệp vẫn còn áp dụng công nghệ cũ kỹ thì không thể xuất khẩu được.
Ông Huệ cho biết, đa số các doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam là bị động, đa số doanh nghiệp chờ khách nước ngoài qua mua hoặc làm gia công cho họ. Đây là điều rất rủi ro cho các nhà sản xuất ở Việt Nam nếu không thay đổi.
Cùng với đó, theo ông Huệ, ngành nông nghiệp của ta hiện đang sản xuất những cái mình có chứ chưa phải đáp ứng những sản phẩm các thị trường nhập khẩu lớn cần. Ông Huệ ví dụ, tại Malaysia, trái mãng cầu xiêm, thậm chí là lá mãng cầu xiêm vẫn bán được, 1 gói trà túi lọc bên đó làm với khoảng 3 lá trà bán 12.000 đồng, người dân bên đó tìm mua nhưng doanh nghiệp mình không nắm thông tin, không đưa sản phẩm sang. Nếu mình trông chờ người nước ngoài sang mua thì lại dính bài toán chỉ làm gia công cho họ, như thế sẽ không đảm bảo thu nhập cho người dân.
Vì vậy, các doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu tìm hiểu các thị trường lớn, mang sản phẩm đến tận nước ngoài bán.
Bà Bùi Kim Thùy - Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - Asean, nguyên thành viên đoàn đàm phán các FTA của Việt Nam cho rằng: "Không thể một sớm một chiều biến nông dân thành doanh nhân và yêu cầu nông dân phải có tư duy của thương nhân được. Cái đó đòi hỏi phải có thời gian".
Bà Thùy chia sẻ thêm, trước khi đi đàm phán về CPTTP, ở Việt Nam khi các ban ngành phát phiếu xin ý kiến nhưng chỉ thu lại 10% ý kiến chất lượng, nhiều doanh nghiệp còn không biết viết vào phiếu khảo sát đó như thế nào. Điều này cho thấy doanh nghiệp Việt không chủ động. Hiện, chưa có nhiều doanh nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp Việt có sự chuẩn bị tốt, chưa có tương tác tốt với khu vực công để cho ra những đề xuất về quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam hiệu quả. Đây là thực trạng dài, cần được xem xét.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét