Thứ Bảy, 19 tháng 1, 2019

Tất cả đều đang hiểu sai slogan "Make in Viet Nam"! Chẳng phải "lỗi đánh máy", cũng chẳng giống "Make in India", đây mới là ý nghĩa sâu xa của cụm từ này!

Hình ảnh tấm banner cỡ lớn mang tên "Make in Viet Nam" mới đây được bàn tán sôi nổi trên mạng xã hội. Người thì cho rằng cụm từ trên đang viết sai chính tả, từ chuẩn phải là "Made in Viet Nam". Người am hiểu hơn thì cho rằng từ này gần với chiến dịch "Make in India" - chiến dịch nhắm mục tiêu biến Ấn Độ thành trung tâm sản xuất toàn cầu. Nhưng đối chiếu lại cách dùng cụm từ này và bối cảnh của nó, thì có vẻ các cách hiểu trên đều đang nhầm…

Ảnh: TTXVN.

Trước khi tìm hiểu ý nghĩa thực chất của từ này, trước hết hãy cùng xem bối cảnh sử dụng cụm từ này tại Việt Nam!

"Make in Viet Nam"(*) lần đầu được dùng ở đâu?




Theo tìm hiểu của người viết, cụm từ "Make in Viet Nam" được dùng một cách công khai lần đầu tại sự kiện ra mắt xe VinFast chiều 20/11/2018 tại Hà Nội.

Lễ ra mắt này được lồng ghép trong sự kiện Lễ phát động phong trào "Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam". Tại sự kiện này, cụm từ "Make in Viet Nam" được TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sử dụng.

"Phong trào "Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam" thực chất là cuộc vận động nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa và thương hiệu Việt. "Make in Viet Nam" - sản xuất bởi Việt Nam để phục vụ cho đồng bào mình và vươn ra thị trường thế giới. Cuộc vận động phải triển khai một cách toàn diện: từ nhận thức tới nâng cao năng lực, xây dựng nền tảng văn hóa, đổi mới công nghệ, nâng cấp quản trị, tăng cường kết nối, tổ chức công tác tiếp thị và phân phối..."

"Đây là yếu tố sống còn cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập", TS. Lộc nói.


"Make in Viet Nam" được dùng trong ngành ICT khi nào?



Sản phẩm "Make in Viet Nam" được trình diễn tại Myanmar hồi tháng 12/2018. Nguồn: MIC.

Trên Cổng TTĐT của Bộ Thông tin và Truyền thông, cụm từ "Make in Viet Nam" được sử dụng trong tin hoạt động của Bộ vào ngày 24/12/2018.

Theo đó, tại Diễn đàn Công nghệ Thông tin - Truyền Thông Việt Nam – Myanmar với chủ đề "Chuyển đổi số trong Chính phủ" tổ chức tại Myanmar, các doanh nghiệp Việt Nam đã mang đến các sản phẩm và giải pháp "Make in Viet Nam" với những trải nghiệm thực tế tại triển lãm được tổ chức bên lề Diễn đàn. Các sản phẩm đó gồm Bphone của BKAV, MyTel của Viettel cùng các sản phẩm công nghệ của VNPT.

Cụm từ "Make in Vietnam" một lần nữa được đưa ra tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông, nhắm tới việc phát triển IoT (Internet vạn vật) là định hướng trọng tâm trong thời gian tới của Bộ để tạo bước đột phá, đưa ngành công nghiệp ICT Việt Nam mang nhãn hiệu "Make-in-Viet Nam" vươn tầm thế giới.

Tuy nhiên, cụm từ này cũng bị một số đơn vị truyền thông hiểu lầm là sai chính tả và đã sửa lại thành "Made-in-Viet Nam".

"Make in Viet Nam" có ý nghĩa giống "Make in India" hay không?


Ảnh: livemint.com.

Cũng có người cắt nghĩa từ "Make in Viet Nam" mang hàm ý tương tự như chiến dịch "Make in India" mà Ấn Độ đã làm rất thành công từ năm 2014. "Make in India" là một sáng kiến được Chính phủ Ấn Độ khởi xướng vào tháng 9/2014 với mục tiêu chuyển Ấn Độ thành một trung tâm sản xuất toàn cầu (global manufacturing hub). Kết quả, Ân Độ đã nổi lên thành một điểm đến hàng đầu toàn cầu về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đạt 60 tỷ USD FDI năm 2015, vượt qua cả Mỹ và Trung Quốc.

Hiểu nôm na, "Make in India" là chiến dịch biến Ấn Độ thành công xưởng gia công. Nhiều người cho rằng "Make in Vietnam" dịch nghĩa đen là "Hãy làm ở Việt Nam". Còn "Made in Vietnam" là "Được làm tại Việt Nam".

Tuy nhiên, "Make in Viet Nam" có mang hàm ý biến Việt Nam thành "công xưởng gia công" như vậy? Không hề. Xem xét những yếu tố sau sẽ rõ:

- Banner "Make in Viet Nam" xuất hiện ở đâu?

"Make in Viet Nam" là tên triển lãm công nghệ, được tổ chức bên lề Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông. Banner mang tên "Make in Viet Nam" được treo tại sự kiện này.

- Sự kiện treo Banner "Make in Viet Nam" có những doanh nghiệp/sản phẩm gì?


Mobifone, VCCorp, Viettel... đều là những doanh nghiệp mang đến triển lãm các sản phẩm thuần Việt. Ảnh: Tuấn Nguyễn.

Các doanh nghiệp tham gia triển lãm là doanh nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông lớn của Việt Nam, gồm Mobifone (với công nghệ nhận diện hình ảnh), VCCorp, Robot phục vụ nhà hàng của Misa, camera giám sát thông minh của Viettel, BPhone của BKAV…

Với một triển lãm toàn doanh nghiệp Việt và các sản phẩm thuần Việt, rõ ràng "Make in Viet Nam" không thể mang hàm ý gia công tại Việt Nam như chiến lược "Make in India" của nước bạn.

Về ý nghĩa của cụm từ này, một vị lãnh đạo doanh nghiệp công nghệ tham gia triển lãm nói trên cũng bình luận: "Trong trường hợp này là "được tạo ra ở Việt Nam", "do người Việt làm ra" chứ không có hàm ý gia công tại Việt Nam".

(*) Theo thông lệ quốc tế, tên quốc gia Việt Nam được quy ước viết là Vietnam. Tuy nhiên trong khuôn khổ bài viết này chỉ phân tích về ý nghĩa của slogan, bởi vậy chúng tôi xin giữ nguyên văn cụm từ "Make in Viet Nam" của ban tổ chức.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét