Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2019

Thông điệp của cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry và lời hứa với Việt Nam

John Kerry có mối lương duyên với Việt Nam trong suốt nhiều thập niên, từ khi ông là viên sĩ quan trẻ năm 1968. Nay, khi không còn là Ngoại trưởng Mỹ, ông vẫn nhiều lần trở lại đất nước hình chữ S.




Cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry là một khách mời quen mặt của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương chủ trì. Những bài phát biểu của ông thường xoay xung quanh vấn đề năng lượng sạch, xanh cho phát triển kinh tế bền vững, trong xu thế biến đổi khí hậu đang trở thành nguy cơ lớn của mọi quốc gia.

Việt Nam, theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhận định là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Ước tính, 10 – 12% dân số sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp, tổn thất về kinh tế khoảng 10% GDP.


Ông Bình cũng nói rằng biến đổi khí hậu cũng gây ra những ảnh hưởng đáng kể đến đảm bảo an ninh năng lượng, làm gia tăng hơn nữa mức độ phụ thuộc năng lượng. Nguyên nhân là sự mất ổn định nguồn cung, nhất là nguồn cung năng lượng sơ cấp.

Nhưng ở chiều ngược lại, các hoạt động sản xuất năng lượng lại là một trong những nguyên nhân gây phát thải nhà kính lớn nhất Việt Nam hiện nay, Trưởng ban Kinh tế Trung ương chỉ rõ.

Cùng với sự tăng trưởng nhanh của kinh tế, nhu cầu sử dụng điện của Việt Nam là rất lớn. Số liệu từ Bộ Công thương cho thấy với kịch bản tăng trưởng GDP bình quân là 7% giai đoạn 2016 – 2030, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm toàn quốc các giai đoạn 2016 – 2020, 2021 – 2025 và 2026 – 2030 phải là 10,6%, 8,5% và 7,5%.





Tuy nhiên, năng lượng của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào nhiệt điện than. Ông Lê Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo từng nhấn mạnh ở hiện tại và trong tương lai gần, nhiệt điện than vẫn là nguồn năng lượng quan trọng, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn điện. Điều này nhằm đảm bảo được việc cung cấp điện đủ, với giá hợp lý cho người dân.

Thế nhưng, ông Kerry lại nghĩ khác. Quan điểm xuyên suốt của ông là cần giảm và dần tiến đến loại bỏ nhiệt điện than. Bởi đây là loại nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm nặng đến môi trường.

"Than là nhiên liệu gây ô nhiễm nhất thế giới. Kể cả khi áp dụng công nghệ mới thì làm gì có cái gọi là than sạch!", cựu Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh và cho biết "Việt Nam đang có mức sử dụng than lên đến 75%. Việt Nam đã tham gia vào Thỏa thuận Paris, nhưng không chỉ ký kết là tốt, cần phải hiện thực hóa nó".

Tình trạng ô nhiễm môi trường tại Việt Nam đã trở nên nghiên trọng kể từ năm 2008 mà như ông Kerry thông tin, có thời điểm không khí tại Hà Nội mức độ ô nhiễm cao hơn Bắc Kinh hay New Deli. Nhiều bệnh tật, cụ thể là những căn bệnh liên quan đến hô hấp, ung thư… đã bùng phát.









Có rất nhiều thách thức ở đây, nhưng Việt Nam có rất nhiều cơ hội để thay đổi nhờ nguồn năng lượng đa dạng như thủy điện, điện gió, điện mặt trời và điện khí…, ông Kerry cho biết.

"Chúng tôi cho rằng có những cơ hội về kinh tế rất tuyệt vời cho Việt Nam, việc làm sẽ được tạo ra cho người lao động, công việc xanh, lương cao, và nguồn năng lượng tạo ra là sạch, dài hạn, bền vững cho đất nước", ông nói một cách mạnh mẽ.

Ông Kerry cho biết chi phí sản xuất điện mặt trời, điện gió đang rẻ hơn điện than.

Báo cáo của Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA) hồi đầu năm 2018 nhận định giá sản xuất một số năng lượng tái tạo đã giảm kỷ lục trên thế giới. Cụ thể, với điện mặt trời, chi phí trung bình đã giảm 73% trong giai đoạn 2010 – 2017, còn khoảng hơn 2.000 đồng/kWh, với điện gió, các con số tương ứng là 23% và 900 đồng/kWh. Trong khi đó, chi phí cho việc phát điện từ nhiên liệu hóa thạch hiện đang dao động từ 1.000 đến gần 4.000 đồng/kWh.

Các nhà máy điện than ở miền Bắc có giá bán điện khoảng 5,5 – 6,2 cent/kWh, quy đổi vào khoảng 1.200 – 1.400 đồng/kWh, các nhà máy mới ở miền Nam do dùng than nhập khẩu nên giá điện bán ra cao hơn khoảng 1,5 – 2 cent/kWh, khoảng 440 đồng/kWh.



Nếu nhìn về các con số, giá nhiệt điện than tại Việt Nam là rẻ so với điện mặt trời. Tuy nhiên, ông John Kerry nhấn mạnh là vì trong giá điện than chưa tính đến những chi phí ngoại biên do than đá gây ra. Chi phí ngoại biên được hiểu là những khoản như chi phí để làm sạch môi trường, chi phí y tế do môi trường ô nhiễm làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người… Đây là những khoản vô hình nhưng rất lớn và thường bị gạt ra ngoài khi tính giá thành sản xuất điện than.

"Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn trong việc xây dựng một nguồn cung năng lượng tuyệt vời, sạch, và giá rẻ. Điều này là hoàn toàn khả thi", cựu Ngoại trưởng Mỹ hào hứng nói.

Bởi ông nhận định Việt Nam có tiềm năng rất lớn, như ở Bình Thuận và Ninh Thuận với điều kiện tự nhiên nhiều nắng, gió, là những nguồn cung khổng lồ cho các nhà máy năng lượng sạch. "Và khi gió không thổi hay không có nắng, chúng ta có tiềm năng thủy điện và khí thiên nhiên", ông nói. Hiện Việt Nam mới chỉ dùng 31% công suất của thủy điện, trong khi công suất thực sự lên đến 45%.




Cựu Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh, để nền kinh tế tăng trưởng một cách bền vững, cần phải biết nắm bắt thông minh. Ông nói rằng mỗi quốc gia sẽ có một giải pháp năng lượng cho riêng mình vì những điều kiện mỗi nơi mỗi khác nhưng than đá luôn là lựa chọn tồi.

Một lần nữa, ông lưu ý, đây là loại nhiên liệu ô nhiễm hàng đầu, dù với bất cứ lựa chọn nào về công nghệ.

"Ở Mỹ, chúng tôi đóng cửa nhà máy nhiện điện than. Thay vào đó, chúng tôi dùng khí thiên nhiên, năng lượng nguyên tử, năng lượng mặt trời và chúng tôi sẽ còn làm hơn thế", ông nói.





Khuôn mặt nghiêm nghị, ông nhấn mạnh rằng không còn nhiều thời gian cho những lựa chọn. Các quốc gia cần hành động nhanh hơn, bởi các biến đổi về khí hậu, môi trường đang ngày một diễn ra nhanh chóng. "Tất cả chúng ta cần chung tay và nghiên cứu nhiều hơn để phát triển năng lượng sạch"

"Chúng ta cần chính sách, chúng ta phải lên tiếng. Chúng tôi cần năng lượng sạch, chúng tôi không muốn hít thở không khí ô nhiễm, chúng làm con tôi ốm, nông nghiệp bị ảnh hưởng khi chẳng gì trồng trọt được. Hàng triệu người chết đói vì ô nhiễm gia tăng…", ông Kerry nói với giọng đầy cảm xúc.

Qua những buổi tiếp xúc với lãnh đạo Chính phủ Việt Nam, từ cấp cao nhất, ông Kerry nói rằng những người điều hành rất ý thức về câu chuyện năng lượng.

"Họ đang nỗ lực chuyển hướng vì biết đây là điều tốt nhất cho Việt Nam", ông nói, "Tuy nhiên, họ cần sự giúp đỡ từ bên ngoài để giải quyết các vấn đề tài chính, chính sách. Đó là những cái tôi đang làm. Tôi đang cố gắng giúp đỡ, cung cấp cho họ những lựa chọn, năng lực để thực thi. Chúng tôi đang cố gắng tạo mọi điều kiện…".

Năm ngoái, khi đến Diễn đàn Kinh tế Việt Nam, ông John Kerry đã nói rằng "Ngày nay, Trung Quốc đang giúp các bạn xây dựng các nhà máy nhiệt điện với công nhân Trung Quốc. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ giúp xây dựng các nhà máy điện mặt trời và điện gió bằng chính những công nhân Việt Nam".

Đối với vấn đề năng lượng, ông John Kerry cũng lưu ý rằng đây không phải là vấn đề riêng của Chính phủ mà toàn bộ người dân Việt Nam cũng cần tham gia. Người Việt, theo đó phải biết lựa chọn cách sử dụng năng lượng.


Bài: Phương Ánh - Quỳnh Trang Ảnh: Tuấn Mark Thiết kế: Hương Xuân

Trí thức trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét