Chủ đầu tư thất hứa
Xây dựng vượt tầng, vi phạm quy định về PCCC… ở nhiều dự án chung cư đã khiến ông Lê Thanh Thản, Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh bị khởi tố. Tuy nhiên, ngoài không chỉ Mường Thanh, Hà Nội hiện còn nhiều chủ đầu tư, dự án cũng sai phạm tương tự, xây sai phép, vượt tầng, vi phạm PCCC, bán nhà không đúng cam kết, quảng cáo… khiến người dân cơ khổ khi vào ở.
Mới đây, cư dân toà nhà Park 4 (5B2), chung cư Eurowindow River Park (Đông Hội, Đông Anh, Hà Nội) có đơn kiến nghị đến Cty TNHH Thăng Long, Sàn giao dịch bất động sản Eurowindow Holding, Ban quản lý toà nhà Euro Home về một số vấn đề tại dự án như: diện tích căn hộ hụt so với hợp đồng từ 0,4-0,75m2 và chưa lắp vách ngăn compact HPL 18mm ở khu vực vệ sinh và thấm nước ở khu vực gần cửa, loggia…
Về những nội dung phản ánh này, đại diện chủ đầu tư cho PV biết: “Trong trường hợp diện tích thực tế của căn hộ chênh lệch (tăng hoặc giảm) so với diện tích dự kiến ghi trong hợp đồng này thì các bên sẽ điều chỉnh giá bán căn hộ. Giá trị hợp đồng (tăng hoặc giảm) tương ứng…và được quyết toán khi đo diện tích để làm sổ đỏ”. Ngoài ra, khu vực nhà vệ sinh có vách ngăn khu vệ sinh bằng tấm compact HPL 18mm, sau khi xây thô, CĐT chưa lắp vách ngăn HPL vì để không gian mở cho khách hàng quyết định có dùng hay không. Trong trường hợp khách hàng có nhu cầu lắp tấm HPL, CĐT sẽ thực hiện đúng theo yêu cầu trong hợp đồng.Về việc một số căn hộ thấm nước, CĐT đã thả gôn để xử lý chống thấm, nứt mặt ngoài toà nhà sau đó sẽ xử lý bên trong.
Tương tự, cư dân sống tại tòa N01 T5 thuộc khu đô thị Ngoại giao đoàn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đến giờ này vẫn sống trong nỗi lo sợ, vì cho rằng, chủ đầu tư đã tự ý thay đổi thiết kế thang máy. Theo phản ánh của cư dân tại đây, thiết kế kèm theo hợp đồng trước khi chủ đầu tư bán nhà cho thấy, tất cả các tầng đều có 6 cửa thang máy, các thang đi thông từ tầng 1 đến tầng 35. Tuy nhiên, khi nhận nhà, thang máy đã bị thay đổi tất cả so với thiết kế ban đầu. Thay vì để 6 thang, chủ đầu tư đã “bịt kín” tất cả thang máy từ tầng 1 đến tầng 5 và bịt 03 thang từ tầng 21 đến tầng 35.
Lý giải việc này, chủ đầu tư dự án nói, nhiều nhà cao trên 30 tầng và một số toà nhà hiện đại đều chia ra ra làm 2 cụm, để tránh xung đột trong giờ cao điểm (hạn chế tầng không liên quan bấm lệch, tránh tình trạng đợi nhau). Thực tế, nỗi lo thường trực với cư dân ở đây vẫn là: Nếu có vấn đề gì về cháy nổ, thì sự an toàn, tính mạng người dân sẽ ra sao khi cần thoát hiểm.
Ngoài việc khách hàng tố những sai phạm của chủ đầu tư, mới đây, Thanh tra Chính phủ chỉ ra hàng loạt các dự án xây sai giấy phép xây dựng, vượt tầng như: Dự án Central Field ở 219 Trung Kính (Cầu Giấy, Hà Nội) do Công ty TNHH 19-12 Bắc Hà làm chủ đầu tư và Tổng Công ty Cổ phần Địa ốc MB (MBLand Holdings) là đơn vị phát triển dự án. Dự án Central Field 219 Trung Kính xây cao 30 tầng, vượt 1 tầng so với giấy phép xây dựng được cấp
Chung cư Sakura Tower (ở 47 Vũ Trọng Phụng) xây vượt 2 tầng, chủ đầu tư là Công ty CP Hùng Tiến Kim Sơn tự ý chuyển đổi công năng tầng kỹ thuật thành căn hộ, văn phòng cho thuê.
Có “đi đêm”?
Theo giám đốc một doanh nghiệp địa ốc trên địa bàn Hà Nội, một tòa chung cư hàng trăm căn hộ từ lúc xây dựng công trình cho đến khi nghiệm thu đưa dân vào ở phải tiếp nhiều đoàn thanh tra. Thực tế, sai phạm về xây sai thiết kế, vượt tầng, chưa đủ tiêu chuẩn về PCCC… đều được thanh tra phát hiện ra. “Tuy nhiên, việc xử phạt hay không phụ thuộc vào quan hệ giữa chủ đầu tư và các cơ quan chức năng có quyền xử phạt. Thậm chí, trước khi kết luận thanh tra một dự án nào đó, bản thân cơ quan tiến hành thanh tra có cuộc “đi đêm” với doanh nghiệp để “vẽ” bản kết luận thanh tra sao cho đẹp”, vị này nói.
Một lãnh đạo thanh tra cấp quận tại Hà Nội thì không ngần ngại chỉ ra: “Thanh tra quận xuống kiểm tra dự án trên địa bàn quận nhưng lại bị chính chủ đầu tư dọa ngược lại vì chủ đầu tư có quan hệ với cấp cao hơn. Thế nên, biết sai phạm nhưng thanh tra dưới quận phải làm ngơ”.
Thực tế, những sai phạm của chủ đầu tư phải chờ đến khi cư dân phản ánh, gửi đơn kiến nghị khắp nơi, báo chí phản ánh, thanh tra mới vào cuộc . Nhưng có điều lạ, có lúc cư dân chờ mãi không thấy kết luận thanh tra. Thậm chí, khi có kết luận chỉ ra sai phạm thì chủ đầu tư khắc phục cũng không được theo đúng kết luận.
Luật sư Bùi Sinh Quyền, Trưởng Văn phòng Luật sư Phúc Thọ phân tích, luật quy định bảo vệ quyền lợi người mua nhà nhưng chính chủ đầu tư không tuân thủ theo pháp luật. Cơ quan quản lý nhà nước khi để xảy ra mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và người mua nhà đều khuyên người dân đi kiện thay vì đưa ra giải pháp khi luật thực sự không bảo vệ được người mua nhà. “Cần có quy định cụ thể và chế tài mạnh hơn nữa để chủ đầu tư tuân thủ đúng pháp luật. Với những trường hợp sai phạm của chủ đầu tư về xây dựng, luật cần làm minh bạch hơn mối quan hệ dân sự giữa chủ đầu tư và người mua nhà để thị trường bất động sản được phát triển lành mạnh”, Luật sư Quyền nói.
Tại báo cáo về thực hiện thanh tra, kết luận đối với các dự án khu nhà ở, khu đô thị mới trên địa bàn Hà Nội, đoàn thanh tra liên ngành của TP Hà Nội đã chỉ ra nhiều đơn vị vi phạm quy hoạch. Cụ thể: chung cư số 143, ngõ 85 Hạ Đình (Thanh Xuân), do Tổng Công ty Tài nguyên - Môi trường Việt Nam và Cty CP Đầu tư 135 làm chủ đầu tư, đã tự ý xây tăng hàng chục căn hộ, xây dựng 4 căn hộ thông tầng 20 lên 21, xây dựng tầng 22 không có trong giấy phép xây dựng. Ngoài ra, dự án còn đưa vào sử dụng khi chưa được phê duyệt nghiệm thu PCCC. Còn Cty Đầu tư phát triển đô thị và thiết bị vật tư Hà Nội 1 - chủ đầu tư dự án khu nhà ở kết hợp dịch vụ công cộng trên đường Nguyễn Tuân - đã tự ý xây 2 tầng chung cư ngoài giấy phép xây dựng, xây dựng sai giấy phép nhiều diện tích... Cty TNHH Hanotex tự ý xây dựng thêm 6 căn penhouse tại tầng kỹ thuật và tầng mái ở dự án Sky city 88 Láng Hạ...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét