Khẩu hiệu "Make in Vietnam" lần đầu tiên được làm rõ và nhấn mạnh tại Diễn đàn quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam. Diễn đàn tầm quốc gia này đã tuyên bố chiến lược quan trọng về phát triển các doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam.
Câu hỏi đặt ra là liệu sáng kiến quốc gia “Make in Vietnam” có được “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để khơi truyền cảm hứng cho những sáng tạo số, đưa đất nước “hóa rồng”? Và có những tiềm năng gì, có những gì làm bệ phóng cho “Make in Vietnam”?
“Make in Vietnam” thúc đẩy và khơi dậy động lực cho sáng tạo số
Đầu tiên, cần khẳng định sáng kiến quốc gia “Make in Vietnam” được đưa ra đúng thời điểm “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, khi nhân loại bước sang kỷ nguyên kỹ thuật số với Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; Chính phủ Việt Nam đang thể hiện quyết tâm rất cao trong việc phát triển các doanh nghiệp công nghệ trong nước; chuyển đổi số diễn ra nhanh và trên phạm vi toàn quốc; trong mọi lĩnh vực, các doanh nghiệp công nghệ đều khẳng định hoàn toàn đủ khả năng xây dựng được sản phẩm công nghệ cạnh tranh trực tiếp với nước ngoài, thực hiện khát vọng “Make in Vietnam”.
Cụ thể, Việt Nam đang có tiềm lực rất lớn để phát triển ngành công nghệ với hơn. Điều quan trọng là phải đưa ra chiến lược, chương trình hành động và hành động ra sao để sử dụng được sức mạnh trí tuệ của các công ty công nghệ trong nước nhằm giải quyết vấn đề của Việt Nam.
Tập trung phát triển công nghệ, “Make in Vietnam” không chỉ để giải các bài toán đang đặt ra với Việt Nam, giúp Việt Nam độc lập, tự chủ và thoát bẫy thu nhập trung bình mà còn đóng góp cho thế giới. Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam được xác định chính là hạt nhân để thực hiện khát vọng Việt Nam “hoá rồng” vào năm 2045. Định vị “Make in Vietnam” quả là có ý nghĩa thúc đẩy và khơi dậy động lực cho sáng tạo số đối với mỗi doanh nghiệp công nghệ, mỗi nhân lực hoạt động trong lĩnh vực công nghệ. Sáng kiến quốc gia “Make in Vietnam” cũng đang thổi bùng lên khát vọng mới về một Việt Nam hùng cường, là động lực để các doanh nghiệp – đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ vươn cao, vươn xa hơn.
Tiềm năng “Make in Vietnam”
Đã có cảm hứng, có định hướng chiến lược phát triển, câu hỏi tiếp theo đặt ra là liệu “Make in Vietnam” có tiềm năng, triển vọng trong một số lĩnh vực hoặc một số ngành cụ thể nào – đặc biệt liên quan đến sáng tạo số?
Xu hướng trên thế giới và thực tiễn các doanh nghiệp thành công của Việt Nam trong thời gian qua cho thấy, “Make in Vietnam” có rất nhiều tiềm năng trong công nghiệp sản xuất ô tô, công nghiệp điện tử, an ninh và bảo mật mạng, các giải pháp IoT (như quản lý đô thị thông minh, du lịch thông minh, y tế thông minh, giám sát môi trường, nông nghiệp thông minh, giao thông thông minh, giáo dục thông minh…).
Một góc nhìn khác là với các doanh nghiệp công nghệ, “Make in Vietnam” có thể được chia làm ba nhóm: doanh nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp thiết kế và doanh nghiệp sản xuất.
Nhóm thứ nhất là những doanh nghiệp công nghệ khởi nghiệp theo đúng nghĩa là sáng tạo (tương tự trường hợp Facebook). Số lượng doanh nghiệp như thế tại Việt Nam không nhiều, nếu không muốn nói là rất hiếm. Sản phẩm sáng tạo ở đây được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông định nghĩa tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam lần đầu tiên được Bộ TTTT tổ chức là những người tạo ra sản phẩm, giải pháp hữu dụng nhưng cực kỳ mới mẻ, có thể gây kinh ngạc cho bất cứ ai tiếp xúc.
Nhóm thứ hai gồm những doanh nghiệp dùng công nghệ đã có sẵn của nước ngoài, về thiết kế lại làm ra sản phẩm (ví dụ Việt Nam xây dựng mạng xã hội riêng để: “Sáng tạo tại Mỹ, thiết kế tại Việt Nam, Việt Nam làm chủ công nghệ và cho người Việt Nam sử dụng”).
Nhóm cuối cùng là những doanh nghiệp có vai trò đầu tàu được chia thành hai nhánh gồm: doanh nghiệp công nghệ ICT truyền thống như FPT, CMC, VNG, VCCorp… và những doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực khác chuyển hướng đầu tư sang công nghệ như Vingroup, Viettel…
Mỗi nhóm doanh nghiệp công nghệ trên sẽ có những tiềm năng, lĩnh vực, ngành nghề riêng để phát triển – đặc biệt là với nhóm doanh nghiệp công nghệ sáng tạo. Việt Nam vẫn có khá nhiều tiềm năng lẫn thế mạnh đặc thù, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, môi trường… những thứ nên được tích hợp vào cùng ưu tiên phát triển công nghệ. Quan trọng hơn, doanh nghiệp công nghệ Việt cần sớm tìm cách hội nhập sâu lẫn xác lập ảnh hưởng vững chắc trong chuỗi cung ứng và giá trị cao toàn cầu.
Tuy nhiên, ở đây có khuyến cáo là không phải cứ danh xưng công nghệ hoặc cứ “make” được công nghệ là sẽ thành công, mà doanh nghiệp công nghệ vẫn phải giải quyết thấu đáo các câu hỏi như: thị trường của mình ở đâu, có những nhu cầu gì đặc biệt, đối thủ của mình là ai, mình có gì hơn họ… Hiển nhiên, chúng ta sẽ cần tìm cách để trở nên độc lập và tự chủ, như phương châm “sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, Việt Nam làm chủ công nghệ và cho người Việt Nam sử dụng”; song cũng không thể và không nên đi “một mình một đường”, tức phải luôn bám sát các chuẩn mực và xu hướng của thế giới.
Và đặc biệt đối với các doanh nghiệp sáng tạo số, khác ở Mỹ với Thung lũng Silicon, chúng ta cũng chưa có kênh để các sản phẩm start-up có hệ sinh thái có thể tiếp cận với thị trường, tiếp cận với giai đoạn thương mại hóa sớm hơn.
Bệ phóng cho “Make in Vietnam”
Bên cạnh những yếu tố để “Make in Vietnam” thành công, có ba yếu tố quan trọng luôn được đề cập là: nhân tài công nghệ, sản phẩm công nghệ có lợi thế cạnh tranh và một hệ sinh thái hỗ trợ. Những chính sách, giải pháp Nhà nước có thể ban hành và các chiến lược doanh nghiệp có thể thực hiện để làm bệ phóng cho “Make in Vietnam” thành công trong thời gian tới đều cần hướng tới ba yếu tố trên.
Nhà nước sẽ sớm ban hành Chiến lược Chuyển đổi số quốc gia trong năm 2019 để tạo thị trường cho các doanh nghiệp công nghệ. Như đã trình bày ở trên, đối với các doanh nghiệp công nghệ, việc tạo ra hệ sinh thái hỗ trợ, tạo ra thị trường là yếu tố quan trọng. Nếu mọi doanh nghiệp, mọi ngành hay nhân dân, các cơ quan quản lý Nhà nước, các địa phương đều ứng dụng công nghệ, đó là thành công của các công ty công nghệ.
Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã nỗ lực làm việc với Bộ Tài chính để giải quyết các ưu đãi về thuế, thuế thu nhập cá nhân, ngoài ra còn thúc đẩy mua sắm Chính phủ nhằm tạo thị trường cho các sản phẩm công nghệ Việt Nam.
Nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố chính để các công ty công nghệ “Make in Vietnam” thành công. Ở Việt Nam, đội ngũ kỹ sư công nghệ vẫn còn có khoảng cách nhất định so với thế giới. Kỹ sư công nghệ Việt có thể làm rất tốt khi gia công phần mềm, nhưng để tự làm ra sản phẩm của mình, để có tư duy sáng tạo thì cần phải rèn luyện nhiều. Bên cạnh đó, nhược điểm cố hữu của người Việt là kỹ năng mềm, khả năng sử dụng ngôn ngữ quốc tế là tiếng Anh còn hạn chế.
Nhìn chung, với các doanh nghiệp công nghệ, vấn đề trọng yếu là làm sao đưa ra được những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh. Để trả lời câu hỏi này, câu chuyện vẫn là ở nguồn nhân lực và sự đầu tư nghiên cứu. Do đó, để khuyến khích tăng trưởng dựa trên công nghệ và đổi mới sáng tạo, Việt Nam cần đẩy mạnh đầu tư cho giáo dục, khoa học công nghệ, đồng thời có chính sách ưu đãi về thuế cho đầu tư nghiên cứu, bảo hộ sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp công nghiệp.
Với sự hội tụ của những nhà tiên phong về công nghệ và chuyển đổi số như TS. David Bray – Giám đốc điều hành PCI, Hội nghị Vietnam CEO Summit 2019 – chủ đề “Chiến lược dẫn đầu trong chuyển đổi số và cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam” do Vietnam Report phối hợp cùng Báo VietNamNet tổ chức ngày 08/8/2019 tại Khách sạn InterContinental Hanoi Landmark 72 nhằm chia sẻ về hiện trạng và cơ hội, gợi ý giải pháp chiến lược cho DN trong công cuộc chuyển đổi số. Để biết thêm thông tin chi tiết, vui long truy cập: http://vnr500.com.vn/Su-kien/VIETNAM-CEO-SUMMIT-2019/Events/98.html hoặc liên hệ hotline: 0904 766 410 ( Tuyết) |
Vietnam Report
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét