"Ngày trước, mua thuốc tôi chỉ dám tìm đến một vài tiệm uy tín gần các bệnh viện, cách nhà 5-6 km. Tuy nhiên, hơn một năm trở lại đây tôi không khỏi bất ngờ khi cửa hàng dược phẩm từng tìm mua đã len lỏi vào gần nơi mình ở", chị Hạnh, một người dân ở đường Lê Đức Thọ, Gò Vấp chia sẻ.
Dọc con đường Hai Bà Trưng (quận 1), chỉ chưa đầy một km có đến chục cửa hàng dược phẩm với nhiều thương hiệu khác nhau. Có thương hiệu mở đến 4-5 cửa hàng cùng tên dọc tuyến đường này. Ngoài chỉn chu về không gian, các chuỗi cửa hàng còn có đội ngũ nhân viên nhiệt tình. Mỗi cửa hàng đều ghi đầy đủ họ tên dược sĩ đứng quầy ngay trên bảng hiệu.
Nhà thuốc Long Châu của FPT Retail đang tăng tốc độ phủ.
Là một trong những chuỗi nhà thuốc bán lẻ hiện đại đầu tiên 4-5 năm về trước, Pharmacity tăng trưởng khá dè dặt cả về quy mô và số lượng cửa hàng. Nhưng 3 năm gần đây, đơn vị này cũng tăng tốc lên hơn 200 cửa hàng tại TP HCM, Cần Thơ, Bình Dương, Vũng Tàu và Hà Nội. Họ có khoảng hơn một triệu khách hàng đã đăng ký chương trình thẻ thành viên. Mới đây, hãng này cũng vừa được Công ty TNHH Tư vấn đầu tư Mekong Capital, Quỹ Mekong Enterprise Fund III hỗ trợ tài chính để phát triển. Theo kế hoạch, Pharmacity sẽ mở rộng mạng lưới lên hơn 1.000 cửa hàng trên toàn quốc vào năm 2021.
Nhanh chóng tiến vào thị trường, FPT Retail nhập cuộc khi mua lại Long Châu – một thương hiệu thuốc lâu năm ở TP HCM. Ngay sau đó, chuỗi này đã tăng tốc từ 4 lên 22 cửa hàng. Chia sẻ với VnExpress, bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc FPT Retail cho biết, trung bình để mở một nhà thuốc Long Châu, công ty đầu tư 1,5 – 2 tỷ đồng. Hiện đã có 35 nhà thuốc Long Châu tại TP HCM và 5 nhà thuốc tại các tỉnh như Long An, Tiền Giang, Đồng Nai. Theo kế hoạch, năm 2019, Long Châu sẽ mở được 70 nhà thuốc.
"Nửa đầu năm, trung bình, mỗi nhà thuốc thu về khoảng 1,6 tỷ một tháng và khoảng sau 3-6 tháng bắt đầu hòa vốn và có lời ở tùy khu vực. FPT Retail đặt mục tiêu đến năm 2022 phát triển được hệ thống 700 nhà thuốc với doanh thu dự kiến là 6.000 tỷ đồng", bà Điệp nói.
Thời gian tới, theo bà Điệp, tốc độ phát triển sẽ được đẩy nhanh hơn khi công ty đã có được "công thức mở cửa hàng". Đồng thời, FPT Retail cũng đã xây xong kho tổng cũng như hoàn thiện phần mềm quản lý cho hệ thống.
Tương tự, Vingroup cũng không đứng ngoài cuộc chơi. "Ông lớn" kinh doanh đa ngành này đã tạo dấu ấn khi cuối năm 2018 đồng loạt khai trương 11 nhà thuốc tại Hà Nội và nâng con số này lên 38 cửa hàng vào cuối tháng 5/2019. Tại TP HCM, các cửa hàng đầu tiên mang thương hiệu VinFa đặt bên cạnh Vinmart+ tại quận Gò Vấp, Tân Bình đã bắt đầu chuẩn bị khai trương. 150 dược sĩ đầu tiên cho chuỗi VinFa tại TP HCM đã được tuyển dụng.
Ngoài ra, SAM cũng từng đầu tư vào nhà thuốc Mỹ Châu. Thế Giới Di Động đầu tư vào chuỗi nhà thuốc An Khang. Sau hơn 2 năm hợp tác, tới nay chuỗi của Thế Giới Di Động được nâng từ 11 lên 17 cửa hàng.
Ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch Thế Giới Di Động cho biết, công ty mới chỉ đặt "một chân" vào lĩnh vực này là bởi đang dồn sức cho Bách hóa xanh. Tuy nhiên ông Tài thừa nhận, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe là thị trường lớn, đặc biệt ngoài các sản phẩm thuốc tây, các loại vitamin, thực phẩm chức năng là sản phẩm mà tương lai sẽ được người dùng chú ý. Vì thế, công ty đang chờ cơ hội liên doanh, liên kết.
Nhà thuốc An Khang tại TP HCM.
Nhìn nhận về bức tranh bán lẻ dược phẩm ngày một sôi động, một chuyên gia kinh tế ở TP HCM cho rằng, thị trường dược phẩm sẽ còn chuyển mình mạnh mẽ khi ngày càng nhiều "ông lớn" đầu quân. Trong đó, các thương hiệu đến từ Mỹ, Nhật Bản cũng không ngoại lệ.
Chia sẻ trên Nikkei Asian Review cách đây vài hôm, chuỗi cửa hàng dược phẩm Nhật Bản Matsumotokiyoshi Holdings cho biết đang có kế hoạch mở rộng sang Việt Nam. Không nêu thời gian cụ thể nhưng hãng này cho biết, các hoạt động tại Việt Nam sẽ được hợp tác với Tập đoàn Lotus Food có trụ sở tại TP HCM.
"Việt Nam là một thị trường mới nổi và có rất nhiều chỗ để mở cửa hàng mới", người phát ngôn của công ty này nói và cho rằng qua khảo sát, tầng lớp trung lưu ở Việt Nam ngày càng quan tâm đến các sản phẩm sức khỏe nên đây là thị trường tiềm năng. Hãng cũng dự đoán, trong vòng 5 năm tới, thị trường này dự kiến tăng trưởng 10% mỗi năm.
Theo số liệu thống kê từ Hãng Nghiên cứu thị trường IBM, quy mô thị trường dược phẩm Việt Nam năm 2017 khoảng 4,7 tỷ USD (tương đương 105.578 tỷ đồng). Hãng này cũng dự báo, độ lớn thị trường sẽ lên tới 7,7 tỷ USD (184.563 tỷ đồng) vào năm 2021 và đạt mức 16,1 tỷ USD (289.164 tỷ đồng) cho tới năm 2026, với tỷ lệ tăng trưởng kép lên tới 11% tính theo VND.
Trong khi đó, số liệu từ Hãng Nghiên cứu thị trường IMS Health cho thấy, quy mô thị trường năm 2017 đạt 79.070 tỷ đồng với mức tăng trưởng 6% so với năm 2016. IMS Health cũng dự báo, chi tiêu cho dược phẩm bình quân đầu người tại Việt Nam sẽ nâng lên mức 50 USD một người mỗi năm vào năm 2020, cao hơn nhiều mức 33 USD của năm 2015. Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, 6 tháng đầu năm Việt Nam nhập khẩu 1,52 tỷ USD dược phẩm, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét