Thị trường bất động sản năm 2019 cả nước được đánh giá là một năm với nhiều gam màu xám, trong đó, nổi cộm là tình trạng phân lô bán nền, lập dự án "ma" trên đất nông nghiệp nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Lợi dụng tâm lý thích đất nền, cam kết khả năng tăng giá trị đất chỉ trong một thời gian ngắn, các doanh nghiệp này đã thuyết phục được người mua xuống tiền nhanh chóng.
Địa ốc Alibaba lừa đảo hơn 2.500 tỷ đồng
Liên quan vụ án này, Công an TP.HCM đã khởi tố Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch Tập đoàn Địa ốc Alibaba), Nguyễn Thái Lĩnh (Tổng giám đốc Công ty CP địa ốc Alibaba) về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Quá trình điều tra, nhà chức trách xác định Nguyễn Thái Luyện và Nguyễn Thái Lĩnh (em ruột Luyện) lập ra Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba và các công ty thành viên thu gom nhiều đất nông nghiệp.
Nhóm cầm đầu sau đó giao cho các cá nhân đứng tên rồi tự vẽ ra dự án không có thật để bán cho 6.700 khách hàng, chiếm đoạt hơn 2.500 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra nhận định anh em Luyện hoạt động với phương thức, thủ đoạn tinh vi núp bóng dưới hoạt động kinh doanh bất động sản. Thực chất, họ lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức huy động vốn theo phương thức đa cấp, sử dụng đất nền trong dự án “ma” làm mồi nhử.
Trong hơn 3 năm hoạt động, doanh nghiệp này đã rao bán 43 dự án "ma", rải rác tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận.
9 dự án "ma" của Công ty Angel Lina
Ngày 2/11, bà Phạm Thị Tuyết Nhung, Giám đốc Công ty Angel Lina và Công ty TNHH thương mại - dịch vụ đất vàng Hoàng Gia, đã bị khởi tố và bắt giam để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trong quá tình điều tra ban đầu, bà Phạm Thị Tuyết Nhung đã lừa đảo chiếm đoạt số tiền rất lớn của nhiều người bằng cách ký hợp đồng góp vốn, đặt cọc mua đất nền tại 9 dự án không có thật tại TP.HCM của Công ty Angel Lina.
Năm 2017, bà Nhung và những người liên quan đã tìm những khu đất có diện tích lớn nằm trong phạm vi quy hoạch tại TP.HCM mà không quan tâm mục đích sử dụng đất là đất ở, đất nông nghiệp hay đất trồng cây lâu năm... Để lập dự án ảo và rao bán cho nhiều người với hình thức góp vốn với chủ đất, cam kết giao đất trong vòng 3-6 tháng. Tuy nhiên, khi kết thúc thời hạn, bà Nhung vẫn không thực hiện dự án như cam kết và né tránh khách hàng nhằm chiếm đoạt tài sản.
Cơ quan CSĐT đã tiếp nhận hơn 200 đơn tố cáo của người bị hại đối với bà Phạm Thị Tuyết Nhung với số tiền chiếm đoạt ước tính lên đến hơn 285 tỷ đồng. Vụ việc vẫn đang được tiếp tục mở rộng điều tra với những cá nhân, tổ chức có liên quan.
Hoàng Kim Land phân lô bán nền đất công viên, giao thông
Ngày 21/11, Cơ quan CSĐT đã khởi tố và bắt tạm giam bà Trần Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH tư vấn đầu tư bất động sản Hoàng Kim Land để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo đơn tố cáo, bà Hạnh cùng với bà Trần Thị Mỹ Hiền, Chủ tịch HĐQT Công ty Hoàng Kim Land đã lừa đảo chiếm đoạt hơn 81 tỷ đồng bằng việc lập ra các dự án đất nền không có thật trên địa bàn TP.HCM.
Cơ quan CSĐT xác định tại các khu đất này, bà Hiền đã đứng ra thoả thuận mua đất từ người dân và lấy giấy uỷ quyền để cùng với bà Hạnh vẽ ra các dự án đất nền, rao bán và nhận tiền cọc của người dân dưới hình thức góp vốn đầu tư để chiếm đoạt tài sản.
Trên thực tế, các khu đất Công ty Hoàng Kim Land vẽ “dự án ma” chưa thuộc chủ quyền của công ty này và vẫn là đất nông nghiệp, đất quy hoạch trong diện quy hoạch.
Hiện Công an TP.HCM vẫn đang mở rộng điều tra dự án, đồng thời đề nghị những ai là nạn nhân của công ty này liên hệ với Phòng Cảnh sát điểu tra tội phạm vể tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (PC03), Công an TP.HCM để được bảo vệ quyền lợi.
Tạm giam giám đốc của Hưng Thịnh Phát
Gần nhất, ngày 19/12 vừa qua, Cơ quan CSĐT Công an Bình Thuận đã ra quyết định bắt tạm giam ông Nguyễn Hữu Kha, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển địa ốc Hưng Thịnh Phát để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Công ty Hưng Thịnh Phát đã mở bán nhiều dự án ảo như: City 1, 2; Hàm Liêm 1, 2; Ma Lâm Diamond Town; Hưng Thịnh Phát Residence Phan Thiết… Các dự án được quảng cáo có vị trí đẹp, sát UBND huyện, công an huyện và công ty này đã nhận tiền cọc gần 200 lô đất.
Trong vụ việc này, ông Kha bị tố cáo có hành vi lừa dối trong hợp đồng đặt cọc đất, nhận tiền cọc của khách hàng; lợi dụng lòng tin của người khác nhờ đứng tên trên hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất để chiếm đoạt tài sản.
Khách hàng của công ty này cho biết đã đóng số tiền từ 400 triệu đồng đến hàng tỷ đồng gần 1 năm nhưng vẫn chưa được giao đất. Công ty này cũng không trả lãi như đã cam kết.
(Theo Zing)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét