Chuyển từ Hà Nội vào TP.HCM hồi đầu năm, Nguyễn Hoàng (23 tuổi) lần đầu trải qua việc phải chi vài triệu đồng để đi lại vào dịp Tết Âm lịch. Trước đây, anh chỉ phải bỏ ra vài trăm nghìn đồng tiền vé xe khách từ thủ đô về Cao Bằng.
6 triệu đồng cho hành trình khứ hồi giữa TP.HCM và Hà Nội là số tiền không nhỏ với một người mới đi làm như anh. Để tiết kiệm hết mức có thể cho việc đi lại, anh Hoàng quyết định bay vòng sang Thái Lan.
Xuất ngoại vì giá rẻ hơn
Lịch nghỉ Tết của công ty bắt đầu từ ngày thứ 3 - 22/1 (28 Tết) nhưng anh Hoàng xin nghỉ sau khi kết thúc ngày thứ 6 - 17/1 (23 Tết) để về nhà sớm. Tuy vậy, thay vì đặt chuyến bay khởi hành ngay trong tối 17/1 hoặc ngày 18/1 (24 Tết), anh đợi đến tối 19/1 (25 Tết) mới bay từ TP.HCM đi Bangkok vì đây là thời điểm có giá vé rẻ nhất khi đặt vé.
Theo lịch bay, anh dự kiến đến sân bay quốc tế Don Mueang lúc 22h cùng ngày. 7H30 sáng hôm sau 20/1 (26 Tết), anh Hoàng tiếp tục bay từ Bangkok về TP. Hà Nội. Tổng tiền vé cho cả 2 chuyến bay hơn 2 triệu đồng, anh Hoàng tiết kiệm được 1 triệu so với việc mua vé máy bay thẳng từ TP.HCM về Hà Nội.
"Tôi sẽ ở lại sân bay Don Mueang, chắc là thức cả đêm để tiện làm thủ tục lúc sáng sớm và tiết kiệm luôn tiền khách sạn. Lúc tìm kiếm, tôi còn thấy cả lựa chọn bay 3 chuyến, dừng chân ở 2 điểm với giá rẻ hơn nữa nhưng khi gọi lên tổng đài đại lý thì họ không bán vé như vậy", anh Hoàng cho hay.
Sau khi về đến sân bay Nội Bài, hành trình về quê ăn Tết của anh còn phải trải qua thêm 7 tiếng trên xe khách giường nằm. Sau Tết, anh Hoàng đặt vé bay thẳng từ Hà Nội vào TP.HCM để tiết kiệm thời gian và sức lực để đi làm khi đoán việc chờ đợi qua đêm ở sân bay không hề dễ chịu.
Cũng chọn cách bay từ TP.HCM qua Bangkok trước khi về TP. Hà Nội trong dịp Tết Âm lịch nhưng anh Thái (27 tuổi) lại quyết định xuất ngoại để cổ vũ đội U23 Việt Nam.
Cụ thể, anh Thái đặt chuyến bay từ TP.HCM đến Bangkok ngày 16/1 rồi ở lại xem trận U23 Việt Nam - U23 Triều Tiên diễn ra vào tối cùng ngày tại Bangkok trong khuôn khổ bảng D vòng chung kết giải U23 châu Á. Vì trận đấu phải hơn 22h mới kết thúc, anh thuê khách sạn ngủ lại rồi bay tiếp từ Bangkok về TP. Hà Nội vào ngày hôm sau, 17/1.
"Cộng cả tiền khách sạn, tiền vé xem bóng đá nhiều hơn cả tiền vé máy bay đi thẳng từ TP.HCM về Hà Nội nhưng tôi chưa được xem đội Việt Nam thi đấu bao giờ nên cũng đáng để bỏ tiền ra và xin nghỉ Tết sớm vài hôm", anh Thái hào hứng.
Nghỉ Tết tây thay vì Tết ta để tiết kiệm
Được chuyển ngày phép chưa nghỉ trong năm 2019 sang 2020, chị Phương Nhi (25 tuổi) quyết định sử dụng hết gần 10 ngày phép còn lại để có kỳ nghỉ Tết Dương lịch kéo dài gần 10 ngày. Chị Nhi tranh thủ về Huế thăm gia đình trong những ngày nghỉ cuối tháng 12 và quyết định ở lại TP.HCM dịp Tết Nguyên đán.
Thay vào đó, chị đặt vé máy bay cho bố từ Huế vào TP.HCM ăn Tết cùng mình. Với những chiều bay thấp điểm từ các tỉnh, thành đi TP.HCM trước Tết, giá vé máy bay rất rẻ, chỉ từ vài trăm nghìn đồng một chiều.
"Vé máy bay dịp này rất rẻ, chỉ hơn 1 triệu đồng khứ hồi trong khi nếu đi lại Tết Âm lịch ít nhất cũng phải tốn 5 triệu mỗi người. Lần đầu ở TP.HCM ăn Tết chắc cũng buồn vì không có nhiều bạn bè ở lại thành phố", chị chia sẻ.
Còn chưa đầy một tháng nữa là đến Tết Canh Tý 2020 nhưng đến thời điểm hiện tại, chưa xảy ra tình trạng cháy vé máy bay Tết như cùng kỳ năm trước.
Theo khảo sát, giá vé khứ hồi cho đường bay đông đúc nhất là TP.HCM - Hà Nội trong dịp Tết từ 6 triệu đồng/người. Tuy nhiên, hành khách phải chấp nhận bay vào các khung giờ sáng sớm hoặc tối khuya. Nếu bay vào các khung giờ đẹp trong ngày, giá vé khứ hồi dao động trên dưới 7 triệu đồng/người. Mức giá này cũng áp dụng cho đường bay từ TP.HCM đi Hải Phòng hay Vinh.
Với các đường bay ngắn hơn từ TP.HCM đi Đà Nẵng hoặc Huế, giá vé khứ hồi phổ biến ở mức 5 triệu đồng/người trong dịp Tết. Nếu đặt chuyến bay khởi hành vào sáng sớm hoặc tối khuya, giá vé sẽ rẻ hơn đôi chút.
(Theo Zing)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét