Chủ Nhật, 28 tháng 2, 2016

Những ngành nghề dễ kiếm việc, kiếm tiền nhất trong năm 2016

(ĐSPL) - Công nghệ, bất động sản, xây dựng, sữa, cảng biển, dệt may, điện… có nhiều triển vọng phát triển trong năm 2016, vì vậy cơ hội việc làm, kiếm tiền ở những ngành này là rất lớn...

Các phân tích của các công ty chứng khoán có chung nhận định ngành ngân hàng sẽ không tăng trưởng nóng trong năm nay. Thay vào đó, công nghệ, bất động sản, xây dựng, sữa, cảng biển, dệt may, điện… có nhiều triển vọng do bối cảnh hội nhập mang lại..

Các nghề dễ kiếm việc nhất năm 2016 cũng được Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội (Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội) dự đoán dựa trên những nhu cầu tuyển dụng trong năm 2015.

Công nghệ

Báo VnExpress đưa tin, năm 2016–2017 là năm trọng điểm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước và khối doanh nghiệp. Theo đó, Chính phủ sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với áp dụng công nghệ trong quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Mục tiêu đến hết năm 2016, 100% dịch vụ công phải áp dụng công nghệ thông tin. Lực cầu tăng từ khối tư nhân và tài chính cũng sẽ mang lại tăng trưởng mạnh cho ngành công nghệ và viễn thông trong năm 2016.

Công ty Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC) cho rằng ngành công nghệ được hưởng lợi đặc biệt từ các hiệp định thương mại tự do (FTA). Hội nhập mang lại làn sóng đầu tư FDI vào Việt Nam, lĩnh vực tích hợp hệ thống và cung cấp dịch vụ viễn thông internet cho khối khách hàng doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi. Theo đó, lĩnh vực giao thông thông minh xuất hiện.

Tỷ giá sẽ có tác động hai chiều đến ngành công nghệ, tích cực với lĩnh vực xuất khẩu phần mềm do có doanh thu ngoại tệ. Tuy nhiên, yếu tố này sẽ tác động tiêu cực tới lĩnh vực tích hợp phần cứng do phải nhập khẩu thiết bị.

Năm 2016–2017 là năm trọng điểm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước và khối doanh nghiệp. (Ảnh minh họa).

Cảng biển

Sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng dự báo tăng nhanh trong năm 2016. Dự báo thị trường xuất khẩu sẽ được mở rộng nhờ các FTA đã ký kết như TPP, Việt Nam-EU, RCEP, Việt Nam - Hàn Quốc, AEC…và thu hút mạnh nguồn vốn FDI đầu tư vào các ngành công nghiệp chế biến định hướng xuất khẩu.

Xuất nhập khẩu hàng hóa dự báo tăng trưởng nhanh nhờ các nền kinh tế Mỹ, EU hồi phục, tăng sức mua các hàng hóa xuất khẩu chính của Việt Nam như quần áo, may mặc, giày dép hay thủy sản.

Dự báo Chính phủ sẽ đầu tư nâng cấp, xây mới cảng và giao thông phụ trợ giúp cơ sở hạ tầng cầu, đường, cảng đáp ứng được sự tăng trưởng cao của lưu lượng hàng hóa qua cảng biển Việt Nam.

Đáng chú ý, nhiều chính sách sẽ kích thích ngành này tăng tốc. Thứ nhất, cho phép thành lập chính quyền cảng trong bộ luật hàng hải sửa đổi, hiệu lực vào đầu năm 2017. Chính quyền cảng là tổ chức có chức năng đầu tư xây dựng và quản lý khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển, giúp đầu tư cảng biển đồng bộ, tăng hiệu quả khai thác. Thứ hai, thành lập sàn giao dịch vận tải, tạo kết nối giữa chủ hàng và nhà cung cấp, tăng hiệu quả logistics. Thứ ba, tư nhân hóa cảng biển với việc Nhà nước rút vốn tại nhiều cảng lớn như Hải Phòng, Sài Gòn.

Ngành dịch vụ thương mại, nhà hàng, khách sạn, du lịch

Theo báo Trí thức trẻ, nghề này được ưa chuộng vì Việt Nam đang chuyển đổi cơ cấu mô hình từ dịch vụ công - nông nghiệp chuyển sang dịch vụ thương mại.

Theo thống kê của Tổng cục du lịch, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 01/2016 ước đạt 805.072 lượt, tăng 5,8% so với tháng 12/2015 và tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2015.

Hiện nay, cả nước có 1.573 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, trong khi năm 2007 mới chỉ có 670 doanh nghiệp, năm 2010 có 909 doanh nghiệp. Đặc biệt, lĩnh vực lưu trú du lịch có sự tăng trưởng bứt phá, nhất là cơ sở lưu trú hạng cao cấp.

Sự ra đời của nhiều cơ sở lưu trú 4-5 sao đạt tiêu chuẩn quốc tế của một số nhà đầu tư chiến lược như Vingroup, Sungroup, FLC, Mường Thanh... đã góp phần nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam.

Ngành dịch vụ thương mại, nhà hàng, khách sạn, du lịch phát triển kéo theo nhu cầu tuyển dụng tăng cao.

Đặc biệt là nhân viên nấu bếp, cứ học ra tới đâu là tuyển hết tới đó, nhân viên pha chế bàn bar cũng luôn thiếu người.

Những người có tay nghề, có kinh nghiệm, say mê với nghề và biết phấn đấu luôn tìm được việc làm ngay dù có thể không cần học tới bằng Đại học.

Đây là những nghề rất hợp xu thế của thời hiện đại. Mức lương cũng khá cao, thấp nhất khoảng 6 triệu đồng/tháng trở lên, còn đầu bếp có thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng.

Đặc biệt các hướng dẫn viên du lịch ngoài tiền lương ra còn có tiền bồi dưỡng, cơ hội đi thăm quan, tiền hoa hồng của khách.

Ngành dệt may đang nhận được khá nhiều sự quan tâm và đánh giá cao về triển vọng phát triển do tốc độ tăng trưởng ổn định. (Ảnh minh họa).

Ngành điện tử viễn thông

Theo kết quả nghiên cứu thị trường lao động tại thành phố Hà Nội tháng 11 năm 2015 của Trung tâm Giới thiệu việc làm số 2 Hà Nội: Nhóm công nghệ thông tin, về bằng cấp, cung và cầu của nhóm ngành này có tỉ lệ tương đối đều nhau.

Nhu cầu tuyển dụng chủ yếu tập trung vào những vị trí yêu cầu bằng Cao đẳng, Đại học và trên đại học, đạt tỉ lệ 97,71% người tìm việc.

Trong đó, những công việc thích hợp như IT/phần cứng, IT/phần mềm, lập trình viên(C+,Java,PHP…), lập trình di động ứng dụng…; trong khi đó về phía cầu có 64,08% vị trí việc làm yêu cầu bằng cấp từ Cao đẳng trở lên.

Những nghề này yêu cầu các kỹ sư có kiến thức, kỹ năng và đề cao những người giỏi thật sự. Đây cũng là nghề hot trong năm 2015 và cả năm 2016.

Bởi sự phát triển vũ bão của internet khiến lập trình viên trở thành nghề “hot” được các công ty săn đón, trả lương hậu hĩnh và còn có cơ hội được đi tu nghiệp ở nước ngoài.

Các công ty sẵn sàng trả lương từ 1.000 USD hay khoảng 20.000.000 đồng trở lên cho các nhân sự có trình độ giỏi và thông thạo tiếng Anh

Đặc biệt là khi công nghệ, điện tử, viễn thông có xu hướng ngày càng bùng nổ, những kỹ sư công nghệ không thể thiếu vì các doanh nghiệp đều cần một người biết về chuyên môn để chạy một phần mềm hay sửa chữa máy móc…

Ngành sữa

Hai công ty là Chứng khoán Ngân hàng Vietcombank (VCBS) và BSC đều cho rằng năm 2016, các doanh nghiệp sữa nội địa sẽ được hưởng lợi nhờ giá sữa đầu ra ổn định trong khi đó chi phí nguyên liệu đầu vào có xu hướng giữ ở mức thấp và các hiệp định thương mại tự do chưa tác động nhiều đến cạnh tranh trong nước.

Cụ thể, giá sữa nguyên liệu trên thế giới được dự báo sẽ giữ ở mức thấp trong năm 2016. Trong nước, giá sữa được kỳ vọng sẽ tiếp tục ổn định. Việc giá sữa nguyên liệu thấp không ảnh hưởng quá lớn đến giá sữa thành phẩm trong nước. Sữa nguyên liệu chỉ chiếm từ 20-25% chi phí sản xuất, trong khi đó, các chi phí khác có thể tăng trong năm 2016 như tỷ giá, bảo hiểm, tăng lương tối thiểu vùng.

Trong ngắn hạn, BSC khẳng định các FTA không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của các doanh nghiệp sữa nội địa. Theo lộ trình, phần lớn hiệu lực giảm thuế của các FTA cho mặt hàng sữa nhập khẩu sẽ bắt đầu từ năm 2018, tùy từng loại sản phẩm. Phân khúc sữa nước, vốn là mảng doanh thu chính của doanh nghiệp nội sẽ ít bị ảnh hưởng và cạnh tranh ngay cả khi thuế về 0%. Cạnh tranh trong phân khúc sữa bột sẽ tăng dần nhưng chủ yếu là giữa các sản phẩm nhập khẩu do đó doanh nghiệp nước ngoài chịu ảnh hưởng là chủ yếu.

Bất động sản

Cả BSC và VCBS đều nhận định thị trường địa ốc đang bước vào chu kỳ tăng trưởng nhanh, chưa xuất hiện bong bóng dù lượng giao dịch tăng mạnh nhưng chủ yếu thị trường đang hấp thụ lại lượng hàng tồn kho của các năm trước, giá bán chỉ tăng nhẹ 3-5% tại một số dự án. So sánh với đỉnh chu kỳ năm 2008, thì giá nhà trung bình đang thấp hơn khoảng 30%.

Lượng cung tăng mạnh nhưng nhu cầu dự báo vẫn duy trì ở mức cao. Từ quý IV/2015 đến cuối năm 2016, nguồn cung căn hộ ở TP HCM sẽ tăng thêm 57.000 căn trong khi ở Hà Nội là 24.000 căn, tăng 60-80% so với hiện tại. Lượng cầu được dự báo sẽ tăng lên do nhu cầu nhà ở cấp bách cộng với thu nhập bình quân đầu người gia tăng đáng kể. BSC cho biết, giá nhà ở Việt Nam đang thấp hơn so với các nước trong khu vực ở hầu hết các phân khúc trong khi tỷ lệ lợi tức cho thuê lại cao hơn và cao hơn lãi suất tiết kiệm trong nước, điều này khiến nhu cầu mua để đầu tư sẽ tiếp tục tăng. Cở sở hạ tầng tại TP HCM và Hà Nội đang được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để hoàn thiện.

Bất động sản khu công nghiệp được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ công cuộc hội nhập. Việc các nhà sản xuất trên thế giới đang có xu hướng chuyển nhà máy và đầu tư vào Việt Nam giúp tăng nhu cầu về việc thuê đất tại các khu công nghiệp.

Bất động sản nghỉ dưỡng với cơ hội tăng trưởng cho các doanh nghiệp sở hữu quỹ đất tại Phú Quốc, Quảng Ninh, Nha Trang… Ngoài ra, các hoạt động cổ phần hóa, niêm yết trên sàn chứng khoán cũng thu hút thêm vốn vào bất động sản. Giai đoạn 2016-2017 sẽ là thời điểm tăng trưởng mạnh doanh thu do độ trễ trong việc ghi nhận doanh thu.

Dệt may

VCBS cho rằng trong thời điểm kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay, ngành dệt may đang nhận được khá nhiều sự quan tâm và đánh giá cao về triển vọng phát triển do tốc độ tăng trưởng ổn định. Ngành còn nhiều triển vọng và dư địa để phát triển. Trong năm 2016, dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu ở mức 31 tỷ USD.

Dệt mang đang đứng trước rất nhiều cơ hội lớn để thúc đẩy xuất khẩu thông qua các hiệp định thương mại tự do. Tuy vậy, bức tranh này không sáng như năm 2015 do những trở ngại về tỷ giá, nhân công không còn rẻ, doanh nghiệp chưa đáp ứng được các yêu cầu về xuất xứ.

TUYẾT MAI (Tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét