Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2016

Nhiều quan chức, doanh nhân Thái nói thành thạo tiếng Việt


Các quan chức, doanh nghiệp Thái cho biết họ không muốn thua các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc trong việc đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Chiều 8/7, Hội đồng doanh nghiệp Thái Lan - Việt Nam tổ chức họp báo tại Hà Nội trong khuôn khổ chuyến thăm của Bộ trưởng ngoại giao Don Pramudwinai nhân dịp 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Tại đây, các quan chức, doanh nghiệp Thái Lan có thể giao tiếp bằng tiếng Anh và thậm chí nói thành thạo tiếng Việt.

nhieu-quan-chuc-doanh-nhan-thai-noi-thanh-thao-tieng-viet
Bộ trưởng ngoại giao Thái Lan mong muốn hợp tác doanh nghiệp giữa hai nước ngày càng phát triển.

Bộ trưởng Don Pramudwinai cho biết Thái Lan và Việt Nam là hai nước láng giềng gần gũi, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1976 đến nay, kim ngạch song phương đã tăng lên 13 tỷ USD và kế hoạch năm 2020 là 20 tỷ USD.

Vị Bộ trưởng khẳng định, các doanh nghiệp Thái đang không ngừng mở rộng đầu tư tại Việt Nam vì họ tin tưởng vào tiềm năng, lao động và thực sự thích sinh sống tại Việt Nam.

Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Thái Lan - Việt Nam, Sanan Angubolkul cho biết, trong 5 năm 2010-2015, kim ngạch thương mại đã tăng trưởng 40%. Ông cũng lý giải việc hàng hoá Thái Lan tràn ngập thị trường Việt Nam trong những năm gần đây là nhờ chất lượng và giá rẻ.

"Chúng tôi không muốn thua kém các nước bạn ở xa. Với lợi thế địa lý, doanh nghiệp Thái sẽ chủ động sang Việt Nam mở rộng sản xuất kinh doanh, chia sẻ lợi ích. Chúng tôi muốn cùng doanh nghiệp Việt áp dụng kỹ thuật nâng cao năng suất lao động, tạo ra sản phẩm chất lượng nhưng giá thành rẻ hơn", ông Sanan nói, đồng thời cho biết đã kiến nghị lên Chính phủ Thái Lan xem xét thị trường Việt Nam. Chính phủ sẽ định hướng, lôi kéo các doanh nghiệp Thái đầu tư vào các lĩnh vực mà Việt Nam muốn hoặc đang thiếu như cơ sở hạ tầng, vận tải, làm đẹp, thẩm mỹ… Hiện Thái Lan đang có nhiều tập đoàn làm ăn hiệu quả tại Việt Nam như SCG (nhựa, xi măng, hoá dầu), CP (chăn nuôi), Bangkok Bank và mạnh nhất là ngành bán lẻ.

Vị này thừa nhận: "Thái Lan phát triển hơn Việt Nam một chút do đi trước về thời gian. Với những thành tựu đã đạt được, chúng tôi cam kết sẽ hỗ trợ kiến thức, công nghệ để cùng nhau phát triển".

nhieu-quan-chuc-doanh-nhan-thai-noi-thanh-thao-tieng-viet-1
Hàng Thái  Lan ngày càng tràn ngập thị trường Việt Nam.

Ông Sanan khẳng định không chỉ có Việt Nam mà các nước tiểu vùng sông Mekong đều ưa chuộng hàng Thái do chất lượng tốt, giá rẻ. Những năm gần đây, Thái Lan thực hiện chiến lược xuất khẩu hàng hoá và đầu tư trực tiếp sang Việt Nam để tiết giảm chi phí, từ đó giá cả hàng hoá rẻ hơn. Trong năm 2015, tổng đầu tư của Thái Lan đạt trên 8 tỷ USD, đứng thứ 11 trong số các quốc gia tại Việt Nam. Năm 2016, Thái Lan đặt mục tiêu đầu tư vượt lên vị trí số 10.

Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Thái Lan - Việt Nam cho biết, môi trường đầu tư ở Việt Nam hiện nay không khác nhiều so với Thái Lan 20 năm về trước. Lúc đó, Thái Lan mở cửa cho doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư, trước tiên là Nhật Bản rồi nhiều nước khác. Chính phủ Thái Lan khi đó chỉ nghĩ đến lợi ích tạo việc làm, đưa đất nước thoát khỏi nông nghiệp.

"Nếu không có FDI, Thái Lan sẽ mãi chỉ là nước nông nghiệp. Các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào đây đã làm thay đổi các tập quán sản xuất, áp dụng công nghệ, biến các nông dân Thái thành các nhà sản xuất có kỷ luật, tác phong công nghiệp", ông Sanan nói.

Từ nước công nghiệp hoá, Thái Lan đẩy mạnh chuyển dịch kinh tế sang ngành dịch vụ. Nhìn sang nền kinh tế Việt Nam, ông Sanan nhận định: "Hàng loạt các FTA, TPP… chính là 'duyên ngầm' hút vốn ngoại của Việt Nam. Người Việt rất chăm chỉ, lao động có tay nghề cao".

Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) với dân số 600 triệu người và tổng GDP vượt 3.000 tỷ USD chính là cơ hội để mở rộng hợp tác kinh doanh giữa hai bên hướng đến thị trường chung. Theo đó, hàng hoá Việt Nam sẽ được tiêu thụ rộng rãi ra khu vực.

Thực tế, dù thương mại Việt - Thái tăng mạnh trong những năm qua, song Việt Nam luôn là nước nhập siêu. Hàng hoá Việt không có mặt nhiều tại Thái Lan, chỉ số ít như đồ gỗ, cà phê len lỏi vào được. Hiện có khoảng 1.000 Việt kiều đang sinh sống tại Thái Lan. Ông Sanan cho biết các doanh nghiệp Việt cần phải giảm mạnh chi phí sản xuất, hạ giá và mở rộng xuất khẩu sang Lào, Campuchia và một số nước Đông Nam Á khác.

Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Thái Lan - Tussin Mahamongkol đã có hơn 20 sống và làm việc tại Việt Nam khẳng định "người Việt thông minh hơn người Thái". Tuy vậy, người Thái lại có kinh nghiệm, vì vậy nếu hợp tác sẽ tạo ra giá trị kinh tế lớn, góp phần nâng kim ngạch hai nước lên 20 tỷ USD và khẳng định vị thế trong khu vực.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét