Tồn tại vắt qua 3 thế kỷ, những cái tên như Đóng tàu Ba Son, Xi măng Hải Phòng, Dệt Nam Định... đã đi vào ký ức của nhiều thế hệ người Việt, song hầu hết đã được chuyển đổi trong những năm gần đây.
Nhà máy Đóng tàu Ba Son
Được người Pháp quyết định xây dựng từ năm 1863, sau khi xâm lược Việt Nam giữa thế kỷ XIX, Ba Son ban đầu là một xưởng sửa chữa, trú đậu cho chiến thuyền của quân đội thực dân và thương thuyền thời đó. Đến cuối thế kỷ này, Nhà máy Ba Son (nay thuộc số 2 Tôn Đức Thắng, quận 1, TP HCM) được mở rộng thành một công trường thủ công lớn nhất của Sài Gòn xưa. Đây là nơi sản xuất, sửa chữa mọi loại tàu thuyền, nơi đặt lò đúc các hạng súng lớn nhỏ bằng đồng hay bằng gang, tập trung hàng nghìn công nhân với nhiều ngành chuyên môn khác nhau.
Buổi đầu, tham gia đóng, sửa tàu chỉ có những công nhân người Pháp hoặc người Hoa được thuê từ Macau, Hong Kong, Thượng Hải, Singapore. Nhân công người Việt chỉ được thuê chặt cây, dựng lán trại, đào kênh, đắp đường... Sau vài năm phát triển, Ba Son đã có những công nhân người Việt đầu tiên.
Nhà máy đóng tàu Ba Son đến khi di dời là có tuổi đời 150 năm.
Lịch sử hình thành và đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam cũng gắn liền với xưởng Ba Son cùng tiếng tăm của một người thợ sau này trở thành Chủ tịch nước - ông Tôn Đức Thắng. Trải qua nhiều đợt chuyển giao sau các biến động lịch sử, sau này Tổng công ty Ba Son phát triển công nghệ đóng tàu hiện đại, có khả năng sản xuất, hạ thủy thành công những tàu tuần tra tìm kiếm cứu nạn xa bờ, có khả năng cứu nạn, có sàn đỗ cho trực thăng; đã đóng được những tàu tên lửa tấn công nhanh, tàu pháo hiện đại...
Năm 1993, Bộ Văn hóa thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) đã ra quyết định công nhận Ba Son là di tích lịch sử. Cuối năm 2008, khu đất được UBND TP HCM chấp thuận đề án xây dựng trung tâm phức hợp gồm tài chính văn phòng, thương mại dịch vụ, khách sạn cao cấp... Nhà máy đóng tàu Ba Son được xây dựng mới và di dời tới tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Nhà máy Xi măng Hải Phòng
Nhà máy xi măng Hải Phòng cũ (khu đất hiện nằm trên phố Bạch Đằng, quận Hồng Bàng) ra đời năm 1899, là nhà máy xi măng đầu tiên và duy nhất tại khu vực Đông Dương dưới thời thuộc Pháp với 4 lò quay. Công ty Xi măng Poóclan nhân tạo Đông Dương khi đó độc quyền khai thác nguyên liệu tại khu núi đá vôi Tràng Kênh và đất sét tại bãi sông cửa Cấm rồi vận chuyển về nhà máy làm nguyên liệu chính để sản xuất xi măng. Khác với gạch đá, vôi, vữa... xi măng và bê tông là yếu tố hoàn toàn mới trong các loại vật liệu xây dựng tại Việt Nam lúc bấy giờ.
Với nhãn mác con Rồng Xanh, Rồng Đỏ, Xi măng Hải Phòng đã xuất hiện tại Hội trợ triển lãm Liege (Pháp) năm 1904 và hàng vạn tấn đã mặt trên thị trường tiêu thụ ở các nước Đông Dương, Java (Indonesia), Hoa Nam (Trung Quốc), Singapore...
Nhà máy xi măng Hải Phòng trong lịch sử. Ảnh tư liệu
Ống khói - dấu tích của nhà máy Xi măng Hải Phòng. Ảnh: Panoramio
Năm 2012, Nhà máy Xi măng Hải Phòng mới được khởi công trên mặt bằng của Xí nghiệp Đá Tràng Kênh (thị trấn Minh Đức, Thuỷ Nguyên, Hải Phòng). Tại nhà máy cũ, công ty chấm dứt hoàn toàn việc sản xuất xi măng sau 107 năm hoạt động. Mặt bằng này được quy hoạch xây dựng Dự án Khu đô thị Xi măng Hải Phòng với nhiều khu thương mại, khách sạn cao cấp, chung cư cao tầng, khu văn phòng cho thuê, khu biệt thự, khu vui chơi giải trí, trường học, bênh viện...
Nhà máy Dệt Nam Định
Toàn cảnh Nhà máy dệt Nam Định trước đây. Ảnh tư liệu
Nhà máy Dệt Nam Định tiền thân là một cơ sở nghiên cứu về tơ lụa do Toàn quyền Đông Dương - De Lanessan sáng lập. Đến năm 1898, Toàn quyền Paul Doumer cho phép lập một nhà máy tơ chạy bằng hơi nước với 6 lò hơi đặt ngay tại trung tâm thành phố Nam Định.
Nhà máy dệt này trong một thời kỳ dài đã đưa Nam Định vào Top 3 thành phố công nghiệp lớn nhất miền Bắc. Có thời điểm đỉnh cao, nhà máy còn tạo công ăn việc làm cho tới gần 18.000 người. Trung bình cứ 10 người dân thành Nam thì có một người là công nhân của nhà máy dệt.
Thực tế, trong gần chục năm nay, nhà máy gặp khó khăn và hiệu quả kinh doanh đi xuống. Hiện chỉ còn khoảng 5.000 công nhân, cán bộ. Phần lớn đã bỏ nghề vì lương quá thấp. Với mức doanh thu trên dưới 800 tỷ đồng, 2 năm gần đây, công ty chỉ lãi 13-18 tỷ đồng. Trong khi đó, thu nhập bình quân tháng của nhân viên chỉ ở mức 3,4 triệu đồng.
Sau hơn trăm năm hoạt động với bề dày lịch sử, trải qua 2 cuộc chiến tranh, đến năm 2003, nhà máy được xác định là cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng nên buộc phải di dời ra khỏi thành phố. Nhà máy Nhuộm - bộ phận gây ô nhiễm nhất - đã được di dời trước sang Khu công nghiệp Hòa Xá cách đó 5 km từ năm 2014. Đến nay, khâu phá dỡ cơ sở này mới gần hoàn tất. Sau khi di dời toàn bộ nhà máy Nhuộm và Dệt, nơi đây sẽ được bàn giao để xây khu đô thị với quy mô 24,8 ha, tổng mức đầu tư trên 410 tỷ đồng.
Việc di dời nhà máy để lại nhiều tiếc nuối cho người dân thành Nam. Ảnh: Trần Huấn
Công trình nhà máy kẽm tại thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) do người Pháp xây dựng vào khoảng những năm 1912-1913. Đây là cơ sở công nghiệp đầu tiên tại Quảng Ninh, khi đó Việt Nam cũng được coi là nơi có ngành công nghiệp kẽm quan trọng nhất Đông Nam Á. Có thời điểm, nhà máy đã sử dụng tới 700 công nhân và sự sa sút của nhà máy những năm đầu thập niên 30 của thế kỷ XX từng được lịch sử ghi lại là "khiến cả thị trấn Quảng Yên trở nên trống vắng". Từ đó đến nay, công trình hầu như không được sử dụng nhiều vào sản xuất.
Công trình nhà máy Kẽm Quảng Yên đã trường tồn hơn một thế kỷ. Ảnh: Minh Cương
Hiện công trình còn bộ khung khu nhà máy 3 tầng, 2 ống khói cao hiếm có và hệ thống tháp nước, nhà tuyển, lò luyện, bến cảng bằng bêtông phân bố trên mấy ngàn mét vuông... do 2 đơn vị quản lý là Tiểu đoàn 1047, thuộc Lữ đoàn 147 và Công ty Sao Vàng. Cuối năm 2015, UBND thị xã Quảng Yên đã có văn bản đề nghị được tháo dỡ các công trình cũ của nhà máy kẽm để đảm bảo an toàn và chuẩn bị mặt bằng xây dựng tổ hợp trung tâm tài chính, thương mại. Tuy nhiên, gần đây, nhiều chuyên gia đưa ý kiến nên có biện pháp để kết hợp bảo vệ công trình kiến trúc mang dấu ấn công nghiệp Việt Nam từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 này.
Một trong 2 chiếc ống khói còn lại của nhà máy kẽm Quảng Yên. Ảnh: Minh Cương
Công ty cổ phần Cồn rượu Hà Nội (Halico) tiền thân là Nhà máy Rượu Hà Nội do hãng rượu Fontaine của Pháp xây dựng từ năm 1898 tại số 94 Lò Đúc. Đây là nhà máy lớn nhất trong 5 nhà máy được công ty Fontaine xây dựng ở Đông Dương khi đó.
Từ năm 1955, Chính phủ ban hành quyết định phục hồi Nhà máy Rượu Hà Nội để sản xuất cồn phục vụ y tế, quốc phòng và dân sinh. Những năm sau giải phóng, công ty từng thực hiện nhiều cuộc "cách mạng về kỹ thuật" nhằm thay đổi công nghệ sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm và có đóng góp lớn cho ngành công nghiệp nước nhà.
Cuối năm 2006, doanh nghiệp được chuyển đổi tên thành Công ty cổ phần Cồn Rượu Hà Nội (Halico) và hoạt động dưới hình thức cổ phần. Đầu năm 2011, Tập đoàn Diageo - công ty rượu lớn nhất thế giới đồng thời là chủ sở hữu nhiều thương hiệu rượu nổi tiếng thế giới chi gần 800 tỷ đồng để sở hữu 18,67% cổ phần của Halico. Tuy nhiên, con số doanh thu của Halico gần đây có chiều hướng suy giảm từ mức trên dưới 1.000 tỷ đồng xuống chỉ còn khoảng 400 tỷ đồng (năm 2014).
Cách đây vài năm, UBND TP Hà Nội quyết định di dời nhà máy về Bắc Ninh và thu hồi lô đất tại Lò Đúc để sử dụng vào mục đích khác.
Ngọc Tuyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét