Thị trường đã đồn đoán về khả năng sáp nhập giữa Sacombank và LienVietPostBank trong những tháng gần đây khi có sự xuất hiện của những cái tên đến từ LienVietPostBank tham gia ứng cử vào Sacombank. Tuy nhiên, theo phân tích của chuyên gia, HĐQT Sacombank mới cần ít nhất 3 năm để xử lý các vấn đề lớn tại ngân hàng trước khi tính đến chuyện sáp nhập.
Sự kiện đáng chú ý nhất tuần qua chính là ĐHĐCĐ thường niên của Ngân hàng TMCP Sài Gòn thương tín (Sacombank - mã: STB ).
Theo đó, HĐQT mới được bầu có 6 thành viên, trong đó có 3 thành viên là thành viên HĐQT hiện tại của Sacombank; gồm ông Kiều Hữu Dũng – nguyên Chủ tịch HĐQT Sacombank; ông Nguyễn Miên Tuấn – nguyên Phó chủ tịch Sacombank và ông Nguyễn Xuân Vũ – Phó TGĐ của Sacombank.
Có 2 thành viên đến từ Vietcombank là bà Lê Thị Hoa – nguyên Thành viên HĐQT Vietcombank và ông Phạm Văn Phong – Giám đốc Vietcombank chi nhánh ĐakLak. Ông Dương Công Minh – ứng cử viên duy nhất đến từ LienVietPostBank (nguyên Chủ tịch LienVietPostBank) không những được bầu làm Thành viên HĐQT mà còn được bầu làm Chủ tịch HĐQT của Sacombank nhiệm kỳ 2017-2021.
Có hay không câu chuyện sáp nhập?
Trong những tháng gần đây, thị trường đã đồn đoán về khả năng sáp nhập giữa Sacombank và LienVietPostBank khi ứng viên đầu tiên từ LienVietPostBank là ông Nguyễn Đức Hưởng (nguyên Phó chủ tịch LienVietPostBank) được đưa vào danh sách bầu HĐQT của Sacombank. Tuy nhiên ông Hưởng đã rút tên khỏi danh sách và quay trở lại LienVietPostBank.
Ngay sau đó ông Hưởng được bầu làm Chủ tịch của LienVietPostBank còn ông Dương Công Minh từ nhiệm vị trí Chủ tịch ngân hàng này.
"Hiện vẫn chưa có sự giải thích chính thức nào cho những sự kiện diễn ra đồng loạt này. Tuy nhiên trên thị trường trước đó đã có tin đồn là ông Dương Công Minh đã từ nhiệm chức Chủ tịch LienVietPostBank để tham gia Sacombank trong dịp ĐHCĐTN gần đây và có thể được bầu làm chủ tịch của Sacombank. Và kết quả bầu HĐQT của Sacombank tại ĐHCĐTN vừa rồi một lần nữa làm dấy lên tin đồn về khả năng sáp nhập giữa 2 ngân hàng vào một ngày nào đó trong tương lai", CTCK HSC phân tích trong báo cáo mới đây khi cập nhật tình hình về Sacombank.
Tuy nhiên phía công ty này nghi ngờ khả năng sáp nhập này trong tương lai gần vì tình hình phức tạp của Sacombank hiện giờ. HĐQT mới cần ít nhất 3 năm để xử lý các vấn đề lớn tại Sacombank trước khi tính đến chuyện sáp nhập.
Sacombank là một trong những ngân hàng hưởng lợi nhiều nhất từ Quyết định xử lý nợ xấu mới được thông qua
Quyết định xử lý nợ xấu đã chính thức được Quốc hội thông qua ngày 21/6 với chốt thời gian của các khoản nợ xấu phát sinh là trước ngày 15/08/2017. Quyết định này sẽ giúp các ngân hàng thu hồi, chuyển quyền sở hữu và bán thanh lý các tài sản đảm bảo là BĐS một cách dễ dàng hơn. Ngoài ra, các ngân hàng có thể phân bổ lỗ từ thoái lãi dự thu trong 10 năm và lỗ từ bán tài sản đảm bảo với giá thấp hơn giá trị sổ sách trong 5 năm.
Những quy định hạch toán mới này tương tự như quy định hạch toán áp dụng cho Sacombank trong đề án tái cơ cấu của ngân hàng. Tuy nhiên, việc áp dụng quy định mới đối với việc xử lý tài sản đảm bảo cho toàn ngành ngân hàng sẽ là cú huých quan trọng nhất đối với việc xử lý nợ xấu. Đặc biệt đối với Sacombank vì hầu hết tài sản đảm bảo là BĐS.
Theo ban lãnh đạo của ngân hàng, có 64 nghìn tỷ đồng trong tổng số 75 nghìn tỷ đồng giá trị tài sản đảm bảo của 86 nghìn tỷ đồng nợ xấu tại Sacombank là BĐS. Một số tài sản BĐS này có giấy tờ pháp lý đầy đủ trong khi một số khác thì không. Do vậy việc rút ngắn thủ tục thu hồi, chuyển quyền sở hữu và bán tài sản BĐS có thể sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho Sacombank.
Tuy nhiên, "có vẻ như kế hoạch xử lý nợ xấu ở Sacombank không giống như ở bất kỳ ngân hàng nào khác như chúng ta được biết trước đó. Với lượng lớn “tài sản có vấn đề” lên tới 86 nghìn tỷ theo ước tính của HSC, thực sự rất khó để Sacombank xử lý số nợ này thông qua trích lập dự phòng hoàn toàn và sau đó tiến hành xóa nợ tương tự như ở các ngân hàng khác như ACB", HSC đánh giá.
Quá trình xử lý nợ xấu của Sacombank sẽ phụ thuộc phần lớn vào việc bán tài sản đảm bảo. Do đó, nhu cầu thực tế từ thị trường mua nợ thứ cấp, định giá các dự án và tình trạng pháp lý của những dự án BĐS là những yếu tố quan trọng nhất.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét