Sau nhiều thập kỷ mày mò nghiên cứu, Peter Beck và phòng thí nghiệm tên lửa sắp làm thay đổi cách con người du hành không gian với những thiết bị giá rẻ.
Chàng thiếu niên lập dị với đam mê cháy bỏng
Peter Beck chăm chỉ hơn tất cả những thiếu niên cùng thời và dành phần lớn thời trai trẻ bên trong gara của gia đình ở thị trấn nhỏ tại New Zealand. Năm 15 tuổi, Beck tự làm một chiếc xe đạp bằng nhôm. Năm 16, Beck mua một chiếc Austin Mini rỉ sét với giá 300 USD và tân trang nó từ đầu đến cuối, bao gồm cả động cơ và hệ thống truyền động của phương tiện.
Tuy có sở thích khác xa bạn bè cùng trang lứa nhưng Beck lại nhận được sự ủng hộ của cha mẹ - giám đốc viện bảo tàng địa phương và giáo viên. “Mẹ mang cho tôi bữa tối và đặt nó xuống cái ghế nằm trong nhà xưởng. Tuy nhiên, tôi chỉ ăn khi nó đã nguội lạnh. Có lúc bà không thể chịu nổi và hét lên trong giận dữ ‘con phải đi ngừng lại và đi ngủ ngay’”, Beck nhớ lại.
Ở tuổi 18 năm 1999, Beck đã làm cái điều mà hầu hết mọi người đều cho là ngu ngốc. Sau khi đọc những cuốn sách trong thư viện, Beck đã chế tạo thành công động cơ tên lửa và nhiên liệu trước khi gắn nó lên chiếc xe đạp tự chế để mang ra thử nghiệm ở bãi tập xe gần nhà. Chiếc áo khoác màu đỏ và mũ bảo hiểm màu trắng không khiến Beck trở nên đỡ điên cuồng.
Tuy nhiên, thử nghiệm thành công tốt đẹp với chiếc xe có khả năng di chuyển với vận tốc 145 km/h. Khi muốn dừng lại, Beck sử dụng lực cản của gió thay vì dùng phanh vì sợ bánh xe sẽ bị phá hủy do ma sát quá lớn. “Chỉ một vài người trên hành tinh này được thử cảm giác ngồi trên một quả tên lửa. Nó thật tuyệt vời”, Beck nhớ lại.
Thành công vang dội sau thử nghiệm không khiến Beck tự mãn mà ngược lại, chàng trai trẻ tiếp tục trở về với các nghiên cứu. Để kiếm tiền theo đuổi đam mê, Beck phải làm mọi việc, từ dọn vệ sinh trong một nhà máy nhôm hay sau đó là lắp ráp máy tiện trước khi trở thành người đóng mới các du thuyền rồi tới chuyên gia phân tích âm thanh để làm giảm tiếng ồn. Cuối cùng, Beck gia nhập R&D, phòng nghiên cứu tên lửa do chính phủ New Zealand tài trợ.
Sự ra đời của tên lửa giá rẻ
Năm 2006, vợ của Beck nhận được một công việc đặc biệt, giúp hai vợ chồng ông tới Mỹ trong một tháng. Khoảng thời gian này giúp Beck có cơ hội tham quan các viện nghiên cứu hay công ty hàng không hàng đầu nước Mỹ, bao gồm cả trung tâm nghiên cứu Ames và Phòng thí nghiệm Động cơ phản lực của NASA cũng như của Boeing và Rocketdyne.
Trong mắt Beck, cách tiếp cận của những công ty hàng đầu nước Mỹ về tên lửa hay chinh phục không gian dường như đã lỗi thời. Lý thuyết mà ông theo đuổi là một ngành công nghiệp chinh phục không gian mở, với giá thành rẻ hơn rất nhiều so với cách NASA vẫn đang làm cùng những tên lửa lớn với khả năng mang theo vệ tinh to bằng chiếc xe buýt.
Beck hiểu rằng, chìa khóa để giảm giá thành là những thiết bị điện tử rẻ tiền, nhỏ gọn và những phần mềm thông minh đủ để giúp tên lửa, vệ tinh nhỏ hơn và tất nhiên là rẻ hơn. Kéo theo đó, nhu cầu đưa vệ tinh lên không gian cũng nhiều hơn dù lúc đó, chỉ các cơ quan hàng không vũ trụ thuộc sở hữu của các quốc gia mới có khả năng thực hiện sứ mệnh này.
Thời điểm đó, SpaceX của Elon Musk vẫn là kẻ vô danh. Chi phí phóng vệ tinh của NASA giao động từ 100 triệu tới 300 triệu USD mỗi lần nhưng họ cũng chỉ phóng tên lửa 1 lần/tháng, ưu tiên phục vụ viễn thông và quân đội. Beck tin rằng con người có thể phát triển công nghệ chinh phục không gian với giá rẻ hơn và hiệu quả hơn. Chính vì thế, Rocket Lab (phòng thí nghiệm tên lửa) đã ra đời.
Năm 2007, Chính phủ New Zealand cho phép Beck sử dụng miễn phí một tầng tại phòng thí nghiệm ông làm việc để nghiên cứu tên lửa giá rẻ. Dù có cơ hội tiếp cận các thiết bị cao cấp nhưng Beck vẫn cần tiền để mua nhiều thiết bị khác nhau nên ông gọi vốn từ một doanh nhân giàu có trong lĩnh vực Internet. Khoản tiền đầu tiên Beck có được là 300.000 USD.
Thử nghiệm đầu tiên thành công giúp tên tuổi của Beck và Rocket Lab nổi tiếng hơn không chỉ ở New Zealand, khiến số tiền đầu tư để phát triển tên lửa kích thước nhỏ, giá thành rẻ ngày càng lớn. Có thời điểm, công ty có 148 triệu USD để phục vụ nghiên cứu và được định giá lên tới hơn 1 tỷ USD. Hiện nay, tên lửa Electron là sản phẩm nổi bật nhất của Rocket Lab.
Bãi phóng tên lửa nằm giữa đồng cỏ xanh mướt của Rocket Lab.
Tên lửa sở hữu lớp vỏ mỏng nhưng đủ bền cùng nhiên liệu mạnh mẽ giúp nó phát huy tối đa hiệu quả. Để đảm bảo kết cấu, vỏ tên lửa được cấu thành từ nhôm sợi carbon với 9 động cơ Rutherford giúp nó trở nên mạnh mẽ. Electron chỉ có khả năng mang được 227 kg nhưng chi phí phóng của nó rất rẻ, chỉ khoảng 5 triệu USD. Nó rẻ hơn rất nhiều so với 60 triệu USD chi phí phóng tên lửa Falcon 9 của SpaceX.
Kích thước nhỏ cũng là lợi thế của Electron. Rocket Lab muốn phóng Electron 1 lần/tuần, trong khi SpaceX là 1 lần/tháng. Động cơ Rutherford của Electron cũng ra đời theo công nghệ in 3D, giúp đẩy nhanh quá trình sản xuất động cơ. Trên thực tế, động cơ của Electron ra đời chỉ bằng một nút bấm.
Với đặc thù nhỏ và rẻ, Rocket Lab có thể tìm tới khách hàng như Planet Labs, công ty chuyên sản xuất vệ tinh với kích thước bằng một chiếc hộp. Sự kết hợp giữa những công ty non trẻ, nhiều khao khát nhưng thiếu kinh phí trong lĩnh vực hàng không vũ trụ có thể làm thay đổi cách con người chinh phục không gian, vốn có tiếng là tốn kém và phức tạp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét