Vai trò thống trị của Amazon trong điện toán đám mây là không thể phủ nhận. Song, những con số ấn tượng về Office 365 cùng với bất ngờ của Oracle trong thời gian gần đây là dấu hiệu cho thấy Amazon không thể quá tự tin vào những gì mình đang có.
Amazon đã, đang và sẽ là ông vua của đám mây trong vòng nhiều năm sắp tới. Theo báo cáo gần đây nhất của Channel e2e, thị phần đám mây của Amazon là 40%, nhiều hơn cả 3 tên tuổi lớn tiếp theo cộng lại. Cuộc đua đám mây hiện tại về bản chất vẫn là cuộc chiến của riêng Amazon và Microsoft khi chỉ có 2 gã khổng lồ này là có thể công bố những con số tỷ đô ấn tượng. Những gã lớn khác, từ IBM, Oracle cho đến Google, vẫn chỉ là "mắt muỗi" so với Amazon và Microsoft.
Nhưng một loạt những diễn tiến gần đây cho thấy chiến lược đám mây đã thành công trong suốt 10 năm qua của Amazon lại đang có vấn đề.
Khởi đầu đầy đau khổ
Nguồn gốc của AWS nằm ở những vấn đề mà bất cứ một công ty nào cũng có thể gặp phải khi xây dựng hệ thống IT của riêng mình. Khi cơn bão dotcom qua đi và Amazon trở lại với nhịp tăng trưởng khổng lồ, hạ tầng IT của trang bán hàng này ngay lập tức rơi vào tình trạng "hụt hơi". Đi kèm với lượng người dùng liên tục bùng nổ là danh mục sản phẩm ngày một rối rắm và các phép tính phức tạp để cải thiện trải nghiệm (thông số so sánh, review, thuật toán gợi ý...). Đầu thập niên 2000, Amazon liên tục gặp tình trạng quá tải gây gián đoạn đến doanh thu và hình ảnh trong mắt công chúng.
Vấn đề này buộc Benjamin Black và Chris Pinkham (tác giả của bản dự thảo ý tưởng AWS) phải tìm cách tái cơ cấu hạ tầng IT của Amazon. Để có thể mở rộng quy mô kinh doanh và chiều sâu trải nghiệm người dùng cuối, Amazon phải tìm được cách chuyên biệt hóa từng phần của hệ thống thông tin: sức mạnh tính toán phải được tách rời khỏi hệ điều hành và middleware; hệ điều hành và middleware cần phải được tách khỏi các tầng code xử lý nghiệp vụ kinh doanh. Mỗi "tầng" của hệ thống cần được chuẩn hóa để những người làm việc trên "tầng" khác có thể chú tâm làm việc một cách dễ dàng.
Khi đã giải được bài toán này, các nhà lãnh đạo của Amazon bỗng dưng sở hữu một tài sản vô cùng quý giá: một lượng data center khổng lồ với các "dịch vụ" lưu trữ, cơ sở dữ liệu, sức mạnh tính toán được cung cấp thông qua các API và các tài liệu chuẩn mực. Mở các dịch vụ chuẩn mực này ra bên ngoài là bước tiến hoàn toàn tự nhiên để biến nền tảng của Amazon thành nền móng của Internet.
20 năm sau, AWS đã trở thành một đế chế nhỏ bên trong Amazon với trị giá thị trường lên tới 120 tỷ USD.
Bộ giáp không đầy đủ
Khởi đầu của AWS chính là lý do vì sao đám mây này thành công tới vậy. Trước khi điện toán đám mây trở nên phổ biến, các doanh nghiệp luôn phải đau đầu với bài toán scalability: làm thế nào để hạ tầng IT có thể mở rộng/thu hẹp một cách dễ dàng, tiết kiệm chi phí và ít ảnh hưởng tới các hoạt động kinh doanh cốt lõi nhất? Với AWS - kẻ dẫn đầu trước Microsoft hẳn 2 năm - Amazon đã biến bài toán ấy trở nên đơn giản hơn rất nhiều.
Song, chính vì sinh ra từ vấn đề hạ tầng mà AWS lại tồn tại một kẽ hở quan trọng: SaaS (cung cấp trọn vẹn dịch vụ phần mềm từ đám mây). Khác với Microsoft, IBM hay Oracle, Amazon không phải là gã khổng lồ có thế mạnh trên lĩnh vực giải pháp phần mềm dành cho doanh nghiệp. Công ty của Jeff Bezos đơn giản là chỉ bán sức mạnh tính toán và không hề có các ứng dụng giống như Office của Microsoft hay Siebel của Oracle để đưa lên mây và bán tới khách hàng.
Điểm yếu này đang trở thành những kẽ hở ngày một trầm trọng trong bộ giáp của Amazon. Tháng 4/2017, CEO Satya Nadella của Microsoft tuyên bố lượng người dùng Office 365 đã đạt tới 100 triệu. Ngay từ năm ngoái, Microsoft cũng đã vượt mặt SAP và Salesforce để trở thành ông hoàng trên lĩnh vực "ứng dụng đám mây", hay còn gọi là "SaaS".
Trong lĩnh vực mà đối thủ lớn nhất đang bành trướng, Amazon hoàn toàn vắng bóng.
Gần đây, doanh thu SaaS của Oracle trong quý tài chính mới nhất cũng đạt mức tăng trưởng 75% và lần đầu tiên cán mốc 1 tỷ USD. Trên đám mây, công ty của Larry Ellison cung cấp vô số các công cụ tối cần thiết cho hoạt động doanh nghiệp, từ phần mềm ERP, phần mềm nhân sự cho tới chăm sóc khách hàng.
Điều này có nghĩa rằng, ứng dụng doanh nghiệp của Oracle, vốn trước đây có thể triển khai lên PaaS hay IaaS của Amazon, nay lại được Oracle cung cấp đầy đủ dưới sạng ứng dụng đám mây. Bằng cách tấn công vào "tầng" cao hơn, gần với người dùng hơn (ứng dụng) thay vì cố đấm ăn xôi vào "sân nhà" hạ tầng của Amazon, Oracle đã tìm ra cách để loại bỏ AWS khỏi mối làm ăn của mình với khách hàng doanh nghiệp.
Đánh trả mạnh mẽ
Dĩ nhiên, một kẽ hở không có nghĩa rằng Microsoft, IBM hay Oracle có thể dễ dàng lật đổ Amazon trong ngày một ngày hai. Trong tương lai gần, phần đông các doanh nghiệp có lẽ vẫn sẽ lựa chọn cách di chuyển middleware và/hoặc hạ tầng phần cứng của mình lên đám mây, bởi đây là cách tiết kiệm chi phí nhất và quan trọng hơn ít gây thay đổi đối tới người dùng cuối nhất. Các công nghệ phần mềm nhưMicrosoft Exchange, IBM Domino hoặc Oracle vẫn đang tương thích khá tốt với các đám mây IaaS/PaaS thông thường. Với người dùng cuối vốn chỉ tiếp xúc với giao diện phần mềm mà không cần biết máy móc đang đặt ở đâu, thay đổi từ triển khai nội bộ lên triển khai đám mây vẫn là một hướng ít "động chạm" đến cách làm việc, quyền lợi và thu nhập nhất.
Dĩ nhiên, không phải lo lắng không có nghĩa rằng Amazon nên đứng yên. Sự phổ biến ngày càng sâu rộng của Office 365 hoặc các công cụ như Slack, Facebook at Work cho thấy người dùng doanh nghiệp đang ngày một cởi mở hơn với các thay đổi do "phần mềm trên mây" mang lại. Khi không khí làm việc trên toàn cầu đang đi dần theo hướng "nghĩ nhanh, thay đổi nhanh" để chống chọi lại với những cuộc cách mạng chóng mặt do startup khởi xướng, thay đổi từ phần mềm on-premises thành SaaS cũng sẽ không còn gặp quá nhiều sự chống đối nữa.
Vậy, Jeff Bezos và Andy Jassy đang có những động thái nào để đánh trả? Mới gần đây, Amazon đã bất ngờ khởi kiện Smartsheet sau khi công ty này thâu tóm được một phó chủ tịch đám mây của Amazon. Bước đi này được các nhà bình luận Phố Wall coi là dấu hiệu Amazon đang tìm cách ra mắt các bộ phần mềm quản lý công việc/làm việc nhóm tương tự như Smartsheet (và Slack, Microsoft Teams...), song điều ít ai nhận ra là công ty của Jeff Bezos đã bộc lộ tham vọng SaaS kể từ đầu 2017 qua các công nghệ như Lex hay Chime.
Không dừng lại ở đây, Amazon cũng có đầy đủ tiền bạc để thâu tóm các thế lực phần mềm doanh nghiệp như Atlassian hoặc Slack. Câu hỏi lớn nhất sẽ là, liệu Jeff Bezos và đồng sự có thực sự coi trọng mối đe dọa đang ngày một lớn dần đến từ Microsoft, IBM và Oracle?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét